Skip to Content

Textile news Textile news

Mở rộng thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam

 

Ngày 25/11/2024, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Phan Văn Anh đã ký Quyết định số 2158/QĐ-TLĐ ban hành Đề án "Công đoàn tham gia xây dựng và phát triển QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ, giai đoạn 2024 - 2028".

 

Đề án nêu rõ: Thời gian qua, các cấp công đoàn đã thực hiện khá hiệu quả việc tham gia xây dựng và phát triển quan hệ lao động (QHLĐ) như: Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động (NLĐ), QHLĐ; có tiếng nói mạnh hơn trong các hội đồng, ban chỉ đạo, ủy ban, thiết chế 3 bên để bảo vệ quyền lợi của NLĐ (Hội đồng Tiền lương quốc gia, Ủy ban Quan hệ lao động); phối hợp thực hiện quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc; thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); tư vấn pháp luật (TVPL), hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát; chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ; giải quyết và tham gia giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động tham gia xây dựng và phát triển QHLĐ của tổ chức công đoàn vẫn còn một số hạn chế như: Một số nơi chưa thực sự chủ động trong tham gia xây dựng chủ trương, chế độ, chính sách cho đoàn viên, NLĐ; hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể còn hình thức, chất lượng còn hạn chế; thương lượng tập thể ngoài doanh nghiệp chưa được quan tâm, thực hiện còn manh mún; vai trò của tổ chức công đoàn trong cơ chế 2 bên, 3 bên chưa thực sự rõ nét và hiệu quả; hoạt động giải quyết tranh chấp lao động chủ yếu tập trung ở công đoàn cấp trên cơ sở; chất lượng tổ chức, tham gia các hoạt động hỗ trợ xây dựng, phát triển QHLĐ chưa thực sự hiệu quả; kết quả triển khai xây dựng thiết chế công đoàn đạt thấp; mô hình tổ chức công đoàn bộc lộ những bất cập trước yêu cầu mới...

 

QHLĐ đang thay đổi nhanh chóng và đặt ra nhiều yêu cầu đối với tổ chức công đoàn, đặc biệt giai đoạn sau Covid-19 xuất hiện; cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo diễn ra và phát triển mạnh mẽ; Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhất là khi nước ta đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu; Hiệp định Kinh tế đối tác toàn diện khu vực; Hiệp định Thương mại tự do với Vương quốc Anh…; Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế về lao động, các tiêu chuẩn lao động quốc tế được nội luật hóa, cho phép sự ra đời của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp, ngoài hệ thống công đoàn; các yêu cầu phát triển bền vững, việc làm bền vững, thẩm định, tra soát chuỗi cung ứng đang được đẩy mạnh trong toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

 

Việc xây dựng Đề án "Công đoàn tham gia xây dựng và phát triển QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ, giai đoạn 2024 - 2028" (Đề án) là rất cần thiết hiện nay. Mục tiêu của Đề án là "Phát huy nội lực, nguồn lực của tổ chức Công đoàn trong hoạt động tham gia xây dựng và phát triển QHLĐ; tăng cường vai trò của công đoàn cấp trên hỗ trợ, đồng hành, hướng dẫn CĐCS, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất và lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong QHLĐ nhằm mang lại quyền lợi tốt hơn cho đoàn viên, NLĐ, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển".

 

 

Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu hàng năm và đến năm 2028

 

Các cấp công đoàn tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đề ra. Ngoài ra, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu hàng năm như: 100% LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng Liên đoàn chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đối thoại, tiếp xúc, gặp gỡ đoàn viên, NLĐ và cán bộ công đoàn.

 

Tổng Liên đoàn phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đoàn viên, NLĐ và cán bộ công đoàn.

 

Đồng thời, đến năm 2028, 100% công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền, chuyên môn cùng cấp tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đối thoại, tiếp xúc, gặp gỡ đoàn viên, NLĐ, cán bộ công đoàn. Ít nhất 50% TƯLĐTT do tổ chức công đoàn ký kết hoặc tham gia ký kết được xếp loại chất lượng đạt loại B trở lên. Mỗi LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có từ 80.000 đoàn viên trở lên ký kết ít nhất 01 bản TƯLĐTT có nhiều doanh nghiệp tham gia (nhóm doanh nghiệp). 100% vụ việc của đoàn viên, tổ chức công đoàn có yêu cầu tư vấn, hỗ trợ về pháp luật lao động, công đoàn, giải quyết tranh chấp lao động được Công đoàn tư vấn, hỗ trợ.

 

 

Nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số đánh giá quan hệ lao động tại doanh nghiệp

 

Đây là một giải pháp trong nhiệm vụ "Tham gia phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động" được đề cập tại Đề án. Cùng với đó là, thiết lập, duy trì kênh phản ánh về việc chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp, tình hình đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn, bức xúc của đoàn viên, NLĐ từ cơ sở để kịp thời ghi nhận, nắm bắt tình hình thực tiễn, hạn chế xảy ra xung đột từ cơ sở dẫn đến tranh chấp lao động. Phối hợp với ngành tòa án và các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả các hoạt động tố tụng lao động tại tòa án, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên, nhất là trong các vụ án lao động, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, phá sản, giải thể, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội. Xây dựng, củng cố, sử dụng đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở tham gia hòa giải viên lao động, trọng tài lao động, hội thẩm nhân dân nhằm tham gia hiệu quả việc giải quyết tranh chấp lao động. Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS thực hiện đúng vai trò là một bên, đại diện tập thể NLĐ đối thoại, thương lượng tập thể, khi xảy ra tranh chấp lao động; thực hiện các bước giải quyết tranh chấp lao động đúng quy định của pháp luật. Tham gia tích cực trong cơ chế 3 bên giải quyết tranh chấp lao động để hỗ trợ các bên thương lượng, giải quyết hài hòa quyền lợi của các bên, góp phần đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn xã hội. Kiện toàn, củng cố hệ thống trung tâm, văn phòng, tổ TVPL; thành lập trung tâm tư vấn và hỗ trợ NLĐ; xây dựng, bổ sung, nâng cao năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ TVPL, đội ngũ cán bộ công đoàn có trình độ tương đương luật sư...

 

Đối với nhiệm vụ "Chủ động, tích cực tham mưu với các cấp ủy đảng trong xây dựng và phát triển quan hệ lao động", các cấp công đoàn bám sát chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, chương trình của các cấp ủy Đảng, nhất là các nội dung liên quan trực tiếp đến QHLĐ để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các bên trong QHLĐ phối hợp thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của các bên. Đảng đoàn Tổng Liên đoàn có văn bản đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy chỉ đạo các cấp chính quyền, chuyên môn phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để công đoàn cùng cấp triển khai các hoạt động tham gia xây dựng, phát triển QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ tại địa phương, đơn vị theo Đề án này…

 

Ở nhiệm vụ  "Tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến xây dựng và phát triển quan hệ lao động", một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về "Nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức công đoàn trong tình hình mới". Tiếp tục tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, việc làm, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bữa ăn ca, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhà ở, thiết chế văn hóa, chính sách phúc lợi, an sinh xã hội dành cho NLĐ; xác định tiền lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu; điều chỉnh vùng áp dụng tiền lương tối thiểu… Trước tiên tập trung sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 bảo đảm chất lượng và tính tương thích với các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam...

 

Tại nhiệm vụ "Thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể", Đề án xác định các giải pháp mang tính căn cơ như thí điểm mô hình thương lượng tập thể đồng loạt, cùng thời điểm tại các doanh nghiệp chung chủ sở hữu, cùng nhãn hàng, nhà cung ứng, chuỗi cung ứng, trong phạm vi một tỉnh, thành phố, nhiều tỉnh, thành phố (theo vùng), toàn quốc; thương lượng tập thể có sự tham gia hỗ trợ của nhãn hàng, nhà mua hàng quốc tế; mở rộng thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam với sự tham gia, phối hợp của các LĐLĐ tỉnh, thành phố.

 

Gắn kết quá trình thương lượng tập thể với sự tham gia tích cực của đoàn viên, NLĐ. Nghiên cứu, đánh giá các quy định pháp luật, khả năng, vai trò, năng lực của công đoàn các cấp trong việc tổ chức và lãnh đạo đình công để có chiến lược phù hợp. Chủ động trao đổi, thống nhất với các ban, bộ, ngành ở Trung ương có liên quan về chủ trương công đoàn tổ chức hành động tập thể, tổ chức và lãnh đạo đình công. Xác định, xây dựng các cấp độ và tổ chức thí điểm các hành động tập thể của đoàn viên, NLĐ do CĐCS tổ chức có sự hỗ trợ, hướng dẫn của công đoàn cấp trên nhằm ủng hộ quá trình thương lượng của tổ chức công đoàn. Nghiên cứu, thực hiện thí điểm CĐCS tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật…..

 

Về nhiệm vụ  "Tham gia các cơ chế 2 bên, 3 bên trong quan hệ lao động", Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chú trọng nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của đại diện công đoàn tại các cơ chế 2 bên, 3 bên cấp tỉnh, cấp trung ương, từ đó đảm bảo quyền lợi của đông đảo đoàn viên, NLĐ ngay trong giai đoạn thảo luận xây dựng chính sách. Nghiên cứu, đề xuất thiết lập cơ chế 2 bên, 3 bên ở cấp tỉnh, thành phố, cấp trung ương để thảo luận, thống nhất, khuyến nghị thực hiện các vấn đề về được thảo luận, thống nhất thực hiện tại các cơ chế 3 bên (như Hội đồng Tiền lương quốc gia, Ủy ban QHLĐ) và thực hiện tốt chức năng tư vấn, khuyến nghị và hỗ trợ phát triển QHLĐ tại địa phương. Tham vấn, trao đổi thông tin với các tổ chức đại diện NSDLĐ ở cấp tỉnh, cấp trung ương, đặc biệt là trước các phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia…

 

Song song với đó là các nhiệm vụ và giải pháp về Tham gia xây dựng và thực hiện quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc; về chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; về bố trí đủ nguồn lực tham gia xây dựng và phát triển quan hệ lao động.

 

 

Tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước trong xây dựng và phát triển QHLĐ

 

Trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện hoặc lồng ghép các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vào kế hoạch tổng thể, giai đoạn, năm của địa phương, đơn vị đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tiến độ.  Đề xuất với cấp ủy, phối hợp với cơ quan, chính quyền, chuyên môn cùng cấp tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về QHLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn, doanh nghiệp trực thuộc. Bố trí kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

 

Kinh phí thực hiện Đề án bố trí từ tài chính công đoàn theo phân cấp tài chính và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

 

Quan điểm chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong triển khai Đề án này là đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước trong xây dựng và phát triển QHLĐ; Lấy việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn nhằm thúc đẩy QHLĐ phát triển hài hòa, ổn định và tiến bộ; Công đoàn tham gia xây dựng và phát triển QHLĐ phải phù hợp với thực tiễn QHLĐ Việt Nam; tiệm cận với tiêu chuẩn lao động quốc tế, xu hướng phát triển QHLĐ; Phát huy vai trò tiên phong, chủ thể của Công đoàn trong xây dựng và phát triển QHLĐ, phối hợp chặt chẽ với NSDLĐ, các tổ chức trong hệ thống chính trị, tạo sức mạnh tổng hợp; Bố trí đủ nguồn lực đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động Công đoàn tham gia xây dựng và phát triển QHLĐ.

 

Việc thực hiện tốt Đề án sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập của NLĐ và hiệu quả hoạt động CĐCS trong các doanh nghiệp, đồng thời phục vụ tốt hơn yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong thời gian tới.

 

An Ngọc

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
No comments yet. Be the first.

Thông báo Thông báo

thư viện video thư viện video

Liên kết website Liên kết website

Home  |  FaQs  |  Sitemap  |  Contact  |  RSS

 

WEB PORTAL OF VIETNAM TEXTILE AND GARMENT TRADE UNIONS

Address: No 460 Minh Khai Str.- Hai Ba Trung - Hanoi

Tel:(024) 3633.9839                 Fax : (024) 3862.5547

Email : congdoandetmayvn@gmail.com

Office 2 Vietnam Textile and Garment Association in Ho Chi Minh City

Address: Floor 7, No. 10, Nguyen Hue Street, District 1, Ho Chi Minh City

Tel:  (028) 3914.4232               Fax :  (028) 3832.3464

Email : vp2.congdoandetmayvn@gmail.com