Chính sách pháp luật
Thỏa ước lao động tập thể - Một số vấn đề cần quan tâm
Theo quy định của pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể (Thỏa ước LĐTT) là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động.
Để có Thỏa ước LĐTT, hai bên phải tiến hành quy trình thương lượng, thỏa thuận và ký kết mang tính chất tập thể, thông qua đại diện của tập thể lao động và đại diện sử dụng lao động. Thỏa ước LĐTT cụ thể hóa các quy định của pháp luật phù hợp với tính chất, đặc điểm của doanh nghiệp, làm cơ sở pháp lý, là cộng đồng trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ, có những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật. Trong nền kinh tế thị trường, Thỏa ước LĐTT là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, trên cơ sở đó, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và cũng là công cụ quan trọng của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ người lao động.
Trong nhiều năm qua tổ chức Công đoàn đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn nghiên cứu, triển khai thực hiện việc xây dựng, thương lượng, ký kết thực hiện Thỏa ước LĐTT tại doanh nghiệp, đơn vị. Đã có khá nhiều quy định của pháp luật, nghị định Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các Bộ, đặc biệt Tổng Liên đoàn cũng ban hành nhiều quyết định, chỉ thị, hướng dẫn, công văn khẳng định vai trò quan trọng của Thỏa ước LĐTT, công đoàn các cấp tích cực tham gia xây dựng ký kết Thỏa ước LĐTT, song thực tế các doanh nghiệp (cả người sử dụng lao động và người lao động) chưa thật sự chú ý, thấy được sự cần thiết của Thỏa ước LĐTT, coi đó là "Bộ Luật con" của doanh nghiệp.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhiệm kỳ 2013 -2018 của Công đoàn Việt Nam là thực hiện Chương trình: "Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể" nhằm tăng số lượng ký kết và nâng cao chất lượng các Thỏa ước LĐTT. Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn LĐVN năm 2016, việc thực hiện Quy chế dân chủ, đối thoại, ký kết Thỏa ước LĐTT đạt nhiều hiệu quả tốt. Có 98,7% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, tăng 0,5%; 65,5% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động, tăng 9,1%; có 22.054 doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ và 2.566 cuộc đối thoại đột xuất, tăng 7.943 cuộc, góp phần kéo giảm 66 vụ ngừng việc tập thể trong năm 2016; thương lượng, ký kết được 27.049 bản Thỏa ước LĐTT, tăng 6,5% so với năm 2015. Đã có 60 công đoàn tỉnh, ngành trang bị thiết bị theo Đề án xây dựng Thư viện Thỏa ước LĐTT điện tử. Có 52 đơn vị xây dựng dữ liệu của Thư viện (các bản Thỏa ước đã ký kết, phân loại chất lượng từng bản), 37 đơn vị đưa dữ liệu lên Thư viện với tổng số 8.962 bản Thỏa ước LĐTT đã ký kết.
Việc thí điểm thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể ở cấp ngành, nhóm doanh nghiệp theo quy định pháp luật đã được một số địa phương, CĐ ngành TW thực hiện bước đầu đã có kết quả. Các bước thực hiện thương lượng tập thể đều đảm bảo đúng theo quy định pháp luật và gồm nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động như: tiền lương tối thiểu cao hơn 3 - 5% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định, tiền lương thử việc ít nhất bằng 90%, khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ít nhất 6%, thưởng tháng lương thứ 13, giá trị bữa ăn ca từ 20.000đ trở lên, các nội dung hiếu, hỉ, trợ cấp khó khăn, tham quan nghỉ mát... Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đại diện tập thể người lao động thực hiện thương lượng, ký kết được 95 bản Thỏa ước LĐTT tại doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn ở một số địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu. Theo thống kê hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng thư viện Thỏa ước LĐTT của Công đoàn Việt Nam, việc lưu trữ, khai thác có hiệu quả dữ liệu về Thỏa ước LĐTT. Đến nay, các cấp CĐ đã có 75,72% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký Thỏa ước LĐTT. Trong đó, Thỏa ước LĐTT loại A chiếm 34,98%, loại B chiếm 26,34%, loại C chiếm 13,31%, loại D chiếm 7,04%.
Nhiều doanh nghiệp thấy được được ý nghĩa quan trọng của Thỏa ước LĐTT nên đã chú trọng tới việc thương lượng, một số doanh nghiệp phải tiến hành thương lượng nhiều lần mới đạt được sự thỏa thuận. Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn, nội dung các bản Thỏa ước LĐTT đã có nhiều điểm cao hơn với quy định của pháp luật, nâng cao hơn quyền lợi của người lao động như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo đảm việc làm, tiền lương, thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ đối với lao động nữ, chất lượng bữa ăn ca, tổ chức thăm quan nghỉ mát, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất, hiếu hỷ, mừng sinh nhật, trợ cấp tiền tàu xe khi nghỉ phép, hỗ trợ phương tiện đi lại, mua bảo hiểm thân thể... không còn tình trạng sao chép quy định của Luật.
Tuy có những chuyển biến tích cực, song cũng theo đánh giá của Tổng Liên đoàn, việc thương lượng, ký kết Thỏa ước LĐTT vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Số lượng các CĐCS thương lượng tập thể, ký kết Thỏa ước LĐTT khu vực ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài còn thấp. Số bản Thỏa ước LĐTT thương lượng, ký kết chưa theo đúng trình tự, quy định của pháp luật lao động còn nhiều dẫn đến tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Chất lượng các bản Thỏa ước LĐTT tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động. Nội dung có lợi cho người lao động về tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi còn ít, chủ yếu vẫn tập trung vào các nội dung liên quan đến phúc lợi cho NLĐ. Ngoài ra, cũng có không ít doanh nghiệp có Thỏa ước LĐTT để hợp thức hóa, mang tính đối phó.
Nguyên nhân của những tồn tại này, trước hết do nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của Thỏa ước LĐTT tại doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp chưa sử dụng Thỏa ước như Bộ Luật của doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động. Có doanh nghiệp không thực hiện đúng, đủ những cam kết trong Thỏa ước, đổ lỗi do lý do khách quan, thì tổ chức Công đoàn, người lao động cũng không có ý kiến, đấu tranh quyết liệt. Nguyên nhân nữa là do cán bộ công đoàn cơ sở (những người trực tiếp thương lượng và ký kết, thực hiện Thỏa ước LĐTT) chưa nắm vững quy định pháp luật, trình tự xây dựng, ký kết Thỏa ước. Những người trực tiếp thương lượng, thỏa thuận phải biết thông tin cụ thể của doanh nghiệp, có trình độ, am hiểu vấn đề để có thể yêu cầu hoặc đồng ý thỏa thuận những nội dung vừa có lợi cho người lao động vừa phù hợp với thực tế, khả năng của doanh nghiệp. Hiện tại phần lớn cán bộ công đoàn là kiêm nhiệm, phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên rất hạn chế trong việc thương lượng với người sử dụng lao động, trong việc đòi hỏi những quyền, lợi ích cao hơn hoặc không có trong quy định của Luật cho người lao động. Nguyên nhân nữa trong thực tế thấy rằng Thỏa ước LĐTT hầu như không có sự tham gia của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Ngoài những văn bản chỉ đạo, công đoàn cấp trên cơ sở chưa phối hợp cùng CĐCS trực tiếp tham gia xây dựng, hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở thương lượng, ký kết Thỏa ước LĐTT. Đồng thời, đội ngũ cán bộ CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở không thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, phương pháp dẫn đến năng lực còn nhiều hạn chế. Xây dựng Thỏa ước LĐTT chưa theo đúng quy trình cũng là một nguyên nhân gây nên sự hạn chế của nội dung, tác dụng bản Thỏa ước. Để xây dựng Thỏa ước LĐTT, phần lớn các đơn vị vẫn theo nếp: giao cho bộ phận nhân sự - lao động chuẩn bị, soạn thảo, sau đó chuyển Công đoàn có ý kiến và ký kết ban hành. Nội dung, điều khoản trong Thỏa ước chưa xuất phát từ yêu cầu của người lao động, từ thực tế doanh nghiệp mà chỉ là quy ước những nội dung đã có và đang thực hiện.
Từ thực trạng và những nguyên nhân trên, để xây dựng được những bản Thỏa ước LĐTT có giá trị, thực sự vì quyền lợi người lao động đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ nhiều phía. Trước hết, tổ chức CĐCS cần khẳng định vai trò đại diện của mình thông qua việc cần thiết phải có Thỏa ước LĐTT và thực hiện đầy đủ nghiêm túc các nội dung đã thỏa thuận ký kết. Cán bộ CĐCS cần tích cực học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, tham khảo những bản thỏa ước tiên tiến từ bên ngoài để kịp thời hướng dẫn người lao động thương lượng những điều khoản mang tính tích cực. Cần chủ động đề xuất, yêu cầu để người sử dụng lao động thường xuyên có những thay đổi, bổ sung phù hợp thực tế vào thỏa ước. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ngoài việc chỉ đạo, tập huấn kỹ năng thương lượng, đàm phán, thuyết trình cần phải phân công cán bộ có trình độ, kinh nghiệm trực tiếp tham gia phối hợp cùng CĐCS trong quá trình xây dựng, thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước.
Nguồn: baocongthuong.com.vn