Công đoàn việt nam
Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam: Những dấu mốc quan trọng
Cách đây 89 năm, ngày 28/7/1929, tổ chức Công đoàn Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với quá trình đấu tranh, phát triển của phong trào công nhân Việt Nam; là hạt nhân vận động, tập hợp giai cấp công nhân đi dưới ngọn cờ cách mạng vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tổ chức công đoàn sơ khai của phong trào công nhân Việt Nam xuất hiện từ năm 1920, do đồng chí Tôn Đức Thắng (nguyên là Chủ tịch nước VNDCCH) sáng lập. Sau khi bị trục xuất về nước vì tham gia ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga bằng hành động kéo cờ phản chiến ở biển Bắc Hải, đồng chí Tôn Đức Thắng về Sài Gòn vận động thành lập Công hội bí mật. Với mục tiêu ‘‘tương trợ nhau đấu tranh, bênh vực quyền lợi cho công nhân tranh đấu chống đế quốc, tư bản", Công hội bí mật là linh hồn của phong trào bãi công ở Sài Gòn - Chợ Lớn giai đoạn 1924-1925.
Cuối năm 1924, đầu năm 1925, tại Quảng Châu, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, Người đặt cơ sở lý luận cho công đoàn Việt Nam đã đề ra tôn chỉ mục đích hoạt động của Công Hội, đào tạo hàng loạt cán bộ ưu tú trong tổ chức thanh niên cách mạng đồng chí hội mà nòng cốt là Cộng Sản Đoàn.
Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" viết năm 1927, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh tính chất và nhiệm vụ của Công hội là: "Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới".
Người cũng đề ra việc "vô sản hoá" – đưa cán bộ vào các xí nghiệp hầm mỏ, đồn điền để vận động giáo dục công nhân tham gia tổ chức Công Hội. Theo đó, tổ chức Cộng hội đã được thành lập ở nhà máy Chai, nhà máy Tơ, nhà máy cơ khí Ca Rông, bến cảng, nhà máy Xi măng Hải Phòng, nhà máy Sợi, nhà máy Điện Nam Định, nhà máy xe lửa Dĩ An, đồn điền cao su Phú Riềng, Cao su miền Đông Nam Bộ, mỏ than Hòn Gai, Mạo Khê, Uông Bí, nhà máy sửa chữa ôtô AVIA, nhà máy điện, nhà in IDEO Hà Nội, nhà máy sửa chữa ôtô STACA Đà Nẵng, nhà máy FACI và nhiều nhà máy khác ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Số nhà 15 Hàng Nón, nơi diễn ra Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, 28/7/1929
Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, đại hội thành lập tổng Công Hội đỏ miền Bắc đã khai mạc. Đại hội thông qua các nhiệm vụ đấu tranh và điều lệ tóm tắt, quyết định ra tờ báo Lao động và tạp chí Công Hội Đỏ- tiền thân của báo lao động và tạp chí Lao động và Công đoàn ngày nay, bầu ban chấp hành do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban chấp hành Đông dương Cộng sản đứng đầu.
Từ năm 1930, tổng Công Hội đỏ đã hoạt động khắp cả nước. Qua các thời kỳ cách mạng, Công đoàn Việt Nam đã có các tên gọi khác nhau như Công hội Đỏ (1929-1935); Nghiệp đoàn Ái hữu (1936-1939); Hội Công nhân phản đế (1939-1941); Hội Công nhân Cứu quốc (1941-1946); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1946-1961); Tổng Công đoàn Việt Nam (1961-1988) và từ 1988 đến nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Sự ra đời của Công đoàn cách mạnh Việt Nam có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam. Khẳng định luận điểm nổi tiếng của Lênin đó là "Giai cấp công nhân ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng chỉ phát triển và chỉ có thể phát triển bằng con đường Công đoàn, bằng sự tác động qua lại giữa Công đoàn và Đảng của giai cấp công nhân, chứ không thể bằng con đường nào khác''.
Báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ
Năm 1983, Bộ chính trị ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28/7/1929 - ngày họp đại hội thành lập tổng Công Hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, là ngày thành lập Công Đoàn Việt Nam. Đại hội đại biểu Công Đoàn toàn quốc lần V (tháng 11/1983) họp tại thủ đô Hà Nội đã nhất trí thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Trong 89 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; đã vận động, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động dưới ngọn cờ cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo để có những đóng góp to lớn trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tổ chức và vận động công nhân, viên chức, lao động hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tổng hợp
Tin khác
- Đại hội lần thứ IX nhiệm kỳ 2023 – 2028 Công đoàn Văn phòng 1 Tập đoàn Dệt May Việt Nam
- Lễ trao tặng Sách thiếu nhi - Một cuốn sách thay vạn lời yêu thương
- Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác "Chương trình Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn"
- Lời cảm ơn của Công đoàn Dệt May Việt Nam nhân kỉ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 -28/7/2018)
- Chào mừng Đại hội XII Công đoàn Việt Nam: Lễ gắn biển công trình Nhà máy sợi Hòa Xá
- Hướng tới Đại hội XII: Công đoàn Việt Nam qua các kỳ đại hội
- Công đoàn Dệt May Việt Nam phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ tại Huế
- Hội nghị công đoàn Cơ quan Văn phòng Công đoàn Dệt May Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028
- Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII: Khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường
- CĐDMVN có 6 cá nhân được vinh danh tại Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 3
- Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII (sửa đổi, bổ sung)