news activity
Ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI
Sáng 11/7/2024 tại Hà Nội, Công đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã tổ chức Lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI.
Đến dự có đ/c Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đ/c Trần Thị Liễu - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương - Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội; đ/c Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Về phía Vitas, có đ/c Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, các đồng chí là Phó Chủ tịch, Trưởng, Phó các Ban chức năng, các đồng chí Lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) trực thuộc Hiệp hội và cán bộ Văn phòng Hiệp hội Dệt May Việt Nam.
Về phía Công đoàn Dệt May Việt Nam, có đ/c Phạm Thị Thanh Tâm - Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam. Cùng dự, có các đồng chí trong Thường trực, Ban thường vụ, Ban chấp hành, Trưởng, Phó các ban chức năng, các đồng chí chủ tịch Công đoàn cơ sở và cán bộ chuyên trách cơ quan Công đoàn Dệt May Việt Nam.
Toàn cảnh Lễ ký kết
TƯLĐTT lần thứ VI được Hiệp hội và Công đoàn Dệt May Việt Nam thương lượng từ ngày 26/4 đến ngày 16/5/2024 nhằm xác lập các chế độ, chính sách phúc lợi cao hơn quy định của pháp luật để áp dụng cho người lao động (NLĐ) trong hệ thống. Qua 3 phiên họp thương lượng, hai bên đã thống nhất một số nội dung sau:
- Giữ nguyên các điều khoản đã xác lập trong TƯLĐTT ngành lần V về mức thu nhập tối thiểu, thang bảng lương, chế độ phụ cấp, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và quy định về đảm bảo duy trì, cải thiện các chế độ đã đạt được.
- Tăng mức và xác định mức tiền cụ thể đối với một số chế độ, chính sách đã được xác lập từ TƯLĐTT ngành lần V gồm: tăng mức tiền ăn ca thêm 2.000 đồng/suất/vùng; tặng quà cho lao động nữ vào ngày 8/3 và ngày 20/10 hàng năm mức tối thiểu 50.000 đồng/người/lần.
- Xác lập chế độ phúc lợi mới: Chi hỗ trợ NLĐ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi mức tối thiểu 50.000 đồng/người/tháng.
- Mở rộng đối tượng tham gia áp dụng TƯLĐTT. Theo đó, những DN mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) không thuộc Hiệp hội và Công đoàn cơ sở (CĐCS) không thuộc Công đoàn Dệt May nhưng nếu cả NSDLĐ và đại diện tập thể lao động của DN cùng ký công văn xin tham gia TƯLĐTT ngành gửi cho Hiệp hội và Công đoàn Dệt May Việt Nam và được cả hai bên chấp thuận thì được áp dụng TƯLĐTT ngành.
Căn cứ kết quả thương lượng, ngày 20/5/2024, Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Công đoàn DMVN đã ban hành Công văn liên tịch số 109/LT-HH-CĐDMVN về việc ủy quyền và đăng ký tham gia TƯLĐTT ngành Dệt May Việt Nam để lấy ý kiến NSDLĐ và CĐCS theo quy định. Tính đến ngày 30/6/2024, đã có 85 DN và 85 CĐCS gửi giấy ủy quyền và đăng ký tham gia TƯLĐTT ngành Dệt May lần thứ VI, chiếm tỷ lệ trên 75%, đủ điều kiện ký kết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đ/c Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu
Phát biểu tại buổi lễ, đ/c Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh ký kết TƯLĐTT ngành là đỉnh cao của việc thực hiện quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, mang lại những lợi ích thiết thực cho cả NSDLĐ và NLĐ. Qua mỗi lần ký kết, các chế độ, chính sách, phúc lợi cho NLĐ được xác lập nhiều và cao hơn các lần trước, điều này thể quyết tâm rất lớn của ngành Dệt May trong nỗ lực phát triển ngành theo hướng hiện đại, văn minh và nhân văn.
Đ/c Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu
Đ/c Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chia sẻ hiện nay trong hệ thống Công đoàn Việt Nam chỉ có 2 bản TƯLĐTT ngành là Dệt May và Cao su. Bản Thỏa ước của Dệt May có trước và độ phủ lớn vì vậy được các cấp quan tâm, lựa chọn để thí điểm thực hiện đối thoại, thương lượng, ký kết tại nhiều đơn vị. Đồng chí tin tưởng rằng bản Thỏa ước lần thứ VI này sẽ tiếp tục được lan tỏa sâu rộng không chỉ trong mà còn ngoài ngành, tạo sự ổn định trong quan hệ lao động của các DN tham gia, tạo ra sự cạnh tranh giữa các DN trong và ngoài của TƯLĐTT cấp ngành.
Đ/c Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas phát biểu
Tại buổi ký kết, đ/c Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas bày tỏ ngành Dệt May đang đứng trước nhiều thách thức khi tổng cầu dệt may suy giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi, trong khi đó thách thức về sự chuyển dịch lao động, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội 1 lần đang diễn biến hết sức phức tạp. Đây là điều các DN không mong muốn bởi nó gây ra nhiều hệ lụy, xáo trộn dây chuyền sản xuất, trong khi đó để đào tạo được một lao động lành nghề các DN phải mất nhiều tháng, thậm chí là cả năm. Cùng với đó, những thách thức về đánh giá, tiêu chí của khách hàng ngày càng nhiều và mỗi nhãn hàng lại có những quy định khác nhau. Do đó, DN luôn coi NLĐ là tài sản lớn nhất của mình và TƯLĐTT ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI sẽ có những điều chỉnh kịp thời, lấy NLĐ làm trọng tâm cho sự phát triển của DN. Chủ tịch Vitas bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các DN là thành viên của Hiệp hội sẽ tham gia nhiều hơn vào TƯLĐTT ngành Dệt May Việt Nam, đặc biệt là các DN có tổ chức công đoàn đang sinh hoạt tại các Liên đoàn lao động địa phương. Cùng với đó, các mô hình hay, cách làm mới trong công tác chăm lo NLĐ cũng cần được chia sẻ và nhận rộng trong toàn hệ thống.
Đ/c Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu
Đ/c Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam bày tỏ sự biết ơn trước sự quan tâm, động viên của Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã đồng hành với Công đoàn Dệt May Việt Nam trong 14 năm với 5 lần ký kết TƯLĐTT cấp ngành. Với TƯLĐTT lần thứ VI này, quan hệ lao động của ngành Dệt May Việt Nam tiếp tục được củng cố, vun đắp, bổ sung theo chiều sâu về quan hệ việc làm, nâng cao công tác quản trị để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Hơn hết, để vượt qua được những áp lực đang hiện hữu của cơ quan quản lý nhà nước về lao động, áp lực về đánh giá của khách hàng, TƯLĐTT sẽ là bộ xương sống để các DN tiếp tục cải thiện môi trường và điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ. Về phía Công đoàn Dệt May Việt Nam, Công đoàn ngành cam kết đồng hành, gắn bó, hiệu quả, chặt chẽ và khăng khít cùng với NSDLĐ trong tập hợp, tuyên truyền, thu hút vận động tổ chức các phong trào thi đua cũng như chăm lo một cách tốt nhất đến việc làm và đời sống của NLĐ. "Công đoàn Dệt may Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đưa việc các CĐCS tham gia TƯLĐTT ngành là một tiêu chí quan trọng để xét danh hiệu CĐCS vững mạnh xuất sắc, xét giải thưởng DN tiêu biểu vì NLĐ cấp ngành và hiệp y ở cấp quốc gia", Chủ tịch Phạm Thị Thanh Tâm khẳng định.
Đ/c Nguyễn Thị Liên - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú trao đổi tại buổi lễ
Tại phần trao đổi, đ/c Nguyễn Thị Liên - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú cho biết, TƯLĐTT qua mỗi lần ký đều có những điểm mới, điểm nâng lên so với bản ký trước, đối với DN, đáp ứng là điều không dễ dàng. Tuy nhiên nếu DN không quan tâm đến NLĐ thì DN không thể phát triển được, Quốc tế Phong Phú cam kết với Công đoàn Dệt May rằng sẽ tuân thủ thực hiện các nội dung đã quy định trong Thỏa ước.
Đ/c Trần Tường Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Hòa Thọ chia sẻ
Đ/c Trần Tường Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Hòa Thọ chia sẻ là DN đông lao động, với mỗi điều chỉnh nhỏ của Bản Thỏa ước sẽ dẫn đến tăng chi phí rất lớn. Tuy nhiên đây là việc mà DN cần thực hiện bởi NLĐ là tài sản quý giá nhất. Thậm chí có những nội dung không có trong Thỏa ước nhưng Dệt May Hòa Thọ vẫn triển khai. "Để giữ một người lao động cũng phải giữ. Đó là ý chí của Hòa Thọ cũng như của những NSDLĐ ngành Dệt May Việt Nam" - đ/c Trần Tường Anh nhấn mạnh.
Đ/c Bạch Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - CTCP phát biểu
Đồng quan điểm với đ/c Trần Tường Anh, đ/c Bạch Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - CTCP cho hay đặc thù của ngành là đông lao động, chỉ một chế độ tăng lên sẽ khiến chi phí phát sinh tăng cao, đặc biệt sẽ rất áp lực trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Song DN chỉ có một ý chí là quyết tâm "không giảm, chỉ tăng" đối với chính sách cho NLĐ, làm sao để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và làm việc của CNLĐ.
Như vậy, qua 5 lần ký kết, TƯLĐTT đã phát huy vai trò xác định chính sách khung của ngành, làm cơ sở để các DN thực hiện và điều chỉnh chế độ chính sách đối với NLĐ, góp phần cải thiện việc làm, đời sống, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong DN. Lần ký kết thứ VI này sẽ tiếp tục đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, cũng như điều hòa lợi ích, hạn chế cạnh tranh về chi phí lao động giữa các DN trong hệ thống, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa NLĐ và NSDLĐ dệt may trên cả nước.
VH
Other
- Tập đoàn - Công đoàn Dệt May Việt Nam phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi cơn bão YAGI
- Thông cáo báo chí: Thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành lần thứ VI
- Thư chúc mừng của Tổng Giám đốc Vinatex nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam
- Chương trình thiện nguyện “Hạnh phúc là sẻ chia” tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
- Khánh thành Nhà máy Sợi 2,28 vạn cọc – Công trình chào mừng 25 năm thành lập Công đoàn Dệt May Việt Nam
- Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và tôn vinh DN tiêu biểu vì NLĐ năm 2021 khu vực phía Bắc
- Đảng bộ Vinatex: Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
- Bí thư Đảng ủy Vinatex: Hoạt động công đoàn cần thực chất, hướng về cơ sở và mang màu sắc Dệt May
- Vinatex thông báo kết quả sản xuất - kinh doanh nửa đầu năm 2024
- Không khí khai xuân mở máy tại các đơn vị khu vực miền Bắc và miền Trung
- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Vinatex năm Nhâm Dần tiếp tục "mãnh lực vươn lên"
- Hiệp hội – Công đoàn Dệt May Việt Nam ký Thoả ước Lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam lần thứ V
- Công đoàn tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người lao động thực hiện mục tiêu “kép”
- Tập đoàn – Công đoàn DMVN phối hợp tổ chức Hội thi thợ giỏi cấp ngành lần thứ VI