Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Câu hỏi day dứt phía sau những cuộc ly hôn

 

Người ta bảo, cưới nhau thì dễ, sống với nhau hạnh phúc đến đầu bạc răng long mới là chuyện khó…

 

CÂU HỎI DAY DỨT PHÍA SAU NHỮNG CUỘC LY HÔN

 

Gặp gỡ và chia ly vốn là quy luật của cuộc sống nhưng chia ly trong tình yêu, đặc biệt là trong hôn nhân, thường mang đến những dư vị đắng cay, hậu quả có thể kéo dài nhiều năm sau đó và để lại những vết thương lòng mà thời gian cũng khó làm mờ đi vết sẹo.

Bầu không khí thường thấy trong phiên tòa xét xử các vụ ly hôn là sự căng thẳng, hằn học, tố cáo, đổ lỗi cho nhau... từ cả hai phía. Nó hoàn toàn tương phản với sự lộng lẫy, náo nhiệt, vui tươi, nhiều khi còn khá phô trương, nhưng tựu trung là tràn đầy hạnh phúc của các buổi hôn lễ vốn cách đó chưa lâu.

Sự trái ngược đáng kinh ngạc ấy, bắt nguồn từ lối sống "Yêu nhanh, cưới gấp, ly hôn vội" đang rất phổ biến hiện nay, nhất là trong giới trẻ.

 

Từ những cuộc hôn nhân do... bác sỹ "chỉ định"

 

Theo thống kê từ Báo Đại đoàn kết, số vụ ly hôn mỗi năm ở Việt Nam là 60.000, tỷ lệ so với kết hôn là 25%, có nghĩa là cứ có 4 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn thì có 1 đôi đưa nhau ra tòa. Tình sử của các cặp đôi thì muôn hình vạn trạng, chỉ giống nhau một điểm đáng buồn là đều dẫn tới chia tay.

Thực tế hiện nay, không hiếm những đám cưới vội vàng diễn ra khi đôi trẻ chỉ mới làm quen, đi chơi với nhau một số buổi, thậm chí chỉ qua một đêm tiệc tùng quá đà nhưng đàng gái lỡ... dính bầu!

Sau khi nghe đôi trẻ ấp úng, vẻ đầy "tội lỗi", thành khẩn khai báo, các bậc phụ huynh đáng kính và cả đáng thương của hai bên cứ gọi là tá hỏa hết cả lên, mọi công tác chuẩn bị cho đám cưới chạy bầu gấp gáp diễn ra. Trong bối cảnh ấy, người ta không đủ thời gian, sự bình tĩnh và sáng suốt để tìm hiểu, đánh giá về con dâu/con rể, về vợ/chồng tương lai. Một "tương lai" đang sốt sình sịch ở sát bên cạnh!

Mà ngay cả khi lờ mờ nhận thấy "đối phương" có dấu hiệu gì đó bất ổn thì người ta cũng dễ dàng tặc lưỡi cho qua để tin tưởng một cách rất đỗi ngây thơ và chân thành rằng: cứ thành vợ thành chồng rồi đâu khắc vào đó.

Bên cạnh những cuộc hôn nhân do bác sỹ "chỉ định", có nhiều đôi trai gái đã trải qua thời gian tìm hiểu yêu đương chưa quá dài nhưng cũng không thể gọi là ngắn. Có thể ví von một cách đầy thi vị rằng, mối tình của họ như mật ngọt, đầy đắm say và lung linh sắc màu.

Nhưng trong những vụ việc, các cặp đôi phải lôi nhau ra chốn pháp đình, bất ngờ và khó lý giải nhất là các đôi đã yêu nhau một thời gian dài trước khi tiến tới hôn nhân. Ít thì cũng 5 năm, nhiều hơn thì 8- 10 năm. Có đôi yêu nhau từ hồi còn mòn đũng trên ghế nhà trường.

 

Những cuộc tình có "Nơi tình yêu bắt đầu" không giống nhau nhưng lại có chung một "nơi tình yêu kết thúc"        

         

Với những đôi trai gái tiến tới hôn nhân gần như chỉ vì một lý do duy nhất: để cho một sinh linh bé bỏng đang sắp chào đời có cha, có mẹ, có được sự thừa nhận chính thức của gia đình, xã hội và của... các thủ tục hành chính thì sự tan vỡ của họ thực ra là điều rất dễ hiểu và có thể tiên đoán trước. 

Hầu như chưa hiểu gì về tính cách, con người, thậm chí cả gia cảnh của đối phương, người vợ/chồng hay cả hai có thể nhanh chóng thất vọng, chán nản, dẫn tới coi thường, chán ghét nhau và chỉ muốn thoát ra khỏi cuộc hôn nhân vội vàng càng nhanh càng tốt.

Trong các cặp đôi, hôn lễ của đôi trai gái đã trải qua một mối tình bay bổng, lãng mạn, có lẽ là những hôn lễ hạnh phúc nhất.

Họ đã trải qua thời gian tương đối dài để có sự hiểu biết khá kỹ càng về nửa kia của mình, cả gia đình, người thân của họ và tin tưởng đối tác là lựa chọn phù hợp nhất. Thời gian yêu đương thường từ 1-2 năm, cặp trai gái vẫn đang trong giai đoạn mà hormone tình yêu ngập tràn.

Những cặp vợ chồng đã trải qua quãng thời gian yêu nhau gần chục năm và hơn thế nữa (có nhiều đôi còn từng là bạn bè trước khi trở thành người yêu), có thể nói, trước khi về chung một nhà, dường như họ đã hiểu nhau tới chân tơ kẽ tóc, đã trải qua đủ mọi vui buồn, sướng khổ cùng nhau, không ít người còn có mối quan hệ vô cùng tốt đẹp, như người thân lâu năm với gia đình, người thân của vợ/chồng mình. Nhưng tất cả, cho dù là cặp đôi "bác sỹ bảo cưới", cặp đôi "mật ngọt" hay thậm chí là cặp đôi "lâu năm" thì đều có chung một kết thúc đắng ngắt như nhau: ly hôn!

 

Thử đi tìm lời giải cho những cuộc chia tay 

          

Ngoài kết cục đã được dự báo trước của các cặp đôi "yêu nhanh, cưới vội" đã phân tích ở trên, cuộc chia tay của những mối tình bay bổng, lãng mạn và nhất là của các cặp đôi có "thâm niên" tìm hiểu và yêu đương để lại trong chúng ta rất nhiều điều trăn trở và suy ngẫm.

Với đôi trẻ "mật ngọt", tình yêu trước hôn nhân của họ tràn ngập một màu hồng. Họ đắm say, ngất ngây trong men say ái tình, bất cứ lời nói, cử chỉ nào của đối phương cũng đều hết sức đặc biệt, vô cùng dễ thương, mà dường như, chỉ mình người ấy mới có. Cả hai mang tâm trạng ngất ngây ấy bước vào cuộc hôn nhân để rồi nhanh chóng vỡ mộng.

Cuộc sống hôn nhân với vòng quay cơm áo gạo tiền, áp lực công việc, con cái nheo nhóc... lặp đi lặp lại một cách tẻ nhạt mỗi ngày, thực sự khác xa so với những cuộc hẹn hò tuần 1- 2 lần với hình ảnh chàng và nàng đều như hoàng tử, công chúa trong mắt nhau.

Đôi trai gái hẫng hụt, chán nản, rồi thất vọng tràn trề, thậm chí suy sụp. Họ quay ra trách móc, chì chiết, xúc phạm lẫn nhau rồi dắt nhau ra tòa mà không thôi hoang mang, uất giận, tự hỏi trong lòng: "Tại sao anh ấy/cô ấy lại thay đổi nhanh như vậy?"

Người ta vẫn nói "hôn nhân là nấm mồ của tình yêu" quả không ngoa.

Nếu như cặp đôi "mật ngọt" vốn quen chìm đắm trong cảm xúc yêu đương lãng mạn, giờ trở nên "sốc" toàn tập trước thực tại khắc nghiệt của đời sống vợ chồng thì cặp đôi "lâu năm" lại có cuốn "tình sử" thật dài với tính chất hoàn toàn khác biệt.

Yêu nhau nhiều năm, họ gần như gặp nhau mỗi ngày. Đôi trẻ cũng hiểu rõ đối phương, cả mặt mạnh, mặt yếu, cái đẹp và cái xấu. Không chỉ chung nhau niềm vui, cả hai còn sẻ chia không ít nỗi buồn, giận hờn, hiểu nhầm rồi làm lành... mà bất cứ cặp đôi nào cũng từng trải qua.

Hiểu rõ đối phương, họ còn nắm vững cả gia cảnh, người thân, thậm chí cả công việc, đồng nghiệp của anh ấy/cô ấy.

Với các cặp đôi này, họ đã trải qua giai đoạn nồng nhiệt yêu đương, ngập tràn rung động... để bước vào thời kỳ có vẻ trầm lắng, yên bình hơn nhưng lại có sự gắn bó sâu sắc, hướng tới tương lai với nhiều dự định và trách nhiệm chung.

Vậy mà rốt cuộc, họ cũng vẫn đưa nhau ra tòa. Có những đôi yêu nhau tới 10 năm mà ly hôn chỉ sau 6-7 tháng sống chung một nhà.

Thế mới biết, cho dù hai người có yêu nhau trong một thời gian dài, tưởng chừng đã rất hiểu và đồng cảm, trải qua không ít khó khăn, trắc trở cùng nhau nhưng đời sống hôn nhân vẫn là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.

Đôi trai gái tưởng chừng đã thấu hiểu, đọc hết được suy nghĩ của nửa kia, nay thành vợ thành chồng, họ cãi cọ, chấp nê nhau từ những chuyện nhỏ nhặt: anh chồng quần áo thay ra không gấp gọn, cô vợ ăn cơm sao miệng cứ nhai chọp chẹp..., cho đến những việc lớn hơn: chuyện học hành, con cái, đối nội, đối ngoại..., rồi nghiêm trọng hơn nữa như làm ăn, tiền bạc, tài sản, tình dục, ngoại tình...

Trăm vạn lý do dẫn đến việc anh ấy/cô ấy hay cả hai có quan hệ ngoài hôn nhân nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là do người trong cuộc muốn tìm đến một mối quan hệ mới như một phương thức giải tỏa sự bế tắc cho cuộc hôn nhân đang hiện hữu.

Có không ít quan hệ ngoài luồng đã dẫn tới những vụ ly dị đầy đớn đau cho cặp vợ chồng, cho con cái và người thân của họ.             

Người ta rời bỏ cuộc hôn nhân đầu tiên như trút bỏ một gánh nặng, như người hành khách rời một con tàu đắm để hăm hở leo lên một chuyến tàu khác với kỳ vọng về một hành trình hạnh phúc dài lâu, vĩnh viễn.

Nhưng rất nhiều người trong số họ nhanh chóng nhận ra là họ đã sai lầm.

Ở lần thứ hai này, khi đã có nhiều trải nghiệm và bài học đắt giá, khi tuổi đời đã không còn trẻ, không còn đến với nửa kia một cách "vô sản" (như hầu hết các cặp đôi thuở ban đầu), vô tư mà có thể kèm theo một số (hoặc rất nhiều) tài sản riêng cùng rất nhiều toan tính từ cả hai phía. Họ không cần mất nhiều thời gian như lần đầu tiên để nhận ra rằng "đối tác" lần này thậm chí còn tệ hơn người chồng/vợ mà họ đã rời bỏ không thương tiếc rất nhiều.

Ngẫm lại mới thấy, để đi cùng nhau trên một hành trình hạnh phúc, yêu nhau 1 năm, 2 năm..., 10 năm hay hơn thế nữa; hiểu qua loa hay tường tận về nhau đều vẫn là chưa đủ.       

Hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc nhưng chỉ toàn nhìn thấy thói hư tật xấu ở đối phương thì thà rằng mắt nhắm mắt mở, chả hiểu gì về nhau còn hơn.

Điểm mấu chốt để giải quyết xung đột trong các cặp vợ chồng là cả hai có sẵn sàng nhường nhịn, hy sinh cái tôi, có vì nửa kia hay không. Cả hai cần thấu hiểu nhau là để bỏ qua những thiếu sót, những cái xấu, trân trọng những nét đẹp, cái tốt của nhau; ghi nhận những gì đối phương đã "có", bỏ qua những gì anh/cô ấy "chưa" làm được cho mình.

Một điều cũng vô cùng quan trọng nữa là những hiểu nhầm, ẩn ức... của mỗi bên cần phải được nhanh chóng giải tỏa, chia sẻ để hiểu đúng và thông cảm cho nhau, tránh cho mâu thuẫn giữa đôi bên ngày càng trở nên trầm trọng, tích tụ dần dần, lên tới đỉnh điểm có thể dẫn tới sự bùng nổ khó kiểm soát.

 

Suy cho cùng, yêu nhau, cưới nhau không khó nhưng để sống với nhau cả đời, nắm tay nhau, trọn vẹn trên một hành trình hạnh phúc cần lắm sự nỗ lực, cố gắng và hy sinh từ cả hai phía, mỗi ngày, mỗi ngày...

 

​​​​​​​         Nguyễn Thị Thu Hương

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website