Truy cập nội dung luôn

Tin tức ngành Tin tức ngành

« Quay lại

Ngành Dệt May Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Sáng nay 6/9/2019, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức Hội thảo Ngành Dệt May Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ; cùng đại diện các Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN), Vụ KH&CN, Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương); đại diện Đảng ủy Khối DN TW, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Công đoàn Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam; cùng lãnh đạo các doanh nghiệp Dệt May. Chủ trì và điều hành Hội thảo gồm: TS. Trần Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc điều hành Vinatex.

 

 

Hội thảo gồm 4 chuyên đề:

 

1- Sự ra đời của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và mức độ ảnh hưởng tới các ngành sản xuất công nghiệp.

 

2- Định hướng phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4.

 

3- Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề về lao động, xã hội.

 

4- Những thành tự nổi bật của khoa học công nghệ trong ngành dệt may thế giới - Hiện tại và tương lai.

 

Trong đó chuyên đề số 2 là nội dung Đề tài cấp Quốc gia về "Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với ngành Dệt May Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019-2030" được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam thực hiện, do ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex làm chủ nhiệm đề tài.

 

Trong 10 tháng triển khai, nhóm thực hiện đề tài gồm 4 đơn vị: Vinatex, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội; Viện nghiên cứu Dệt May, Viện Kinh tế & Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã thực hiện khảo sát trực tiếp tại 100 doanh nghiệp gồm: DN Cổ phần Nhà nước chi phối, DN Cổ phần trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN 100% vốn nước ngoài; đồng thời tham quan, tìm hiểu tại các quốc gia hàng đầu về công nghệ Dệt May như Đức, Thụy Sỹ, Trung Quốc...

 

Kết quả đã đánh giá: Thực trạng của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh CMCN 4.0; nhận thức của DN về lợi ích của CMCN 4.0; trình độ nhân lực; mức độ hệ thống quản lý; năng lực đội ngũ lao động và công tác triển khai R&D tại doanh nghiệp; mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0; những tác động của CMCN 4.0 tới xu thế phát triển ngành: (năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nhu cầu đầu tư, lực lượng lao động, chuỗi cung ứng, yếu tố phát triển bền vững,....)

 

Từ những nghiên cứu, đánh giá, đề tài cũng đã đưa ra những định hướng và giải pháp quan trọng cho phát triển Ngành DMVN giai đoạn 2019-2030 trong bối cảnh CMCN 4.0; đồng thời đề xuất chính sách vĩ mô cho việc thúc đẩy Ngành ứng dụng CMCN 4.0.

 

Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại Hội thảo

 

Tác động của CMCN 4.0 đến lực lượng lao động của ngành giai đoạn 2019-2030

 

Trong bài trình bày về "Định hướng phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4", TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệp Dệt May Hà Nội, thành viên chính thực hiện đề tài cho biết:

 

Cuộc CMCN 4.0 có ảnh hưởng đến lực lượng lao động của ngành nhưng ở mức không đáng kể. Cụ thể: Mức giảm lao động ngành may theo khảo sát là 18% trên tổng số lao động ngành, tương đương 164.494 người. Mức giảm lao động ngành dệt, sợi, nhuộm là 75%, tương đương 151.566 người. Như vậy tổng mức giảm lao động dệt may dưới tác động của CMCN 4.0 là 316.060, tương đương 21,6%.

 

Tuy nhiên, dưới tác động của công nghệ 4.0, nhu cầu về một số việc làm mới sẽ tăng nhanh, ví dụ như Thiết kế, Quản trị chuỗi cung ứng, Thị trường... Đối với ngành may, tỷ lệ tăng lao động bình quân 4%, tương đương 36.554 người. Đối với sợi, dệt, nhuộm là 6%, tương đương 13.205 người.

 

Bên cạnh đó là hiệu ứng tăng lao động dưới tác động của hội nhập kinh tế và xuất khẩu tăng cao. Theo nhóm nghiên cứu, tăng trưởng XK dệt may dự kiến 8% giai đoạn 2019-2025 và 6% năm 2026-2030, điều này đòi hỏi DN cần phải tăng năng suất và lực lượng lao động. Theo đó, đến năm 2030 ước tính ngành sẽ cần thêm 280.000 lao động.

 

Như vậy, có thể thấy biến động lao động trong 10 năm tới của dệt may không đáng kể, chỉ chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, từ cấp độ thấp lên cấp độ cao hơn.

 

Ví dụ, một kỹ sư cơ điện trong lĩnh vực dệt may trước đây chỉ cần biết sửa thiết bị cơ khí đơn thuần thì giờ phải sửa chữa được các thiết bị số hóa.  Nếu trước đây sửa chữa chỉ mang tính dự phòng, bị động thì bây giờ phải dự báo được các nguy cơ dựa trên cơ sở dữ liệu lớn.

 

Hay đối với nhân lực kỹ thuật cao trong ngành may, đòi hỏi người lao động phải biết sử dụng công nghệ sản xuất thông minh như chế tạo cữ dưỡng cho máy lập trình, thiết kế dây chuyền may sử dụng công nghệ số, thiết kế mẫu bằng công nghệ 3D, kiểm soát chất lượng thông minh, điều hành dây chuyền may dạng tế bào ứng dụng công nghệ số...

 

Đối với nhân lực ngành sợi dệt nhuộm, cần sử dụng được hệ thống xử lý ảo trên từng thiết bị và kết nối toàn nhà máy, áp dụng công nghệ nhận dạng RFID và các cảm biến để thu thập và lưu trữ, xử lý thông tin, có khả năng chia sẻ thông tin toàn bộ trên mạng từ nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm...., có kỹ thuật vận hành nhà máy sợi tự động hóa, kỹ thuật sử dụng thiết bị số hóa cao trong thí nghiệm sợi, kỹ thuật dệt 3D và công nghệ in 3D...

 

Ngoài ra, người lao động cần tìm hiểu và làm quen với các vật liệu mới có nhiều tính năng ưu việt, có nguồn gốc tự nhiên, có khả năng tái sinh, an toàn cho sức khỏe, môi trường hay các loại vải được phát triển theo nhu cầu sử dụng đặc biệt....

 

 TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệp Dệt May Hà Nội, thành viên chính thực hiện đề tài chia sẻ thông tin tại Hội thảo

 

Giải pháp đào tạo nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0

 

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển ngành Dệt May Việt Nam giai đoạn 2019-2030 trong bối cảnh CMCN 4.0 là đào tạo nguồn nhân lực. Đề tài đã chỉ ra một số giải pháp đối với hệ thống đào tạo của ngành và Tập đoàn để xây dựng và bồi dưỡng lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu CMCN 4.0:

 

- Mở thêm các ngành đào tạo theo hướng liên ngành để tiếp cận với công nghệ 4.0.

 

- Đào tạo đội ngũ giảng viên về công nghệ 4.0, nhà máy dệt thông minh.

 

- Đầu tư thiết bị đào tạo theo hương cập nhật công nghệ 4.0 như thiết bị tự động, robot...

 

- Tổ chức cho sinh viên từ năm 2 trở đi thực tập công nghệ 4.0 trong và ngoài nước.

 

- Duy trì 2 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may tại phía Bắc và phía Nam.

 

- Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 tham gia xây dựng chuẩn nghề nghiệp, hướng dẫn thực tập.

 

- Đẩy mạnh đào tạo trong công việc tại doanh nghiệp ứng dụng 4.0.

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex, Chủ nhiệm đề tài cho biết CMCN 4.0 không chỉ là sự chuyển đổi về công nghệ, tự động hóa mà còn là sự thay đổi hoàn toàn về môi trường kinh doanh. Sự khác biệt lớn nhất của việc áp dụng công nghệ 4.0 là khả năng truy cập, sử dụng cơ sở dữ liệu liên kết toàn bộ hệ thống trong doanh nghiệp, ngành, quốc gia, thậm chí toàn cầu từ nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm..., đây chính là chìa khóa quan trọng cho các doanh nghiệp đến được với thành công. Nếu vẫn sử dụng những mô hình cũ, công nghệ cũ, doanh nghiệp sẽ đứng ngoài môi trường kinh doanh mới, không được chia sẻ dữ liệu với chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy, muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi theo CMCN 4.0.

 

Chính vì vậy, đề tài "Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Ngành Dệt May Việt Nam nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019-2030" đã được Tập đoàn Dệt May Việt Nam tập trung nghiên cứu, khảo sát một cách kĩ lưỡng, toàn diện, gắn liền với thực tế sản xuất kinh doanh và tình hình lao động của toàn ngành để có được một bức tranh tổng thể của Dệt May Việt Nam trước và trong cuộc CMCN 4.0 với rất nhiều thách thức. Tập đoàn mong rằng với những đóng góp, ý kiến của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tại buổi hội thảo, đề tài sẽ được bổ sung, hoàn thiện, mang lại ý nghĩa thực tiễn cao nhất cho toàn ngành cũng như các doanh nghiệp dệt may trên cả nước trước sự ảnh hưởng của CMCN 4.0.

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

thư viện video thư viện video

Liên kết website Liên kết website