career guildline
Công đoàn đưa điều khoản “không sử dụng lao động trẻ em” vào Thỏa ước lao động tập thể
Để góp phần hạn chế sử dụng lao động trẻ em tại doanh nghiệp, các công đoàn (CĐ) cơ sở đã đưa điều khoản "không sử dụng lao động trẻ em" vào Thỏa ước lao động tập thể. Thời gian qua, các CĐ cơ sở đã làm rất tốt việc này.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Nguyễn Thị Thu Hồng chủ trì buổi tập huấn
Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng tại buổi Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ công đoàn các cấp về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho cán bộ CĐ được tổ chức tại Bình Dương vào sáng 22.8.
Cùng tham dự có ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương và cán bộ CĐ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM.
Buổi tập huấn đã cung cấp và hệ thống lại kiến thức về chăm sóc, bảo vệ trẻ em cho cán bộ CĐ
Theo thông tin được chia sẻ tại buổi tập huấn, ở Việt Nam, hiện nay, lao động trẻ em tồn tại đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, trong ngành nông nghiệp (chiếm 67%) và dịch vụ (16,6%), nhóm nông nghiệp – xây dựng (15,8%). Phân chia theo khu vực, 85% lao động trẻ em sống ở nông thôn, 15% sống ở khu vực thành thị. Về độ tuổi, lao động trẻ em từ 15-17 tuổi chiếm 58%, 12-14 tuổi chiếm 27% và 5-11 tuổi chiếm 15%.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLD Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng, hiện nay vẫn còn nhiều trẻ em chưa được hưởng đầy đủ những quyền của mình. Còn nhiều em sớm phải rời xa mái trường để bước vào con đường mưu sinh.
Việc phải đi làm sớm khi chưa trưởng thành đầy đủ về thể chất lẫn trí tuệ sẽ gây tổn hại lâu dài đến các em và các em sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của thất học và đói nghèo. Điều này, những cán bộ CĐ, cũng là người làm cha mẹ, càng phải quan tâm hơn bởi thực tại trên không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho các em mà còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội và nhất là nguồn nhân lực trong tương lai.
Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ nội dung tại buổi tập huấn
Trong thời gian qua, Chính phủ đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua ban hành hệ thống luật pháp và chính sách. Ngay trong Bộ Luật lao động đã có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời gian làm việc và điều kiện làm việc, quy định về lao động đối với người chưa thành niên.
Bên cạnh đó, Luật trẻ em năm 2016 có các quy định cụ thể về hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Nhiều năm qua, Tổng LĐLĐ VN đã tích cực tham gia các Dự thảo Luật với xu hướng bảo vệ các quyền trẻ em, các cấp CĐ trên cả nước đã tổ chức nhiều cuộc phổ biến, tuyên truyền các Luật liên quan đến quyền trẻ em. Hàng năm, tại các doanh nghiệp, CĐ đã làm rất tốt trong việc đưa điều khoản không sử dụng lao động trẻ em vào Thỏa ước lao động tập thể.
Ông Đặng Hoa Nam đã chia sẻ những kiến thức nâng cao năng lực và triển khai các hình thức truyền thông phù hợp cho đội ngũ cán bộ công đoàn về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
Theo Báo Lao động