Góc nhìn & chia sẻ
Văn hóa uống rượu, bia - Những điều cần thay đổi
Tết đến, xuân về, nâng ly chúc nhau những điều tốt đẹp nhất đã trở thành truyền thống lâu đời ở nước ta. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng rượu, bia trong những ngày cận Tết và Tết đã trở thành một vấn nạn của xã hội hiện nay. Say rượu có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Vậy làm thế nào để thay đổi nhận thức, thói quen tiêu cực trong uống rượu và mời rượu nhất là trong thời điểm lễ, Tết để người lao động vừa vui xuân, vừa giữ gìn sức khỏe và chấp hành tốt quy định pháp luật của nhà nước?
Tình hình lạm dụng bia rượu có xu hướng gia tăng trong những ngày cận Tết và Tết.
Những tác hại nguy hiểm của việc lạm dụng rượu bia
Trong tâm lý người Việt Nam, những người không uống được rượu bia, đặc biệt là nam giới luôn bị chê cười, chế giễu. Yếu tố này đã thúc bách nhiều người sử dụng rượu, bia để thể hiện sự mạnh mẽ, nam tính và thể diện của mình. Tuy nhiên, mỗi cá nhân cần phải thay đổi những thói quen và điều chỉnh hành vi uống rượu, bia bởi những tác hại của việc lạm dụng rượu bia sẽ gây ra với sức khỏe, tính mạng và hạnh phúc gia đình.
Uống rượu thường xuyên cũng có thể dẫn đến ngộ độc cấp, bệnh xơ gan, chứng tăng huyết áp và các bệnh thần kinh. Rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính của 06 bệnh ung thư (gồm ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung) là gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội.
Số liệu thống kê thực tế cho thấy rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông. Đồng thời, đa số các vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân xuất phát từ rượu, bia. Trong các gia đình có người thường xuyên sử dụng nhiều rượu, bia, các thành viên trong gia đình phải đối mặt với bạo lực gia đình, sự rạn nứt trong mối quan hệ và bản thân người sử dụng nhiều rượu, bia cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều trường hợp không đủ sức khỏe để lao động, để đảm đương các công việc của gia đình. Bên cạnh đó, nhiều hành vi vi phạm pháp luật mà phổ biến nhất là gây rối trật tự công cộng có nguyên nhân từ sử dụng rượu, bia. Ở mức độ nhẹ hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính, ở mức độ nặng bị xử lý hình sự.
Với những tác hại và hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia nhất là trong các dịp lễ tết đã đến lúc mỗi cá nhân cần phải thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen và thay đổi hành vi về uống rượu, bia nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng và hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.
Học cách từ chối và lựa chọn sản phẩm bia, rượu an toàn
Ngày Xuân những bữa ăn thường không thể thiểu rượu bia. Trước những tình huống mời rượu, để đảm bảo sức khỏe, giữ cho không khí buổi gặp đầu xuân được vui vẻ, mỗi cá nhân cần biết một số "mẹo" từ chối như sau:
- Cần ngồi xa những người hay ép rượu và những người hay giao tiếp nhiều.
- Ngồi cùng những người không biết uống rượu sẽ giúp dễ từ chối hơn khi được mời rượu, bia. Mọi người trong bàn tiệc sẽ hiểu đây là khu vực không uống được nên sẽ ít ép hơn.
- Giữ cho mình luôn bận rộn: ví dụ đang trò chuyện với người khác mỗi lúc cụng ly, ra ngoài nghe điện thoại, nhắn tin trả lời tin nhắn…
- Pha trò hoặc hướng sự chú ý của mọi người vào các vấn đề khác như nói về món ăn hoặc kể các câu chuyện để giãn thời gian nâng ly, chúc tụng nhau.
- Khi đã áp dụng cách trên để tránh uống rượu bia mà vẫn bị ép có thể viện dẫn các lý do như đã uống nhiều; đang bị một số bệnh kiêng uống rượu; đang uống thuốc; lý do gia đình như phải về đón vợ, đón con hoặc sau đó có công việc; ra về phải lái xe…
- Sử dụng các kỹ năng khi uống: uống nhiều nước, chỉ nhấp môi hoặc uống rất ít sau mỗi lần bị mời uống…
Vào những dịp cuối năm, lễ Tết, các bệnh viện tiếp nhận rất nhiều các ca ngộ độc rượu. Do đó, để đảm bảo sức khỏe, khi uống rượu bia cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và lưu ý:
- Không uống rượu sản xuất từ cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong;
- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày;
- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân;
- Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị;
- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng rượu bia
Trong thời gian qua, việc lạm dụng rượu, bia đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, tác động tiêu cực đến đời sống và phát triển kinh tế xã hội, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đã được ban hành để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh tật, phòng chống tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình và xã hội.
Tại Điều 5 của Luật có quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đáng chú ý là các hành vi bị nghiêm cấm sau: i) Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; ii) Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; iii) Người lao động uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc.
Nếu có hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định tại Điều 5, 6, 7 như sau:
Mức nồng độ cồn | Đối tượng | Mức phạt tiền | Xử phạt bổ sung |
Mức 1: Chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở | Ô tô | 06 - 08 triệu đồng | Tước Bằng từ 10 - 12 tháng |
Xe máy | 02 - 03 triệu đồng | ||
Xe đạp, xe đạp điện | 80.000 - 100.000 đồng | ||
Mức 2: | Ô tô | 16 - 18 triệu đồng | Tước Bằng từ 16 - 18 tháng |
Xe máy | 04 - 05 triệu đồng | ||
Xe đạp, xe đạp điện |
200.000 - 300.000 đồng | ||
Mức 3: Vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở | Ô tô | 30 - 40 triệu đồng | Tước Bằng 22 - 24 tháng |
Xe máy | 06 - 08 triệu đồng | ||
Xe đạp, xe đạp điện | 400 - 600.000 đồng |
Nếu có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia và người lao động uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ làm việc sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế như sau:
- Phạt tiền 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi xúi giục kích động, lôi kéo người khác uống rượu (điểm b, khoản 2, Điều 30);
- Phạt tiền 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, nghỉ giữa giờ làm việc và ép buộc người khác uống rượu bia (điểm a, b, khoản 3, Điều 30)
Sự vào cuộc của tổ chức công đoàn nhằm phòng ngừa và hạn chế sử dụng rượu bia trong đoàn viên, người lao động
Để những ngày xuân vui vẻ, đón Tết Tân Sửu trọn vẹn và đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên, người lao động trở lại làm việc, cũng như phòng ngừa, hạn chế việc lạm dụng rượu bia ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, cuộc sống của mỗi cá nhân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc của các công đoàn cơ sở. Các công đoàn cơ sở cần phối hợp với chuyên môn xây dựng kế hoạch phòng ngừa, hạn chế sử dụng rượu bia trong đoàn viên và người lao động, trong đó chú trọng đến các nội dung sau:
- Vận động người lao động ký cam kết hạn chế sử dụng rượu bia, sử dụng rượu bia an toàn và không lái xe khi đã uống rượu bia, không uống rượu bia trước, trong giờ làm việc và giờ nghỉ giải lao;
- Phát động phong trào chia sẻ cách làm hay, cách từ chối khéo léo trước lời mời để tự hạn chế sử dụng bia rượu;
- Tổ chức các hoạt động tuyển truyền phổ biến các quy định về pháp luật và tác hại, hậu quả của lạm dụng rượu bia với nhiều hình thức phong phú như lồng ghép trong các hội nghị, các phong trào văn hóa, văn nghệ, hội thi…; tuyên truyền trên facebook, zalo, hệ thống thông tin nội bộ của doanh nghiệp, áp phích…
Văn hóa uống rượu bia đã ăn sâu trong cuộc sống qua rất nhiều năm nên để từ bỏ ngay là không thể. Do đó, cùng với việc đồng hành tuyên truyền vận động của tổ chức công đoàn và với những thay đổi thói quen có hại, trên tinh thần tự nguyện của người lao động sẽ tạo ra không khí ngày Tết đón xuân mới thêm vui và an toàn, từng bước góp phần nâng cao thể chất, tinh thần, chất lượng cuộc sống, góp phần tăng cường kỷ luật lao động, xây dựng môi trường làm việc văn minh, đồng thời hạn chế những rủi ro về sức khỏe, về tai nạn giao thông…tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thực hiện có hiệu quả trong thực thi pháp luật.
Bích Trần
Tin khác
- Đàn ông và câu chuyện ngoại tình
- Video: Bay cao ước mơ năm 2024
- Giới trẻ ngày nay trong lằn ranh của “thực tế” và “thực dụng”
- Góc thơ: Thành kính tiếc thương
- Ngồi đây nhưng anh em làm gì đều biết cả đấy!
- Ngọn lửa nồng nàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho công nhân, Công đoàn
- Tóm tắt tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Dự thảo sửa đổi Luật Việc làm: một số điểm mới về bảo hiểm thất nghiệp - người lao động cần biết
- Thư chúc Tết Giáp Thìn - 2024 của Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam
- Hành trình 10 năm mang “Tết Sum vầy” đến với người lao động
- Nghĩa đồng bào phía sau cơn bão mạnh nhất miền Bắc trong vòng 30 năm qua
- Những ý tưởng mới được ghi nhận từ chuyến thăm Công ty CP Gang thép Thái Nguyên
- Bí thư Đảng ủy Vinatex: Hoạt động công đoàn cần thực chất, hướng về cơ sở và mang màu sắc Dệt May
- Giai cấp công nhân và phong trào công đoàn quốc tế tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Sâu sát với Công đoàn, công nhân
- Công đoàn Dệt May Việt Nam: Những hoạt động - sự kiện nổi bật 6 tháng đầu năm 2024
- Bệnh viện Dệt May - nơi gửi trọn niềm tin của người bệnh
- Một số điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022
- Cảm nhận từ những chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Vinatex về năm 2023 nhiều thách thức