Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Nhiệm vụ “xanh hóa” ngành Dệt May và vai trò của người lao động

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam năm 2021 xuất khẩu dệt may ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.

 

Việt Nam đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đây là những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, việc ưu đãi thuế sẽ dành cho hàng hóa Việt Nam có nguồn gốc phù hợp được chứng nhận, sản xuất bền vững và minh bạch thông tin. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may khi mà chuỗi cung ứng phải đảm bảo cam kết bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, ngành dệt may đang hướng tới mục tiêu "xanh hóa" để chứng minh trách nhiệm xã hội với môi trường và đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

 

Hầu hết các nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp. Đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu "xanh hóa trong sản xuất" như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Do đó, yêu cầu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải thực hiện sản xuất theo hướng "xanh hóa" một cách có hiệu quả, có lợi nhuận và phát triển. Theo đó, các nhà máy của doanh nghiệp phải tiết kiệm năng lượng, nước; sử dụng nguyên phụ liệu thân thiện và an toàn với môi trường; doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội…Vì vậy, đẩy mạnh chương trình "xanh hóa" nhanh ngành dệt may là một yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

 

 

Chiến lược hướng tới chuyển đổi xanh trong ngành dệt may

 

Xúc tiến chuỗi cung ứng xanh

 

Chuyển đổi xanh trong ngành Dệt May hướng tới giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên cũng như tác động xấu từ sản xuất tới môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm:        


- Sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên: giảm chi phí sản xuất song hành với giảm chi phí khai thác tài nguyên (cho nguyên liệu, nước, năng lượng và hoá chất) và phát thải nguy hại vào môi trường.

 

- Các thực hành kinh tế tuần hoàn hướng đến một nền kinh tế dệt may tuần hoàn mô tả một hệ thống công nghiệp nhằm loại bỏ các chất gây quan ngại và phát thải vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu gom và tái sản xuất; và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, hướng tới sử dụng nguyên liệu tái tạo.

 

-Thiết kế sản phẩm xanh và nhãn sinh thái cho các sản phẩm dệt và may mặc có thể thực hiện được trong toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ các vật liệu tự nhiên sẽ đi vào sản phẩm,trong thiết kế có sử dụng sợi hữu cơ và thuốc nhuộm tự nhiên, vật liệu tái chế, sử dụng tối thiểu hóa chất và triệt để loại bỏ các hóa chất độc hại.

 

- Kho vận xanh: vận chuyển và lưu trữ nguyên liệu và sản phẩm với chi phí thấp nhất có thể trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn cao nhất và giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình này.

 

-Công nghệ thông minh: trong quá trình hình thành các cụm công nghiệp còn tuân thủ pháp luật về môi trường quốc tế và quốc gia, có thể ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất sợi và giám sát chất lượng.

 

Xây dựng nhân lực với tư duy phát triển bền vững

         

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định của tầm nhìn xanh. Các nhiệm vụ được đề xuất bao gồm:

     
- Tăng cường số lượng để đáp ứng nhu cầu về nhân sự quản lý và giám sát chất lượng cao của doanh nghiệp

 

- Tăng cường tỷ lệ cán bộ kỹ thuật chuyên môn và công nhân lành nghề được đào tạo chuyên sâu về các chủ đề "xanh".

 

- Thiết lập các hoạt động đào tạo phát triển kỹ năng thông qua các lớp giáo dục nghề nghiệp và đào tạo kỹ thuật, và hỗ trợ các công ty thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp nhằm nâng cao kiến thức và năng lực của nhân viên về sản xuất bền vững.

 

Trong hơn 3 năm qua, thực hiện theo chiến lược trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã đẩy mạnh triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên. Theo đó, các doanh nghiệp phải giảm chất thải phát sinh, thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo… VITAS đồng thời phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án "Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững".

 

Vai trò của người lao động dệt may trong thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh

 

Để doanh nghiệp phát triển theo hướng "xanh hoá" và bền vững thì vai trò của người lao động đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển lực lượng lao động có tay nghề, có khả năng đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất xanh của doanh nghiệp. Do đó, người lao động cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc cập nhật các kiến thức, kỹ năng, thích ứng với công nghệ mới để chuyển đổi sang môi trường làm việc xanh hơn, năng suất lao động cao hơn. Cụ thể là:

 

- Tích cực tham gia các phong trào thi đua "Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động";

 

- Có nhiều sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm phát thải và bảo vệ môi trường;

 

- Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, cải thiện cảnh quan nơi sản xuất, nơi làm việc;

 

- Chủ động tự học hoặc tham gia đầy đủ, hiệu quả các khoá đào tạo của doanh nghiệp để nâng cao trình độ, năng lực, thích ứng với những công nghệ và làm chủ công nghệ mới;

 

- Có ý thức trong trong tiết kiệm tài nguyên, xử lý các chất thải nguy hại cũng như nâng cao ý thức từ những việc làm đơn giản nhất trong công việc và sinh hoạt hằng ngày.

 

"Xanh hóa" ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành đang có nhiều động lực tăng cường ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và tài nguyên. Bởi vì, giảm chi phí nước, năng lượng giúp tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp dệt, nhuộm vải trong nước. Đồng thời,  doanh nghiệp có được đơn hàng khi  đáp ứng yêu của người mua về việc phải "xanh hóa" quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp tham gia kinh tế tuần hoàn sẽ được nhà nước hỗ trợ thị trường tiêu thụ, hỗ trợ cho vay ưu đãi. Tất cả các yếu tố này giúp cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo được việc làm và tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Không chỉ vậy, sản xuất xanh còn tạo môi trường làm việc tốt hơn, xanh và sạch hơn giúp bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Vì vậy, rất cần người lao động đồng hành và đóng góp để thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm hơn với xã hội và có trách nhiệm với thế hệ sau này.

 

Bích Trần

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website