Truy cập nội dung luôn

tin tức hoạt động tin tức hoạt động

Những điểm mới nổi bật của Luật Công đoàn (sửa đổi)

 

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước đã xuất hiện thêm nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự đổi mới, điều chỉnh, hoàn thiện hơn về các quy định pháp luật để đáp ứng được nhu cầu phát triển của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ đổi mới.

 

Trong chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Quốc hội chính thức thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương với 37 điều, tăng 4 điều so với luật hiện hành. Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

 

Trên cơ sở kế thừa những quy định của Luật Công đoàn 2012 về tính hợp lý, ổn định và hiệu quả, Luật Công đoàn (sửa đổi) đã tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay.

 

Bài viết sẽ tập trung vào những quy định mới nổi bật, nhận được nhiều sự quan tâm của Luật Công đoàn (sửa đổi), cụ thể như sau:

 

1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Công đoàn

Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định về phạm vi điều chỉnh đã bổ sung nội dung "quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp". Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bao quát hơn vì bao gồm cả quyền của tổ chức lao động, thay vì chỉ tập trung vào quyền của người lao động cá nhân mà không đề cập đến quyền gia nhập của tổ chức lao động như Luật Công đoàn năm 2012.

 

2. Bổ sung đối tượng có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn

 

Cùng với mở rộng phạm vi điều chỉnh, Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định người lao động Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Quy định này đã bổ sung đối tượng áp dụng cho cả những người lao động tự do, thay vì chỉ áp dụng cho những người lao động làm việc trong các cơ quan và doanh nghiệp chính thức như Luật Công đoàn 2012.  Đồng thời, bổ sung quyền gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở (không có quyền thành lập và không trở thành cán bộ công đoàn) của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Có thể thấy, việc sửa đổi quy định này đã tạo ra một khung pháp lý rộng hơn, toàn diện hơn trong việc quy định về đối tượng điều chỉnh của Luật Công đoàn nói chung và việc thành lập và gia nhập tổ chức Công đoàn nói riêng.

 

3. Quy định rõ về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam bao gồm 4 cấp công đoàn

 

Luật Công đoàn (sửa đổi) đã quy định Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, bao gồm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cấp Trung ương; cấp tỉnh, ngành trung ương; cấp trên trực tiếp cơ sở; cấp cơ sở.

 

Như vậy, Luật Công đoàn (sửa đổi) đã xác định và phân định rõ "Công đoàn Việt Nam" với "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam", quy định rõ 4 cấp công đoàn thay vì quy định chung chung theo Luật Công đoàn năm 2012 là "công đoàn các cấp".

 

4. Bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn

 

Luật Công đoàn (sửa đổi) bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn là một điểm mới quan trọng giúp tổ chức công đoàn tăng hiệu quả kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật lao động, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Bởi, thay vì chỉ được tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền như quy định của Luật Công đoàn năm 2012, thì theo quy định mới, Công đoàn chủ trì giám sát theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiến nghị trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về công đoàn, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện dân chủ ở cơ sở và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức Công đoàn. Đồng thời, Công đoàn có quyền và trách nhiệm tham gia ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động. Ý kiến phản biện xã hội của Công đoàn được nghiên cứu tiếp thu, giải trình theo quy định của pháp luật.

 

5. Sửa đổi, bổ sung các nội dung về tài chính công đoàn

 

Thứ nhất là, bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn

 

Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung thêm quy định các trường hợp được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng phí Công đoàn như doanh nghiệp giải thế, phá sản theo quy định của pháp luật hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hay bất khả kháng phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí Công đoàn...

 

Quy định này thể hiện sự linh hoạt và thích ứng của pháp luật trước những biến động bất ngờ trong môi trường kinh doanh, giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động và đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn. Đồng thời góp phần tạo ra một môi trường làm việc ổn định và bền vững hơn, khuyến khích doanh nghiệp duy trì hoạt động và đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

 

Thứ hai là, tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2% nhưng sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; việc lập và chấp hành dự toán, kế toán, quyết toán; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ.

 

Thay vì chỉ quy định chung chung về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn như Luật Công đoàn 2012, việc sửa đổi, bổ sung quy định này nhằm quản lý chặt chẽ và thúc đẩy hiệu quả sử dụng nguồn lực để chăm lo tốt hơn cho quyền lợi đoàn viên và người lao động.

 

Thứ ba là, bổ sung quy định mới về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn và công khai tài chính công đoàn

 

Bên cạnh việc trao quyền tự chủ cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn, Luật Công đoàn (sửa đổi) bổ sung quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính và công khai tài chính công đoàn nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong quản lý kinh phí Công đoàn. Cụ thể là:

 

- Bổ sung quy định trách nhiệm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ hai năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.

 

- Bổ sung định kỳ hai năm một lần, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và báo cáo kết quả với Quốc hội; Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

- Bổ sung quy định về công khai tài chính công đoàn. Theo đó, Công đoàn các cấp thực hiện công khai tài chính hằng năm tại hội nghị ban chấp hành công đoàn, đồng thời phải công khai bằng một trong các hình thức sau đây: 1) Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; 2) Thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan; 3) Thông báo tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng năm; 4) Đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

 

Luật Công đoàn (sửa đổi) đã trao quyền chủ động cho tổ chức công đoàn phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tạo nền tảng pháp lý vững chắc để tổ chức công đoàn thích ứng với bối cảnh mới. Tuy nhiên, để các quy định mới này được thực thi có hiệu quả trong thực tiễn thì đòi hỏi các cấp công đoàn phải có đổi mới toàn diện, linh hoạt, năng động và tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, đặc biệt là các kỹ năng giám sát, phản biện và quản lý tài chính.

 

Bích Trần

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

tin tức hoạt động

Thông báo, chỉ đạo Thông báo, chỉ đạo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website