



Tin nổi bật
Tích hợp nhiều phương pháp để nắm bắt dư luận trong đội ngũ lao động ngành Dệt May
Năm 2020 là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, cũng là năm dịch Covid-19 diến biến phức tạp, một số thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã tung tin xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân. Trước tình hình trên, các cấp công đoàn cần làm tốt công tác nắm bắt dư luận trong CNVCLĐ nhằm giúp doanh nghiệp và NLĐ ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn và sớm trở lại đà phát triển.
Phân biệt dư luận xã hội với tin đồn
Dệt May là ngành có số lượng lao động lớn nhưng trình độ và nhận thức còn nhiều hạn chế. Do công việc thường xuyên phải làm ca kíp nên thời gian dành cho việc học tập, khai thác thông tin phục vụ cho cuộc sống và công việc chưa được quan tâm và đầu tư thích đáng. Công cụ để giải trí, nắm bắt thông tin nhanh và thuận tiện nhất hiện nay của đại đa số NLĐ là mạng xã hội. Tại đây mỗi cá nhân thoải mái bình luận, chia sẻ thông tin mình quan tâm, vì vậy tính lan truyền lại càng nhanh và rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều thông tin trên mạng xã hội thực chất là tin đồn, không đúng sự thật. Nếu NLĐ không biết chọn lọc rất dễ trở thành đối tượng bị lợi dụng để lan truyền những thông tin sai trái, vi phạm pháp luật.
Do vậy, cán bộ làm công tác nắm bắt dư luận xã hội trong NLĐ phải tuyên truyền, giúp NLĐ phân biệt được giữa dư luận xã hội và tin đồn. Cụ thể: Dư luận xã hội là sản phẩm của tư duy, thể hiện quan điểm, thái độ của cá nhân/tổ chức trước các sự kiện, hiện tượng xã hội hay các vấn đề mà cá nhân/tổ chức quan tâm. Dư luận xã hội ban đầu có thể bao gồm nhiều ý kiến khác nhau nhưng càng lan xa càng thống nhất.
Còn tin đồn là hiện tượng tâm lý. Tin đồn chỉ là thông tin về 1 sự việc, sự kiện, hiện tượng lan truyền từ người này sang người khác. Là 1 dạng thông tin không chính thức, chưa được kiểm chứng về tính chính xác, chủ thể của tin đồn cũng thường không rõ ràng. Tin đồn thường là sự bịa đặt và càng lan xa thì nội dung lại càng xa với sự thật. Trong thế giới số, tin đồn thường được chia sẻ qua mạng xã hội nhầm câu "like" hoặc với mục đích không trong sáng.
Tích hợp nhiều phương pháp để nắm bắt dư luận xã hội
Mạng xã hội: Hiện nay đại đa số NLĐ sử dụng điện thoại di động và thưòng xuyên truy cập mạng xã hội như Zalo, Facebook… Xác định đây là một công cụ truyền thông hữu ích, năm 2018, Cổng thông tin Điện tử và trang Facebook "Công đoàn Dệt May Việt Nam" được thành lập. Sau 2 năm đi vào hoạt động, công tác truyền thông và nắm bắt dư luận xã hội trong NLĐ bước đầu có hiệu quả. Tại cơ sở, các CĐCS cũng đã lập Facebook và kết bạn với NLĐ nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin hữu ích, đồng thời giúp NLĐ nhận biết những thông tin thất thiệt.
Trao đổi về nội dung này, anh Nguyễn Duy Thành – Công nhân Tổng Công ty May 10 chia sẻ: "Để tìm kiếm thông tin về các hoạt động của công ty, tôi thường vào trang Facebook và website của công ty mình. Công đoàn còn lập ra một nhóm trên Facebook, tại đây tôi và bạn bè đồng nghiệp không những có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm mà còn được cập nhật các thông tin về ngành và đơn vị."
Đối thoại trực tiếp: Nếu mạng xã hội giúp công tác nắm bắt dư luận trong NLĐ nhanh và thuận tiện thì đối thoại trực tiếp giúp nắm bắt dư luận một cách trung thực, chính xác. Hiện nay, toàn ngành có 86/108 doanh nghiệp tổ chức Hội nghị NLĐ năm 2020 (đạt tỷ lệ gần 80%), trong đó có 84 đơn vị tổ chức được trên 160 cuộc đối thoại tại nơi làm việc. Tại đây, những khó khăn vướng mắc của NLĐ được lãnh đạo doanh nghiệp và CĐCS phối hợp từng bước giải quyết đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc làm, thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do làm tốt công tác này, các doanh nghiệp có CĐCS trực thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam chưa để xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể.
Hội nghị NLĐ tại Công ty CP May Bình Minh
Cộng tác viên dư luận xã hội "2 trong 1": Cộng tác viên nắm bắt dư luận xã hội của Công đoàn Dệt may Việt Nam hiện nay chủ yếu là cán bộ công đoàn phụ trách công tác tuyên giáo CĐCS. Các thông tin sẽ được cán bộ phụ trách báo cáo trên nhóm Zalo, Facebook, tại các cuộc họp sinh hoạt chi bộ Đảng hàng tháng hoặc cuộc họp của công đoàn để doanh nghiệp và CĐCS phối hợp xử lý, đồng thời có giải pháp định hướng dư luận xã hội trong NLĐ tại doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, cán bộ làm công tác nắm bắt dư luận xã hội của Dệt May Hòa Thọ là các tổ trưởng tổ công đoàn, còn "đường dây nóng" để tiếp nhận thông tin của NLĐ là số điện thoại của cá nhân ông Sơn. Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng cho biết thêm: "Thông qua việc nắm bắt dư luận xã hội trong NLĐ mà một số thông tin thất thiệt, gây bất lợi cho doanh nghiệp khiến NLĐ hoang mang lo lắng... đã được kịp thời giải quyết. Làm tốt công tác nắm bắt dư luận xã hội cũng chính là một trong những lý do người lao động luôn nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động do chuyên môn và Công đoàn tổ chức."
Đ/c Nguyễn Thanh Sơn (bên phải ngoài cùng) trò chuyện cùng NLĐ
Thực tế cho thấy, có nhiều phương pháp để nắm bắt dư luận xã hội trong CNVCLĐ. Tuy nhiên, sẽ không có một phương pháp nào là tuyệt đối bởi mỗi phương pháp đều có những mặt ưu và nhược điểm: Sử dụng mạng xã hội thì bản thân cán bộ nắm bắt dư luận phải tổng hợp và phân tích và kiểm chứng thông tin. Với đối thoại trực tiếp, có nhiều ý kiến sẽ không được đề xuất trực tiếp tại hội nghị vì tế nhị hoặc ngại va chạm. Trực tiếp phản ánh, báo cáo sự việc với với cán bộ CĐCS không phải NLĐ nào cũng lựa chọn... Do vậy để công tác nắm bắt dư luận xã hội đạt hiệu quả cần phải tích hợp nhiều phương pháp, đặc biệt là phải căn cứ điều kiện thực để vận dụng sao cho hiệu quả.
Đề xuất một số giải pháp nhằm ổn định dư luận trong CNLĐ
1- Tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên NLĐ về tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác nắm bắt dư luận xã hội. Thông qua nắm bắt dư luận xã hội, các cấp công đoàn tham mưu đề xuất với cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng những cơ chế chính sách phù hợp.
2- Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như ban hành các chính sách, chương trình hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn phải được xuất phát từ lợi ích chung, phù hợp với điều kiện thực tế và được đông đảo NLĐ nhiệt tình ủng hộ.
3- Tập thể cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân mỗi NLĐ cần tham gia đấu tranh nhằm bác bỏ những thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, các tin đồn khiến NLĐ và cộng đồng xã hội hoang mang lo lắng.
4- Duy trì mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội của các cấp Công đoàn cũng như phát huy vai trò của cá nhân, mỗi Đảng viên trong việc nắm bắt dư luận xã hội. Trang bị kỹ năng, kiến thức để họ có phương pháp thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.
5- Ứng dụng công nghệ thông tin như Facebook, Zalo, email, các ứng dụng trên thiết bị điện tử thông minh... nhằm thu hút đông đảo NLĐ cũng như thuận tiện cho việc tổng hợp và xử lý thông tin dư luận xã một cách chính xác và kịp thời.
Nguyễn Thủy
Tin khác
- Góc thơ: Dấu mốc
- Ma túy - Thử một lần, hỏng một đời
- Cảm ơn người lao động Dệt May - Tháng Công nhân 2025
- Vai trò của tổ chức công đoàn trong triển khai và giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2024
- Một số giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ của công nhân, người lao động Dệt May
- Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn cần giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện
- Quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố
- Đàn ông và câu chuyện ngoại tình
- Gia đình - Nơi những khuyết thiếu trở nên "tròn" vẹn
- Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin cho người lao động ngành Dệt may
- Sách trong đời sống người lao động
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống
- Từ ngày 25/12/2024, mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký
- Điều kiện và quy trình xét chọn công nhân lao động tiêu biểu là đảng viên để tôn vinh tại Hội nghị toàn quốc lần thứ I năm 2025
- Mở rộng thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam