The Union
“Sống thử” và những hệ lụy
Xã hội phát triển, cuộc sống hiện đại nên quan niệm về tình yêu và hôn nhân có nhiều cởi mở hơn, vậy nên hai từ "sống thử" dường như không còn xa lạ. Tuy nhiên việc sống thử trước hôn nhân thường để lại nhiều hệ lụy khôn lường cho chính những người trong cuộc và xã hội.
Sống thử là việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng trong khi không đăng ký kết hôn, không tổ chức đám cưới. Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014 tại Khoản 7, Điều 3" có đề cập "Chung sống như vợ chồng là nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như vợ chồng". Theo đó nếu chia tay sẽ không có ràng buộc pháp lý. Như vậy luật pháp không cấm nhưng không khuyến khích việc nam, nữ đã thành niên sống thử trước hôn nhân.
Xét ở phương diện tích cực, nếu các cặp đôi đồng quan điểm việc sống thử trước hôn nhân là điều kiện tốt để chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tiết kiệm chị phí, có thời gian tìm hiểu từ thói quen sinh hoạt, sở thích, đến suy nghĩ và quan điểm sống...nhằm khắc phục những hạn chế của bản thân, tạo bước đệm tốt trước khi đăng ký, tổ chức hôn lễ và về chung sống với nhau theo quy định của luật pháp. Trường hợp nếu sống thử nhưng không thể tiến tới hôn nhân, hai người chia tay văn minh, không ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại cũng như lâu dài cũng là điều kiện giúp họ có những kinh nghiệm tốt trong cuộc sống.
Xét ở phương diện hạn chế, nguyên nhân dẫn đến việc giới trẻ sống thử là theo trào lưu. Trong khi chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống để hiểu được giá trị cốt lõi của tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình nhưng mong muốn được trải nghiệm, khám phá, thỏa mãn nhu cầu cảm tính...
Còn đối với những người đủ trưởng thành, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh lên thành phố lập nghiệp nhưng phải thuê trọ, họ thường là một "mảnh ghép" đơn lẻ, khi buồn họ rất cần có người chia sẻ nên khi tìm được nửa còn lại tâm đầu ý hợp, nảy sinh tình cảm, tình yêu và họ mong muốn được "góp gạo thổi cơm chung" như những cặp vợ chồng.
Ngày nay quan niệm về tình yêu, tình dục trước hôn nhân không còn quá khắt khe nhưng sống thử để lại những hậu quả không mong muốn, thậm chí có người phải trả giá vì sự bồng bột, suy nghĩ chưa thấu đáo của chính mình.
Phụ nữ là đối tượng bị tổn thương nhiều hơn
Khi sống thử, việc quan hệ tình dục là điều khó tránh khỏi. Nếu không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, người phụ nữ dễ mang thai ngoài ý muốn và thường chọn giải pháp nạo phá thai. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra những biến chứng không mong muốn như viêm, nhiễm phụ khoa; tổn thương tử cung, băng huyết, nhiễm trùng và vô sinh thứ phát do viêm tắc vòi trứng... thậm chí là tử vong.
Bên cạnh đó, sống thử nhưng không đi đến hôn nhân sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc, tình cảm. Sự đổ vỡ trong tình yêu có thể khiến người phụ nữ không tiếp tục "mở lòng" đón nhận tình cảm mới của người khác. Đối với những người không thể vượt qua cú sốc tâm lý, không dám chia sẻ cùng ai; hoặc không nhận được sự tư vấn, hỗ trợ... khi bế tắc rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Từ đó đánh mất cơ hội tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình.
Còn đối với những phụ nữ đủ can đảm và nghị lực quyết tâm giữ lại "giọt máu" của mình, khi đó họ bắt buộc trở thành mẹ đơn thân, đồng nghĩa với việc chấp nhận đương đầu khó khăn, thách thức: Một mình đi làm, kiếm tiền, chăm sóc, nuôi dạy con.... Ngoài ra họ phải đối mặt với những định kiến và dư luận xã hội vì phạm trù đạo đức, lối sống của người Á Đông.
Bên cạnh đó, nếu sống thử trong khi tình yêu chưa đủ "chín" nhưng có thai ngoài ý muốn phải tiến tới hôn nhân. Thay vì hạnh phúc, phấn khởi chuẩn bị được làm mẹ, người phụ nữ trong trường hợp này phải chịu những áp lực, tâm trạng bất ổn lo lắng cho cuộc sống hiện tại cũng như lâu dài: Người chồng có còn yêu thương, tin tưởng; gia đình chồng có sẵn sàng đón nhận, danh dự bản thân bị ảnh hưởng... Đặc biệt, với những phụ nữ tuổi đời còn trẻ, chưa có việc làm, thu nhập; thiếu kiến thức về chăm sóc nuôi dạy con, đối nhân xử thế, tổ chức cuộc sống gia đình...ngoài việc mất cơ hội tìm kiếm việc làm tốt còn bị lệ thuộc về kinh tế. Đây là nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn vợ chồng nên hạnh phúc gia đình sẽ khó bền vững.
Nâng cao công tác tuyên truyền cho CNLĐ về xây dựng cuộc sống hôn nhân bền vững
Độ tuổi của NLĐ Dệt May dưới 25 tuổi chiếm 25%, từ 25-34 tuổi chiếm 46%, là lực lượng lao động chủ đạo và cũng đang trong độ tuổi tìm hiểu để kết hôn, xây dựng gia đình. Tuổi đời còn trẻ, trình độ nhận thức hạn chế, trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều, lại sống xa gia đình nên dễ để xảy ra hiện tượng sống thử trước hôn nhân.
Nhận thức được nút thắt của vấn đề, với mong muốn hỗ trợ CNLĐ có kiến thức, nền tảng vững vàng trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, đồng thời góp phần xây dựng gia đình NLĐ Dệt May bền vững và hạnh phúc, những năm qua, các CĐCS trực thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam thường xuyên quan tâm chú trọng đến đời sống sức khỏe và tình cảm của đội ngũ CNLĐ như: Tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, kiến thức phòng chống tệ nạn xã hội. Hằng năm, vào dịp khám sức khỏe định kỳ, nhân các ngày 8/3, 20/10... mời chuyên gia nói chuyện chuyên đề về giới, chăm sóc nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc …các đơn vị thường lồng ghép tuyên truyền về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản; cảnh báo về hệ lụy của việc mang thai ngoài ý muốn… để NLĐ nâng cao kiến thức cũng như giáo dục con em mình.
Bên cạnh đó CĐCS phối hợp với Đoàn Thanh niên tuyên truyền, giáo dục về lối sống lành mạnh, trang bị kỹ năng sống, kiến thức về tình yêu, hôn nhân, những nguy cơ tiềm ẩn của việc sống thử trước hôn nhân cho CNLĐ trẻ. Tổ chức các cuộc sinh hoạt tập thể như diễn đàn thanh niên, giao lưu văn nghệ, thể thao... tạo điều kiện để thanh niên công nhân có nhiều sân chơi bổ ích, giúp họ rèn luyện sức khỏe, tránh xa các cám dỗ tiêu cực, các tệ nạn xã hội. Những đơn vị làm tốt hoạt động này: Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Dệt May Hà Nội, Tổng Công ty May Hưng Yên-CTCP, Công ty CP Tiên Hưng, Tổng Công ty Dệt May Nam Định, Công ty CP Dệt May Huế, Công ty CP Dệt May Đầu tư Thương Mại Thành Công...
Mỗi người sẽ có một quan điểm và lối sống riêng. Gia đình hạnh phúc chỉ thực sự hạnh phúc khi nền tàng là tình yêu và hôn nhân bền vững. Vì vậy, hãy hạn chế thấp nhất việc sống thử trước hôn nhân. Còn nếu vẫn quyết định lựa chọn, các cặp đôi nam nữ cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện, kỹ năng cũng như tâm thế sẵn sàng đón nhận hoặc có giải pháp tối ưu khi tình huống không mong đợi xảy ra.
Nguyễn Thị Thủy
Other
- Một số giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ của công nhân, người lao động Dệt May
- Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn cần giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện
- Quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố
- Đàn ông và câu chuyện ngoại tình
- Video: Bay cao ước mơ năm 2024
- Giới trẻ ngày nay trong lằn ranh của “thực tế” và “thực dụng”
- Góc thơ: Thành kính tiếc thương
- Ngồi đây nhưng anh em làm gì đều biết cả đấy!
- Ngọn lửa nồng nàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho công nhân, Công đoàn
- Tóm tắt tiểu sử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Từ ngày 25/12/2024, mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký
- Điều kiện và quy trình xét chọn công nhân lao động tiêu biểu là đảng viên để tôn vinh tại Hội nghị toàn quốc lần thứ I năm 2025
- Mở rộng thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam
- Nghĩa đồng bào phía sau cơn bão mạnh nhất miền Bắc trong vòng 30 năm qua
- Những ý tưởng mới được ghi nhận từ chuyến thăm Công ty CP Gang thép Thái Nguyên
- Bí thư Đảng ủy Vinatex: Hoạt động công đoàn cần thực chất, hướng về cơ sở và mang màu sắc Dệt May
- Giai cấp công nhân và phong trào công đoàn quốc tế tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Sâu sát với Công đoàn, công nhân
- Công đoàn Dệt May Việt Nam: Những hoạt động - sự kiện nổi bật 6 tháng đầu năm 2024