Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Hội: Gắn đào tạo với yêu cầu của CMCN 4.0

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là trường công lập, đào tạo chuyên ngành Dệt May, với hơn 50 năm xây dựng trưởng thành. Đây là cơ sở giáo dục đại học duy nhất tại Việt Nam đào tạo phục vụ cho mô hình chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh với quy mô 5.000 sinh viên. Vì vậy, Trường là cơ sở giáo dục trọng điểm, dẫn đầu của ngành trong đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực (NNL) đáp ứng các yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

 

 

CMCN 4.0 và những thay đổi trong việc làm của CNLĐ Dệt May

 

Tại Việt Nam, dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Năm 2019, KNXK đạt trên 39,1 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việt Nam đạt top3 thế giới về quy mô xuất khẩu dệt may và  đứng thứ 4 về quy mô sản xuất.

 

Ngành cũng sử dụng khoảng 2 triệu lao động công nghiệp, trong đó, số lượng lao động ngành Dệt Sợi Nhuộm chiếm 10%, ngành May 90%. Tốc độ tăng trưởng lao động hàng năm 60.000-90.000 lao động mới/năm, cao hơn mức trung bình của tất cả các ngành khác.

 

Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho thấy, dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, số lượng lao động cần đào tạo là 25% đối với Dệt Sợi Nhuộm, 18% với May; số lượng đào tạo mới do tuyển dụng thay thế là 6% và 8% với lần lượt 2 lĩnh vực trên.  Trong khi đó dự báo nhu cầu lao động dệt may các năm tới vẫn tăng, cụ thể giai đoạn 2020-2025 tăng 8%, giai đoạn 2026-2030 tăng 6%. Như vậy có thể khẳng định CMCN4.0 sẽ không tạo ra một cú "đào thải" lớn trong ngành Dệt May, mà sẽ chuyển đổi từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn.

 

Theo TS Tạ Văn Cánh, Phó Trưởng khoa Kinh tế Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, dự báo đến năm 2025, ngành dệt may Việt Nam sẽ cần thêm 130.000 lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Con số này sẽ tăng lên trên 210.000 vào năm 2030.

 

Trong tương lai, rất nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành dệt may sẽ sử dụng những máy móc, thiết bị, công nghệ tự động hóa cao, từ đó nhiều công việc, kĩ năng mới sẽ phát sinh đòi hỏi nguồn nhân lực phải đáp ứng được.

 

Ví dụ, đối với ngành may, xu thế Fast Fashion (thời trang nhanh đại trà) và tăng phương thức sản xuất ODM (Original Designed Manufacturer - tự chủ từ khâu thiết kế, sản xuất đến bán hàng), OBM (Original Brand Manufacturer – sở hữu nhãn hàng riêng) sẽ khiến nhu cầu về đội ngũ nhân viên thiết kế mỹ thuật, làm mẫu hàng và chào mẫu, nhân viên quản lý chuỗi cung ứng, quản lý đơn hàng (merchandise)...tăng lên.

 

Đồng thời, ngành dệt may sẽ tăng nhu cầu nhân lực đối với kỹ thuật viên bảo trì ở trình độ điện tử, cơ điện cao và có khả năng liên kết dữ liệu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Về kĩ năng làm việc, đối với quản lý cấp cao sẽ đòi hỏi kỹ năng giao tiếp trong môi trường số; kỹ năng lập chiến lược kinh doanh, đầu tư với sự trợ giúp của công nghệ: AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo), MES ( Manufaturing Executive Systems - Hệ thống quản lý tích hợp), PLM (Product Lifecycle Management - Quản lý vòng đời sản phẩm), ERP (Enterprise resource planning systems – Hệ thống Quản lý doanh nghiệp tổng thể).

 

Đối với quản lý cấp trung sẽ là kỹ năng phân tích dữ liệu trong Big data, Cloud; kỹ năng lãnh đạo nhóm qua hệ thống thông tin; kỹ năng vận hành hệ thống DSS (Decision Support System – Hệ thống hỗ trợ ra quyết định), ESS (Executive Support System – Hệ thống hỗ trợ lãnh đạo), CRM (Customer Relationship Management – Hệ thống quản lý khách hàng) SCM (Supply Chain Managemen - Hệ thống quản lý chuỗi), MES, PLM, ERP....

 

Còn đối với cán bộ kĩ thuật, nhân lực vận hành, các yêu cầu sẽ là vận hành hệ thống xử lý ảo trên từng thiết bị kết nối toàn nhà máy; công nghệ nhận dạng RFID (Radio Frequency Identification – Nhận dạng qua tần số vô tuyến) và các cảm biến để thu thập và lưu trữ, xử lý thông tin về thiết bị; chia sẻ thông tin trên mạng từ nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm; kỹ thuật vận hành nhà máy dệt may thông minh; kỹ thuật sử dụng thiết bị số hóa cao trong ngành dệt may; bảo trì & dự báo....

 

Để làm chủ được công nghệ và các kĩ năng trên, ngành dệt may đang thiếu một nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn. Cũng theo ông Cánh, những hạn chế cả về số lượng và chất lượng đang là thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành dệt may và khó có thể đáp ứng yêu cầu của công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng như hiện nay.

 

 

Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Hội: Công tác chuẩn bị cho đào tạo NNL chất lượng cao

 

Về đội ngũ giảng viên, Trường có 283 giảng viên cơ hữu với trên 80% có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Đặc biệt, hằng năm Trường lựa chọn từ 10-20% giảng viên đi thực tế tại các doanh nghiệp có công nghệ và thiết bị tiên tiến nhất của ngành dệt may với thời gian từ 6 -12 tháng. Điều này giúp đội ngũ cán bộ giảng viên nâng cao năng lực thực tiễn, gắn nội dung giảng dạy với thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên còn được bồi dưỡng thông qua nghiên cứu các đề tài khoa học mang tính ứng dụng vào ngành dệt may như: Tác động của CMCN 4.0 đến ngành dệt may, Sản xuất tinh gọn (Lean) trong công nghệ số, "Đúng sản phẩm - đúng số lượng - đúng nơi - đúng thời điểm" (Just in time –JIT) trong quản trị doanh nghiệp dệt may, Ứng dụng công nghệ 3D trong thiết kế thời trang...

 

Nhà trường tổ chức gặp mặt báo chí thông báo về việc đào tạo NNL cho ngành Dệt May Việt Nam đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0 ngày 18/8

 

Về cơ sở vật chất, Trường được đầu tư hiện đại và đồng bộ ngang tầm doanh nghiệp để phục vụ học tập và sản xuất. Sinh viên được thực hành, thực tập trên các thiết bị và dây chuyền hiện đại nên sau khi ra trường tiếp cận được ngay với thực tiễn sản xuất tại các doanh nghiệp, không có sự bỡ ngỡ. Nhà trường có tổng diện tích 60.000m2, bao gồm các khu giảng đường với 88 phòng học các loại.

 

Về chương trình đào tạo, dựa vào kết quả khảo sát nhu cầu thị trường lao động của ngành dệt may, vị trí việc làm thực tế và dự báo sự phát triển của CMCN 4.0 tác động đến ngành dệt may, Nhà trường tiến hành phát triển chương trình đào tạo nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra. Chương trình được thiết kế với đủ khối kiến thức cơ bản, nền tảng, khối kiến thức cơ cở ngành và chuyên ngành; đặc biệt là chú trọng rèn kỹ năng tư duy, kỹ năng kỹ thuật và giải quyết vấn đề cho sinh viên. Trường tập trung xây dựng các giáo trình chuyên ngành dệt may như: quản lý sản xuất dệt may, quản lý chất lượng, quản lý đơn hàng, công nghệ sửa chữa và các giáo trình công nghệ, kỹ thuật dệt may. Năm 2019 Trường đã xuất bản 13 giáo trình chuyên ngành trên toàn quốc và tiếp tục tổ chức xây dựng các giáo trình nhằm cập nhập các kiến thức, công nghệ mới nhất để đưa vào giảng dạy.

 

Về tổ chức đào tạo, với phương châm ‘'Học đi đôi với hành", "lý thuyết gắn liền với thực tiễn", sau mỗi nội dung học và nghiên cứu lý thuyết, sinh viên được thực hành cơ bản trên các sản phẩm của thị trường nội địa, thực hành giải quyết các tình huống và thực tập trên sản phẩm xuất khẩu và xử lý các tình huống trong sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.  Để tổ chức đào tạo gắn liền với thực tiễn, Nhà trường đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với gần 50 doanh nghiệp dệt may. Các doanh nghiệp này đã bố trí cho sinh viên thực tập theo đúng mục tiêu đào tạo, cử chuyên gia tham gia giảng dạy, phát triển chương trình, giáo trình, tài trợ học bổng và bố trí việc làm đúng với năng lực của sinh viên sau khi ra trường.  

 

 

 

Kết quả khảo sát việc làm năm 2020 đã minh chứng rõ chất lượng đào tạo của Trường. Sau 24 tháng tốt nghiệp có 98.3% sinh viên cao đẳng có việc làm với mức thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng/tháng, trong đó 80% đảm nhiệm vị trí kỹ thuật và quản lý. Một số ngành có mức thu nhập cao nhất từ 30 – 50 triệu đồng/tháng.

 

 

Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về tình hình việc làm của các nghề trọng điểm quốc gia mới được công bố (trên báo Dân trí điện tử), lao động có trình độ cao đẳng có mức thu nhập bình quân là 7,3 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức thu nhập bình quân của sinh viên Nhà trường sau khi tốt nghiệp cao hơn là 2,2 triệu đồng so với sinh viên cùng trình độ cao đẳng chung.

 

 

 

 

Vĩnh Hồng

           

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website