



Góc nhìn & chia sẻ
Đừng để tháng Giêng là tháng ăn chơi
"Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà."
Đó là hai câu trích trong bài ca dao quen thuộc của người Việt Nam, xuất phát từ tư tưởng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời. Mùa xuân đến cũng là khi người nông dân được nhàn hạ, họ thường tổ chức các lễ hội và cùng nhau tới thăm hỏi, động viên nhau làm ăn sau chuỗi ngày lao động vất vả. Tuy nhiên, ngày nay khi nền kinh tế công nghiệp phát triển, sản xuất đã chuyển hướng từ nông nghiệp sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì ý nghĩa câu này đã không còn phù hợp.
Sau kỳ nghỉ lễ Tết nguyên đán, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã bắt đầu quay trở lại sản xuất tuy nhiên vẫn còn tình trạng CBCNVLĐ chưa bắt tay ngay vào công việc. Nhiều người cảm thấy vẫn còn không khí Tết với tâm lý "còn mồng là còn tết", thậm chí "Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Có người cố nán nghỉ thêm vài ngày, có người thong thả đi du lịch chưa về. Có người dù đã đi làm nhưng lại tranh thủ giờ làm để tụ tập vui chơi, nói chuyện tán ngẫu với đồng nghiệp hoặc làm việc cá nhân… khiến ngày Tết trở thành "ngày rộng, tháng dài" mãi không thể kết thúc, làm cho tinh thần trì trệ, ý thức làm việc sa sút, lãng phí tiền bạc lẫn sức khỏe, bê trễ trong công việc, ảnh hưởng đến hiệu quả chung.
Ngành công nghiệp nói chung và Dệt May nói riêng đa số là làm việc tập thể theo dây chuyền nên mỗi NLĐ là một mắt xích. Chỉ cần thiếu đi một vị trí hay mất đi sự tập trung trong công việc đều khiến sự phối hợp kém nhịp nhàng và hiệu quả.
Vì vậy, tư duy "Tháng giêng là tháng ăn chơi" dẫn đến nhiều hậu quả, nhẹ thì chất lượng công việc giảm sút; còn nghiêm trọng có thể khiến tình trạng "biến động lao động" sau Tết tăng cao; thiếu nhân lực cùng hiệu quả công việc thấp khiến đơn hàng hoàn thành chậm, bị phạt và mất uy tín với khách hàng…
Công nhân Tổng Công ty May Đáp Cầu bắt tay ngay vào công việc sau nghỉ Tết
Phải biết rằng đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không còn có khái niệm "nông nhàn" hay "công nhàn". Bất cứ ngày nào cũng là ngày sản xuất, đơn hàng quốc tế không có chuyện chờ đợi "công nhàn" xong mới xuất đi. Dù các doanh nghiệp có thể quy ước trước trong hợp đồng, kéo dài đơn hàng một vài ngày vì Việt Nam có Tết cổ truyền, nhưng hội nhập quốc tế không cho phép nghỉ chơi cả tháng. Những vi phạm trong hợp đồng trước hết là ảnh hưởng đến uy tín, lợi nhuận của doanh nghiệp, sau là ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của chính NLĐ. Vì vậy nghiêm túc bắt tay ngay vào công việc sau Tết cũng là cách NLĐ đảm bảo vị trí, công việc và thu nhập của bản thân, nhất là trong điều kiện khó khăn chung do dịch Covid-19 như hiện nay.
Tết âm lịch là một dịp lễ tết quan trọng nhất trong năm của người Việt, đây là thời gian quý báu để mỗi người được đoàn tụ, sum họp với gia đình, được vui chơi, nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động sau một năm vất vả. Nhưng không vì thế mà chúng ta lạm dụng Tết, biến đó trở thành cái cớ cho việc chúng ta trì trệ, ham chơi. Sản xuất kinh doanh thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với những đòi hỏi cao về kỷ luật và tác phong công nghiệp; những thách thức về thời gian, áp lực cạnh tranh gắt gao về năng suất, chất lượng, dịch vụ, uy tín,… bắt buộc NLĐ phải trở về nhà máy đúng thời gian, vị trí và công việc. Chúng ta hãy coi năm mới là dịp "xốc" lại bản thân, tự đặt cho mình mục tiêu, biện pháp mới trong thi đua lao động, sản xuất để đạt được kết quả tốt hơn, thu nhập cao hơn, nỗ lực cùng doanh nghiệp và ngành vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu trong những năm tới. Chỉ như vậy kỳ nghỉ lễ Tết nguyên đán mới ý nghĩa, tháng Giêng mới thật sự là tháng mở đầu cho một năm mới hanh thông, thành công với tinh thần làm việc hăng hái, khí thế và sôi nổi lập thành tích.
VH
Tin khác
- Góc thơ: Dấu mốc
- Ma túy - Thử một lần, hỏng một đời
- Cảm ơn người lao động Dệt May - Tháng Công nhân 2025
- Vai trò của tổ chức công đoàn trong triển khai và giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2024
- Một số giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ của công nhân, người lao động Dệt May
- Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn cần giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện
- Quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố
- Đàn ông và câu chuyện ngoại tình
- Video: Bay cao ước mơ năm 2024
- Giới trẻ ngày nay trong lằn ranh của “thực tế” và “thực dụng”
- Gia đình - Nơi những khuyết thiếu trở nên "tròn" vẹn
- Tăng cường năng lực tiếp cận thông tin cho người lao động ngành Dệt may
- Sách trong đời sống người lao động
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống
- Từ ngày 25/12/2024, mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký
- Điều kiện và quy trình xét chọn công nhân lao động tiêu biểu là đảng viên để tôn vinh tại Hội nghị toàn quốc lần thứ I năm 2025
- Mở rộng thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam
- Nghĩa đồng bào phía sau cơn bão mạnh nhất miền Bắc trong vòng 30 năm qua
- Những ý tưởng mới được ghi nhận từ chuyến thăm Công ty CP Gang thép Thái Nguyên
- Bí thư Đảng ủy Vinatex: Hoạt động công đoàn cần thực chất, hướng về cơ sở và mang màu sắc Dệt May