Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Hậu quả, quy trình xử lý quấy rối tình dục và vai trò của người sử dụng lao động, người lao động và công đoàn cơ sở trong phòng ngừa quấy rối tình dục tại nơi làm việc

 

Quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc (NLV) có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đây là một hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính, làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc, sự bình đẳng giữa người lao động (NLĐ) nam và nữ,gây ra những ảnh hưởng về tâm lý, khiến cho nạn nhân lo lắng, căng thẳng, dẫn đến môi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc cũng như năng suất lao động bị giảm sút.

 

QRTD là hành vi cần và bắt buộc phải ngăn chặn.

 

Hậu quả QRTD tại nơi làm việc

Tác động tiêu cực của QRTD tại NLV không chỉ đối với nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến những NLĐ khác, người sử dụng lao động (NSDLĐ), tới chính thủ phạm, khách hàng, và cho cả xã hội.

 

Tác động tiêu cực đối với nạn nhân

 

QRTD tại NLV có những tác động, gây hậu quả tiêu cực theo nhiều cách thức khác nhau. Ở cấp độ cá nhân, nạn nhân của QRTD tại NLV có thể phải trải qua những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tinh thần, sức khỏe, kinh tế, các mối quan hệ xã hội, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thậm chí, cả hạnh phúc gia đình. 

 

- Về mặt quan hệ xã hội: nạn nhân cảm thấy xấu hổ nếu sự việc được nhiều người biết, gây mất tự tin vào chính bản thân, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các mối quan hệ xã hội khác của họ. 

 

- Về mặt sức khoẻ: người bị QRTD có thể bị ảnh hưởng cả về tinh thần và thể chất, đặc biệt là với các hành vi như xâm hại cơ thể, cưỡng dâm, hiếp dâm... Nạn nhân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây tổn thương thể chất và có nguy cơ mắc bệnh HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hậu quả lớn hơn nữa là có thể làm lây bệnh cho vợ/chồng, bạn tình...

 

- Về công việc: nạn nhân do chịu tác động về tâm lý, sức khỏe, dễ dẫn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả giảm sút, đánh mất động lực, niềm vui trong công việc.Sự căng thẳng, cảm giác bất an, lo lắng, sợ hãi luôn hiện diện trong tâm trí họ mỗi khi đi làm...Tất cả những điều này làm cho NLĐ đối mặt với những khó khăn cho công việc hiện tại, trong tương lai, ảnh hưởng tới phát triển sự nghiệp bản thân, rộng ra, có thể tác động tới thu nhập của cả gia đình.

 

Tác động tiêu cực đối với thủ phạm

 

Không chỉ nạn nhân phải chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tinh thần, mối quan hệ xã hội và cơ hội phát triển nghề nghiệp, thủ phạm gây ra QRTD tại NLV cũng có thể mang cảm giác bất an, tội lỗi, xấu hổ, lo lắng bị phát hiện/xử lý. Sự bất an này làm cho thủ phạm khó có thể tập trung, dẫn đến giảm năng suất và chất lượng công việc. Đồng thời, nếu bị phát hiện hoặc tố giác, thủ phạm có thể phải nhận các hình thức kỷ luật,  ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cá nhân, cuộc sống gia đình và sự nghiệp của chính anh ta/cô ta.

 

Tác động tiêu cực đối với NSDLĐ

 

Ở Việt Nam hiện nay, chưa có nhiều NSDLĐ có nhận thức và sự quan tâm đầy đủ về nguy cơ, rủi ro, ảnh hưởng của QRTD tại NLV. Dường như, NSDLĐ vẫn chưa đánh giá hết, tác động tiêu cực của vấn đề này đến doanh nghiệp. Trên thực tế, nếu môi trường làm việc có QRTD sẽ dẫn đến những hệ quả  tiêu cựctrong việc sắp xếp, tổ chức, điều hành công việc; trong quan hệ lao động; ảnh hưởng tới uy tín, danh tiếng của đơn vị; tới năng suất lao động và hoàn toànkhông phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 

Cụ thể là:

 

- Về hình ảnh, danh tiếng: khi vụ việc QRTD được nhiều người biết, truyền thông vào cuộc, mất thời gian và chi phí cho điều tra, xác minh, xử lý, thậm chí là phải tham gia giải quyết kiện tụng pháp lý...Tất cả những việc này tạo ra tiếng tăm về môi trường làm việc không an toàn, bất ổn dẫn đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có thể đối mặt với làn sóng tẩy chay của khách hàng.

 

- Mối quan hệ công việc, kinh doanh: quan hệ, hợp tác của doanh nghiệp với các đối tác có trách nhiệm cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, trước các yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người, đạo đức trong kinh doanh cũng như các cam kết phát triển bền vững, theo các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, dẫn đến doanh nghiệp mất đơn hàng, thậm chí có thể phải bồi thường cho các nhãn hàng khi để xảy ra các vi phạm ảnh hưởng đến đối tác.

 

- Năng suất, hiệu quả công việc: về mặt kinh tế, năng suất lao động của các doanh nghiệp có thể bị giảm sút vì QRTD tại NLV khiến cho môi trường làm việc trở nên bất ổn. Không chỉ nạn nhân mà cả những NLĐ khác cũng đều có tâm lý lo lắng, bất an. Họ sẽ luôn trong tâm thế phòng vệ, cảnh giác với đồng nghiệp hay người quản lý, khó tập trung vào công việc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả, năng suất, chất lượng việc làm.

 

- Sắp xếp, tổ chức nhân lực: Khi môi trường lao động có QRTD, nếu thủ phạm lại là người quản lý, có chức vụ trong doanh nghiệp thì việc sắp xếp, tổ chức,  điều chuyển nhân lực sẽ gặp khó khăn, khó nhận được sự đồng thuận của NLĐ, bởi tâm lý lo sợ, mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của QRTD.

 

- Tỷ lệ nghỉ việc tăng: môi trường làm việc không an toàn, đe dọa về thể chất sẽ làm gia tăng NLĐ nghỉ việc, đặc biệt lao động nữ, lao động có trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng. NLĐ nghỉ việc như là một cách thức để phòng ngừa hành vi xâm hại có thể xảy đến với bản thân họ. Với tỷ lệ nghỉ việc tăng cao, doanh nghiệp phải tuyển lại lao động thay thế cũng sẽ gây tốn kém tài chính khâu tuyển dụng, đào tạo và có thể khó tuyển dụng được lao động mới.

 

Quy trình xử lý QRTD và vai trò của CĐCS, doanh nghiệp và NLĐ trong phòng ngừa QRTD tại nơi làm việc

 

Có thể thấy rằng, hậu quả của QRTD tại NLV là rất nghiêm trọng, không chỉ có nạn nhân chịu ảnh hưởng xấu mà kéo theo một chuỗi các bên có liên quan cũng chịu những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp như đã phân tích ở phần trên. Do đó, rất cần sự chung tay, nỗ lực của các chủ thể có trách nhiệm, nhằm thúc đẩy việc phòng chống QRTD tại NLV đạt hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và bình đẳng.

 

Nguyên tắc xử lý QRTD tại NLV

 

QRTD tại NLV để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều bên, trong đó vấn đề tổn thương danh dự, nhân phẩm của nạn nhân có thể dẫn tới những hệ quả khó lường. Do đó, việc xử lý bất kỳ một trường hợp QRTD tại NLV đòi hỏi phải phải cân nhắc trước sau, tránh làm cho hậu quả trầm trọng thêm. Theo Khoản 2, Điều 85, Nghị định 145/2020/NĐ-CP và Bộ Quy tắc ửng xử về QRTD tại NLV do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại công nghiệp Việt Nam đồng biên soạn thì hai nguyên tắc sau được thực hiện xuyên suốt trong quy trình xử lý QRTD tại NLV:

 

- Bảo mật là nguyên tắc quan trọng nhất và cần đảm bảo thực hiện từ khi bắt đầu tiếp nhận xử lý QRTD cho cả đến khi xử lý xong vụ việc. Nguyên tắc bảo mật phải được đảm bảo trong suốt quy trình xử lý, không làm lộ danh tính của cả nạn nhân lẫn người bị tố cáo.

 

 - Nhanh chóng, kịp thời: việc xử lý vụ việc cần được thực hiện ngay sau khi tiếp nhận thông tin nhằm đảm bảo chấm dứt ngay hành động, tránh thêm tổn thương và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân, hạn chế được hậu quả xảy ra cho các bên liên quan.

 

Quy trình xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Quy trình tiếp nhận tố cáo QRTD cho phép tố cáo ẩn danh để bảo vệ danh tính người tố cáo. Quy trình này được thực hiện trên cơ sở phân công nhiệm vụ cho một số người có đủ năng lực cần thiết bao gồm đại diện cho NSDLĐ, đại diện tổ chức NLĐ tại cơ sở để giải quyết các tố cáo, khiếu nại.

 

Cơ chế xử lý QRTD tại NLV có thể thực hiện theo quy trình không chính thức trong trường hợp NLĐ bị quấy rối cảm thấy lo lắng, sợ hãi nếu sự việc được điều tra một cách công khai và nghiêm túc, khiến cho nhiều người biết, sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, làm họ cảm thấy xấu hổ, bị kỳ thị hoặc đối mặt với hành vi trả thù. Bởi vậy, họ không muốn tiết lộ, báo cáo sự việc một cách chính thức và cũng có thể do người bị QRTD muốn xử lý vụ việc một cách ôn hoà. Quy trình không chính thức gồm hòa giải, trung gian, tư vấn hay một hình thức thích hợp khác như thảo luận để giải quyết khiếu nại/tố cáo. Quy trình này nên được áp dụng khi các bên liên quan có khả năng vẫn duy trì được mối quan hệ công việc hoặc sự việc có đặc điểm ít nghiêm trọng và người khiếu nại/tố cáo muốn dừng lại.

 

Nếu cách tiếp cận không chính thức không mang lại kết quả thỏa đáng, hoặc hành vi QRTD vẫn tiếp diễn; hoặc vụ việc mang tính chất nghiêm trọng thì cần lựa chọn quy trình chính thức, được tiến hành theo các bước gồm: điều tra, xác minh, đánh giá toàn diện (dựa trên trao đổi, phỏng vấn trực tiếp và xem xét tài liệu liên quan nếu thấy cần thiết), kết luận và đưa ra biện pháp xử lý hay các hành động hỗ trợ khác bên ngoài doanh nghiệp nếu người khiếu nại/tố cáo không hài lòng với kết quả xử lý của quy trình nội bộ.

 

Khi thực hiện cả quy trình không chính thức và chính thức thì các bên tham gia cần phải thực hiện các nội dung sau:

- Đối với nạn nhân/người chứng kiến: cần yêu cầu thủ phạm dừng ngay hành động QRTD, báo cáo cho người có trách nhiệm tiếp nhận thông tin/xử lý và đảm bảo nguyên tắc bảo mật.

 

- Đối với người được giao tiếp nhận thông tin/xử lý cần phải:

 

+ Đảm bảo bảo mật.

+ Động viên, an ủi nạn nhân; Hỗ trợ phục hồi tùy vào tình trạng tổn thương, cung cấp những hỗ trợ cần thiết như tư vấn tâm lý, tư vấn sức khỏe, tư vấn pháp lý, các chi phí miễn phí (chi phí xét nghiệm, giám định,...) cho nạn nhân.

+ Cho nạn nhân hoặc thủ phạm nghỉ/chuyển công việc khác nếu cần thiết.

+ Tiến hành làm rõ sự việc (điều tra).

+ Lập biên bản sự việc.

+ Báo cáo cấp trên/hội đồng kỷ luật.

 

Vai trò người sử dụng lao động về phòng, chống QRTD tại NLV

 

Điều 85 và khoản 1, Điều 86 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của NSDLĐ trong phòng, chống QRTD tại NLV. Các quy định pháp luật thể hiện NSDLĐ có vai trò quan trọng trong phòng, chống QRTD tại NLV, nhằm tạo nên một môi trường làm việc ổn định, an toàn cho NLĐ.

 

Để thực hiện tốt vai trò này, NSDLĐ cần phải:

 

Thứ nhất, xây dựng chính sách rõ ràng, không khoan nhượng về QRTD tại NLV trong điều lệ công ty; nội quy lao động hoặc thoả ước lao động tập thể. Chính sách này phải được bảo đảm phổ biến công khai, rộng rãi đến toàn bộ nhân viên, NLĐ bằng các hình thức phù hợp nhất trong các tài liệu về chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, niêm yết về các hình thức, hành vi quấy rối, quy trình tố cáo, các kênh tiếp nhận tố cáo, bộ phận thực hiện điều tra, chế tài xử lý..., ở bảng tin, trên trang điện tử nội bộ, phát thanh, chương trình tập huấn... Chính sách này cần đảm bảo rằng tất cả các bên thứ ba giao dịch với doanh nghiệp như khách hàng, nhà cung cấp, người đến tuyển dụng vào công ty không bị nhân viên, NLĐ trong công ty QRTD tại NLV và ngược lại.

 

Thứ hai,chính sách về phòng, chống QRTD tại NLV phải đưa ra hệ thống xử lý bao gồm: quy trình xử lý (tiếp nhận thông tin, điều tra, đánh giá, xử lý); các hình thức, mức độ xử lý kỷ luật cụ thể, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp. Biện pháp có thể thực hiện bao gồm từ việc yêu cầu đối tượng QRTD xin lỗi nạn nhân cho tới nhắc nhở, khiển trách hay sa thải. Bất kỳ ai trù dập hay trả thù một người nào đó tố cáo hành vi QRTD phải bị xem xét xử lý, kỷ luật kịp thời. Những hình thức kỷ luật lao động này cần được quy định rõ trong nội quy lao động.  Ngoài ra, nhân sự tham gia trong các giai đoạn của quy trình xử lý; hệ thống chuyển gửi nạn nhân phải rõ ràng, hiệu quả (cơ sở y tế, điều trị tâm lý, nhà lánh nạn...). Doanh nghiệp cũng phải có các cơ chế, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ NLĐ mạnh dạn, dám đứng lên tố cáo hành vi QRTD tại NLV như thiết lập số điện thoại đường dây nóng (hotline) hoặc hộp thư điện tử (hotmail) riêng về tố cáo QRTD, ...

 

Thứ ba, dành nguồn lực tài chính cho phòng, chống QRTD bao gồm: cơ sở hạ tầng/môi trường làm việc an toàn (đủ ánh sáng nơi có nguy cơ, camera giám sát, nhà vệ sinh nam nữ cách xa, phòng làm việc/họp với người quản lý ở nơi dễ quan sát/đông người, tránh làm việc một người ở nơi riêng tư với người quản lý...); tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông, đối thoại nâng cao nhận thức về QRTD tại NLV.

 

Thứ tư, nhận diện và đánh giá rủi ro về QRTD tại nơi làm việc định kỳ hàng quý hoặc hằng năm. Xây dựng bộ tiêu chí các hạng mục rủi ro, nguy cơ xảy ra QRTD tại các vị trí công việc, tại các bộ phận hay các địa điểm nhạy cảm, ... và tiến hành thực hiện đánh giá, phân tích, chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém, đề ra các phương án, giải pháp khắc phục và nâng cao nhận thức của NLĐ về vấn đề này. 

 

Vai trò của công đoàn cơ sở

 

Với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ,  khoản 3, Điều 86 Nghị định số 145//2020/NĐ-CP quy định công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có trách nhiệm:

 

Một là, tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Hai là, cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho NLĐ bị quấy rối tình dục, NLĐ đang bị khiếu nại, bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục.

Ba là, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại NLV.

 

Để thực hiện tối vai trò của tổ chức công đoàn trong phòng, chống QRTD tại NLV, công đoàn cơ sở cần phải thực hiện các nội dung sau:

 

- Tích cực tham gia học tập nâng cao năng lực về phòng chống QRTD tại NLV.

-  Chủ động tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống QRTD tại NLV; Đưa nội dung về phòng, chống QRTD vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể với NSDLĐ.

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống QRTD tại NLV cho NLĐ.

- Cung cấp thông tin, tư vấn cho NLĐ bị QRTD; NLĐ đang bị khiếu nại, tố cáo có hành vi QRTD và tham gia cuộc họp xử lý kỷ luật hành vi QRTD.

 

Vai trò của người lao động

 

Phòng, chống QRTD tại NLV không thể thiếu vai trò của NLĐ. Khoản 2, Điều 86 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định NLĐ có nghĩa vụ:

 

- Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống QRTD tại NLV.

- Tham gia xây dựng môi trường làm việc không có QRTD.

-  Ngăn cản, tố cáo hành vi QRTD tại NLV.

 

Để đảm bảo thực hiện tốt các nghĩa vụ trên, NLĐ cần phải:

 

- Tham gia tích cực, đầy đủ các hoạt động đào tạo nâng cao nhận thức và phòng ngừa QRTD do công ty/nhà máy hoặc các đơn vị khác phối hợp tổ chức.

- Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định/chính sách phòng chống QRTD tại NLV của đơn vị sử dụng lao động.

- Tham gia xây dựng môi trường làm việc không có QRTD.

- Chủ động ngăn cản, tố cáo mọi hành vi QRTD tại NLV.

 

Như vậy, việc quy định rõ về QRTD trong Bộ luật Lao động 2019, đồng thời với xây dựng bộ quy tắc ứng xử phòng chống QRTD tại NLV, Việt Nam đã thể hiện lập trường kiên định trong việc thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tương lai không xa, rất có thể, phòng chống QRTD tại NLV sẽ trở thành một quy định bắt buộc trong các luật về chuỗi cung ứng, bởi vấn đề này vốn có tác động rất lớn về khía cạnh lao động tại các cơ quan, đơn vị.

 

Một môi trường an toàn, không có QRTD là môi trường có thể làm gia tăng năng suất lao động, nâng cao uy tín, vị thế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Bích Trần

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website