Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Sinh nhiều con – những ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống

Hiện nay, mức sinh ở các vùng miền, các tỉnh, thành phố ở nước ta không đồng đều nên không còn chính sách giảm sinh thống nhất trong toàn quốc mà ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng có mức sinh thấp thực hiện chính sách khuyến sinh, hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Có lẽ vì thế, nhiều người dân trong đó có công nhân lao động khi tiếp nhận thông tin trên các kênh truyền thông hoặc mạng xã hội chưa đầy đủ, chính xác nên cho rằng nhà nước đang khuyến khích sinh nhiều con. Do đó, thời gian gần đây số lượng công nhân lao động, trong đó có công nhân lao động ngành dệt may sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng gia tăng. Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ các đơn vị trong hệ thống Công đoàn Dệt May Việt Nam, năm 2022 có gần 700 NLĐ sinh con thứ 3. Hầu hết các gia đình công nhân sinh nhiều con đều có hoàn cảnh khó khăn nên phụ nữ và trẻ em không được quan tâm chăm sóc, khiến họ mất đi cơ hội trong công việc, học tập...và nhiều hệ lụy lâu dài sau này.

 

Ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm,  kinh tế gia đình, việc học hành và tương lai của con.

 

Khi mới lập gia đình và nghỉ sinh con hai lần, lao động nữ thường đã bị gián đoạn trong phát triển nghề nghiệp, bỏ lỡ một số cơ hội học tập, bồi dưỡng nâng cao tay nghề để có thể tăng lương, thăng tiến...Do đó, thời điểm hai con đã lớn hơn và lao động nữ có thể quay trở lại phát triển sự nghiệp của mình thì việc sinh thêm con thứ ba không những ảnh hưởng đến cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, tăng thu nhập mà còn khiến năng suất, chất lượng công việc và thu nhập bị giảm sút.

 

Trở lại Công ty làm việc được gần 4 tháng sau khi kết thúc thời gian nghỉ thai sản, chị Trần Thị T- Công nhân Nhà máy May Đồng Văn (Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội) liên tục phải xin nghỉ làm để chăm con ốm nằm viện. Hai vợ chồng chị T quê Thanh Hóa ra Hà Nội lập nghiệp. Thu nhập của cả hai được trên 20 triệu đồng/tháng, phải tiết kiệm mới đủ cho trả tiền thuê nhà trọ, chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, gửi tiền về quê nuôi 2 con lớn ăn học...Tuy nhiên từ ngày sinh thêm con thứ 3, ngoài các khoản cố định hằng tháng, phải cộng thêm tiền bỉm, sữa, tiền thuốc, đi viện không may con ốm...khiến vợ chồng chị T gặp nhiều khó khăn trong trang trải cuộc sống gia đình hàng ngày.

 

Chị Trần Thị H là công nhân có tay nghề công tác tại Tổng Công ty May 10. Năm 2021, doanh nghiệp tổ chức cuộc thi thợ giỏi, chị đã đăng ký tham gia. Tuy nhiên, gần đến ngày diễn ra kỳ thi sức khỏe chị suy giảm do mang bầu ở tuổi không  an toàn cho sinh nở. Mặc dù, đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc thi nhưng chị phải tạm gác vì điều kiện sức khỏe không cho phép. Mong muốn sinh thêm con sẽ là trai, nhưng lần sinh thứ 3 này là con gái khiến chị H phải chịu áp lực về tinh thần.

 

Việc sinh thêm con thứ ba, không chỉ ảnh hưởng đến việc làm, đến thu nhập, đến kinh tế gia đình mà ảnh hưởng đến việc học hành của các con và hệ lụy có thể kéo dài đến tương lai sau này của các con khi các con phải gián đoạn việc học hành để đi làm.

 

Chị Phạm Thị Hoàng O công nhân Công ty May Việt Thắng là mẹ đơn thân. Mặc dù có 2 con với "nếp, tẻ" đầy đủ, trọn vẹn nhưng chị O vẫn quyết định sinh thêm. Sau khi chào đón thành viên thứ 3 được hơn 1 năm thì đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp nơi chị công tác sản xuất bị gián đoạn, chị O thiếu việc làm nên thu nhập giảm. Một mình đi làm, vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi dạy các con khiến chị O không khỏi mệt mỏi, ngoài ra chị  phải gánh chịu những lời phán xét không thiện cảm từ phía dư luận vì sinh nhiều con. Con trai lớn của chị tốt nghiệp bậc THCS, không có điều kiện tiếp tục theo học THPT nên theo học nghề, thời gian rảnh phải đi làm giúp gia đình có thêm thu nhập....

 

Biến cố để lại khó khăn cho người ở lại

 

Có lẽ khi quyết định sinh thêm con, các cặp vợ chồng công nhân trong các câu chuyện sau đây đều nghĩ rằng với nỗ lực, cố gắng và chia sẻ của cả hai vợ chồng sẽ cùng nhau chăm sóc và nuôi nấng các con. Họ không ngờ có "biến cố" xảy ra, sự ra đi của người vợ đã để lại rất nhiều khó khăn cho người chồng và các con.

 

Cuộc sống ngày càng vất vả hơn đối với anh Nguyễn Duy Tiên có vợ là công nhân xí nghiệp May Việt Long - Tổng CTCP May Việt Tiến. Năm 2021, vợ anh Tiên không may qua đời do Covid-19 để lại cho anh 4 đứa con, trong đó 3 con lớn đang tuổi ăn học, con thứ 4 sinh non cần chế độ chăm sóc đặc biệt. Trước đó, cuộc sống của gia đình anh đã khó khăn, giờ càng khó khăn hơn khi mình anh hằng ngày phải xoay sở làm thêm đủ nghề trên thành phố để nuôi cả nhà. Anh chia sẻ "Có thời điểm phải đến 3-4 tháng bố con tôi mới được gặp nhau vì cháu lớn đang học Đại học tại Đà Nẵng, cháu thứ 2 và 3 sống cùng tôi trên Sài Gòn nhưng cháu thứ 4 đang ở quê với ông bà ngoại".

 

Tương tự, anh Huỳnh Văn Khải cũng có vợ là công nhân xí nghiệp may Vimiky - Tổng Công ty CP May Việt Tiến không may qua đời do dịch Covid-19 khi con thứ 3 được 2 tháng tuổi. Hiện với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng mình anh phải  nuôi nấng và chăm lo cho 3 con nhỏ. Anh Khải cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc vợ chồng anh chị sinh nhiều con, khoảng cách giữa các lần sinh gần nhau là trước đó không thường xuyên sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

 

Sinh nhiều con, nguyên nhân từ đâu?

 

Mỗi cặp vợ chồng khi quyết định sinh thêm con đều có những lý do của mình. Tuy nhiên, các câu chuyện của các cặp vợ chồng công nhân kể trên cho thấy có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc sinh thêm con thứ 3 trở lên ở cả gia đình có điều kiện kinh tế ổn định và cả gia đình kinh tế khó khăn:

 

Một là, quan niệm phải có con trai để nối dõi bắt nguồn sâu xa từ những phong tục, tập quán dẫn đến áp lực từ gia đình và xã hội là nguyên nhân phổ biến nhất với những cặp vợ chồng quyết định sinh con thứ 3 trở lên để có con trai sau khi những lần sinh trước đó là con gái.

 

Hai là, việc các cặp vợ chồng không thực hiện hoặc thực hiện không thường xuyên, không đúng chỉ dẫn các biện pháp tránh thai dẫn đến mang thai và sinh con không theo kế hoạch.

 

Dù bất kỳ nguyên nhân nào khi quyết định sinh nhiều con (từ con thứ 3 trở lên) thì không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cả gia đình mà người phụ nữ vẫn là người phải chịu "gánh nặng" nhiều nhất. Ngoài thời gian đi làm, khi trở về nhà họ phải cáng đáng hầu hết công việc từ chăm con, nấu ăn, dọn dẹp...Do vậy,  nếu đông con sẽ không còn nhiều thời gian cho nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, theo đuổi sở thích... mất cơ hội việc làm tốt, gây cản trở sự tiến bộ và chiến lược quốc gia vì bình đẳng giới.

 

Bên cạnh đó, nếu phụ nữ sinh nhiều con, khoảng cách giữa các lần sinh quá gần nhau hoặc lựa chọn giới tính khi sinh, dễ bị tai biến khi mang thai, ảnh hưởng đến việc chăm sóc, nuôi dạy con, phục hồi sức khỏe sau sinh cho mẹ...Đặc biệt, phụ nữ sinh con trên 35 tuổi tiềm ẩn nguy cơ để lại biến chứng về sức khỏe cho cả mẹ và con.

 

 Đối với gia đình NLĐ khó khăn, sinh con đông sẽ không có thời gian để phát triển kinh tế, chăm sóc tốt cho con...nên thường phát sinh mâu thuẫn khiến hạnh phúc gia đình không bền vững. Còn đối với những gia đình khá giả, việc sinh nhiều con có thể không ảnh hưởng đến kinh tế nhưng cũng góp phần tăng thêm gánh nặng cho xã hội như mật độ dân số ngày càng tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện, trường học, lạm phát, trật tự xã hội mất ổn định…làm cho chất lượng cuộc sống giảm sút, cản trở sự phát triển kinh tế của quốc gia. Đặc biệt, đối với các Doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ, nếu chị em sinh nhiều con, đồng nghĩa với việc họ sẽ nghỉ chế độ thai sản, nghỉ chế độ con ốm đau nhiều lần. Điều này không những gây khó khăn cho việc bố trí sắp xếp, tuyển dụng lao động mà còn ảnh hưởng đến năng suất lao động nhất là những doanh nghiệp sản xuất theo dây chuyền.

 

Vai trò của công đoàn cơ sở

 

Từ những hệ lụy của việc sinh nhiều con đối với các gia đình công nhân lao động, đối với doanh nghiệp và đối với xã hội cho thấy cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành mà trong đó đặc biệt là vai trò của công đoàn cơ sở (gần gũi với người lao động nhất) đến việc nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi về thực hiện chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Để thực hiện tốt vai trò của công đoàn trong công tác truyền thông, tư vấn về chính sách dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động, các công đoàn cơ sở cần tập trung vào một số nội dung chính sau đây:

 

Thứ nhất, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn đồng cấp, huy động nguồn lực cho công tác truyền thông về chính sách dân số với thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con", không lựa chọn giới tính thai nhi dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh...; tổ chức khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động, lao động nữ;

 

Thứ hai, chủ động phối hợp với y tế doanh nghiệp và y tế cơ sở tại địa phương tăng cường công tác tư vấn và cung cấp các biện pháp tránh thai đảm bảo chất lượng, phù hợp và dễ tiếp cận với công nhân lao động;

 

Thứ ba, tăng cường truyền thông và lan tỏa trong đơn vị những gia đình công nhân sinh con một bề gái thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, gia đình hạnh phúc.

 

                                                                                  Nguyễn Thị Thủy

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website