Hướng dẫn nghiệp vụ
Ngành Dệt May Việt Nam luôn tạo điều kiện cho nữ giới phát triển
Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn đối với doanh nhân nữ trong ngành Dệt May Việt Nam.
Những khó khăn của doanh nhân nữ so với doanh nhân nam là gì thưa bà?
Theo tôi, doanh nhân nữ hay doanh nhân nam thì đều là doanh nhân và đều phải ý thức và có trách nhiệm với công việc của mình. Ngành Dệt May Việt Nam đang hội nhập cùng với sự phát triển của thế giới và chịu áp lực cạnh tranh rất lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp của Vinatex phải tự vận động vươn lên nhưng vẫn theo định hướng chung của cả Tập đoàn. Đội ngũ doanh nhân của ngành Dệt May Việt Nam, trong đó có rất đông là doanh nhân nữ luôn biết cách làm thế nào để tập hợp được toàn bộ sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngành trên thương trường.
Bà có mong muốn gì để doanh nhân nữ phát huy tốt hơn vai trò của mình?
Tôi nghĩ, tất cả các doanh nhân nói chung và doanh nhân nữ nói riêng, khi bước vào công việc đều ý thức được mình phải làm gì. Đặc biệt, ngành Dệt May Việt Nam có một điểm thuận lợi hơn là có đội ngũ doanh nhân nữ rất đông, phần lớn làm lãnh đạo và được các đồng chí nam giới tạo điều kiện rất nhiều. Những năm gần đây, chị em phụ nữ đã không còn nhút nhát mà đã phát huy được vai trò rất lớn, vươn lên để đưa ra những chính kiến và phát huy trí tuệ, hiểu biết của mình. Chính vì vậy, những doanh nghiệp có chị em nữ là lãnh đạo đã phát triển rất tốt và được đánh giá cao. Trong ngành Dệt May Việt Nam, phụ nữ luôn được tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần để phát huy hết khả năng và được bổ nhiệm giữ các chức vụ đúng với năng lực của mình.
Theo bà cơ chế chính sách đối với doanh nhân nữ hiện nay ra sao?
Hiện nay, các cơ chế chính sách và môi trường làm việc đối với nữ giới đã được cải thiện rất nhiều. Nữ giới bên cạnh việc phải làm tốt công tác chuyên môn thì còn có khó khăn riêng là phải làm tốt thiên chức làm vợ và làm mẹ. Các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nữ giới làm việc đã có rất nhiều nhưng có những doanh nghiệp, đơn vị chỉ thực hiện theo kiểu đối phó. Đối với Vinatex, các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện rất nghiêm chỉnh những chính sách đối với nữ giới, vì vậy, ngành Dệt May Việt Nam đã thu hút được đông đảo chị, em vào làm việc. Về cơ chế, chính sách đối với nữ giới qua từng thời kỳ sẽ có những thay đổi cho phù hợp, nhưng tôi thấy chính sách, môi trường làm việc hiện nay đã, đang và sẽ tạo điều kiện để chị em phụ nữ trong ngành Dệt May Việt Nam có thể phát triển tốt, khẳng định năng lực bản thân, tham gia đóng góp cho xã hội và xây dựng đất nước.
Nguồn: http://www.vinatex.com/Portal/Detail.aspx?Organization=vinatex&MenuID=85&ContentID=14215