Skip to Content

The Union The Union

Ngày Quốc tế Gia đình 15/5: Nghĩ về gia đình Việt Nam

Trong văn hóa phương Đông nói chung, văn hóa Việt Nam nói riêng, gia đình có một vai trò và ý nghĩa vô cùng to lớn. Ngay từ khi còn nằm trong nôi, lời ru ầu ơ của mẹ, của bà đã bay bổng, đu đưa bên cánh võng "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Suốt cuộc đời một con người, cho dù khi đã trưởng thành, đi khắp muôn nơi, có vị trí xã hội như thế nào đi chăng nữa, câu ca dao thấm đẫm tâm hồn Việt ấy, vẫn được gìn giữ, nâng niu ở một góc sâu kín nhất.

 

Sự thay đổi trong mô hình gia đình

 

Cùng với sự phát triển về mọi mặt của xã hội, mô hình tam, tứ đại đồng đường từ thời phong kiến cũng được thay thế dần bằng mô hình gia đình nhỏ hai thế hệ (gồm bố mẹ và con cái), nhưng vẫn thường xuyên quan tâm, chăm sóc, gần gũi với ông bà nội, ngoại (về tình cảm) và cố gắng để gần nhất có thể (về địa lý).

 

Có không ít người vẫn nuối tiếc, hoài niệm không thôi về một gia đình truyền thống với hình ảnh ngôi nhà ba gian, ông bà hiền từ, quắc thước, bố mẹ tuổi trung niên và cháu, chắt ríu rít cả ngày. Đó quả là một hình ảnh tuyệt đẹp, khó thể phai mờ trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, nhưng trong nhịp sống hiện tại, có lẽ đó đã không còn là mô hình phù hợp và tối ưu  nữa.

 

Ngày nay, khi mà kinh tế, văn hóa, chính trị... biến đổi không ngừng, toàn cầu hóa kéo theo sự giao thoa về mọi mặt của đời sống xã hội, thì sự thay đổi mô hình gia đình sao cho phù hợp với tư duy, nhận thức, kinh tế, hoàn cảnh sống... của mỗi cá nhân và sự phát triển chung của quốc gia, trong dòng chảy của thế giới đương đại là điều đương nhiên và tất yếu.

 

Những thế hệ sau này, đặc biệt từ lứa 9x trở đi, sau khi kết hôn, khi mà cả vợ và chồng đều có việc làm và thu nhập ổn định, tự chủ về tài chính thì họ càng mong muốn có một cuộc sống chủ động, độc lập hơn, cho dù có thể phải thuê nhà. Cũng có những vợ chồng trẻ vì công việc, sự nghiệp mà buộc phải sống xa gia đình, bố mẹ, ông bà.

 

Không chỉ có giới trẻ mà ngày càng nhiều các bậc cha mẹ, thay vì sống chung với con cháu như trước đây, nay lại ưa thích cuộc sống tự do chỉ có 2 ông bà, nhưng vẫn giữ quan hệ tình cảm, chăm lo, gần gũi với con cháu. Đại gia đình vẫn sẽ sắp xếp để sum họp, gặp gỡ nhau trong các dịp đoàn viên, lễ tết, các ngày cuối tuần.

 

 

Mô hình gia đình thay đổi thì giá trị truyền thống của gia đình có mai một?

 

Trải qua nhiều thế kỷ hình thành, xây dựng và phát triển, khái niệm gia đình đối với một quốc gia Á Đông như Việt Nam luôn mang những ý nghĩa thật thiêng liêng, với những chuẩn mực giá trị nhân văn và tốt đẹp.

 

Đã từ lâu, gia đình chính là hình ảnh rõ nét phản ánh bản sắc văn hóa, đất nước và con người Việt Nam. Bởi vậy, có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc thay thế mô hình gia đình truyền thống. Một số quan điểm ủng hộ, coi đó sự thay đổi tất yếu, tiến bộ và đáng được khuyến khích. Một số lại cho rằng, đây là do bị ảnh hưởng của lối sống phương Tây, giới trẻ ngày nay chỉ biết hưởng thụ vật chất, ích kỷ, không quan tâm đến cha mẹ, ông bà...

 

Mỗi người có một lý lẽ cho riêng mình nhưng có một điều khẳng định được, đó là: Tình cảm gia đình tại Việt Nam khác hoàn toàn với các nước phương Tây - nơi mà sự gần gũi của con cái, cháu chắt với bố mẹ, ông bà sau khi đã lập gia đình là khá hạn chế, thì sự đổi thay này tại Việt Nam vẫn giữ nguyên dấu ấn văn hóa và bản sắc con người Việt, ấy là sự sẻ chia, thấu hiểu và gắn bó mật thiết trong gia đình. Sự đổi mới tư duy, nhận thức và cách sống này không hề làm mất đi các giá trị truyền thống như trân trọng nguồn cội, công ơn tổ tiên; hiếu thảo với cha mẹ; yêu thương, giúp đỡ anh chị em; mọi thành viên trong gia đình có trách nhiệm với nhau, bất kể sang hèn, vị trí xã hội hay hoàn cảnh kinh tế như thế nào... Tất cả các giá trị ấy, cần được gìn giữ, bảo vệ và phát huy.

 

Là một ngành nghề lao động với phần đông là nam nữ thanh niên từ nông thôn lên thành thị làm việc, những gia đình dệt may, ở một góc độ nào đó, có thể nói, gần như là bức tranh thu nhỏ toàn cảnh gia đình Việt Nam thời hiện đại.

 

Do phần đông anh chị em là lao động nhập cư nên hầu hết ở xa hoặc rất xa gia đình. Tổ ấm nhỏ nơi thành phố thường có 3- 4 người. Phần lớn họ phải thuê nhà trọ, đồng lương chưa cao, nhưng vẫn cố gắng tằn tiện để mỗi tháng một ít, gửi về quê, lo cho cha mẹ hay anh chị em. Rồi mỗi cuối năm, những lao động dệt may chân chất, cũng như người lao động của nhiều ngành nghề khác trên cả nước, lại gom góp những đồng tiền tiết kiệm cả năm trời, vợ chồng, con cái, túi lớn túi bé, tàu xe lỉnh kỉnh về quê, có khi cách xa tới cả nghìn cây số, để ăn tết với gia đình. Nơi ấy, những người thân yêu đang mong ngóng từng ngày.

 

Hình ảnh tưởng chừng rất đỗi quen thuộc, bình dị ấy, lại đã khắc họa một cách chân thực và đầy đủ nhất cái tình, cái nghĩa gia đình hết sức sâu nặng trong trái tim mỗi lao động dệt may, trái tim người Việt Nam.

 

Dù có đi nơi đâu, gia đình vẫn mãi là bến bờ bình yên, là nơi ta nghĩ đến đầu tiên, trong những thời khắc khó khăn hay hạnh phúc nhất. Ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cái.. không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ ta về vật chất, những con người rất đỗi thân thương ấy còn là điểm tựa, nơi nâng đỡ ta về tinh thần, mang đến cho mỗi chúng ta, sức sống nội sinh mạnh mẽ.

 

Dầu cho vật đổi sao dời, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, hai tiếng GIA ĐÌNH trong tâm thức mỗi con người Việt Nam, luôn là một giá trị cốt lõi, nhân bản, bền vững và mãi trường tồn.

 

 

                                                                    Nguyễn Thị Thu Hương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Other

Average (0 Votes)
The average rating is 0.0 stars out of 5.
  

Thông báo Thông báo

Video video

Liên kết website Liên kết website

Home  |  FaQs  |  Sitemap  |  Contact  |  RSS

 

WEB PORTAL OF VIETNAM TEXTILE AND GARMENT TRADE UNIONS

Address: No 460 Minh Khai Str.- Hai Ba Trung - Hanoi

Tel:(024) 3633.9839                 Fax : (024) 3862.5547

Email : congdoandetmayvn@gmail.com

Office 2 Vietnam Textile and Garment Association in Ho Chi Minh City

Address: Floor 7, No. 10, Nguyen Hue Street, District 1, Ho Chi Minh City

Tel:  (028) 3914.4232               Fax :  (028) 3832.3464

Email : vp2.congdoandetmayvn@gmail.com