Truy cập nội dung luôn

Tin tức ngành Tin tức ngành

« Quay lại

Giới thiệu sách mới: “Hệ thống thẻ điểm cân bằng – BSC và các chỉ số quản lý chủ chốt cho các doanh nghiệp May Việt Nam”

Chủ biên cuốn sách – Ông Lê Tiến Trường, người công tác trong ngành dệt may gần 24 năm, tham gia công tác quản lý doanh nghiệp (DN) 22 năm từ cấp cơ sở, 14 năm quản lý cấp Tập đoàn luôn trăn trở: "Điều đau đáu nhất trong tôi là làm sao thay đổi được hình ảnh doanh nghiệp dệt may chỉ là thâm dụng lao động, thu nhập thấp, giá trị gia tăng thấp đã in sâu vào lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, cũng như ngay cả trong lực lượng lao động".

 

 

Có nơi nào trên thế giới làm được việc này không? Câu trả lời là có. Ngành dệt may vẫn tồn tại ở Ý, Pháp… với nhiều phân khúc rất đặc biệt. Ngay ở Trung Quốc, với quy mô kinh tế lớn thứ 2 thế giới, GDP bình quân đã trên 10.000 USD/năm thì trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 mới ban hành vẫn có chỗ đứng cho chiến lược dệt may. Tại sao họ làm được? Khác chăng là họ có chiến lược định vị thị trường ngách rõ ràng; hoặc có các sản phẩm sáng tạo, tạo ra nhu cầu mới, hoặc dịch chuyển lên khâu cao hơn của một chuỗi cung ứng mặt hàng tiêu dùng có quy mô lớn nhất thế giới. Những chiến lược này đem lại hiệu quả, doanh thu trên một lao động dệt may tăng lên nhiều lần so với làm may mặc gia công thông thường, qua đó mới có điều kiện để thực hiện chế độ lao động tiên tiến hơn, thoát cảnh thu nhập không hấp dẫn, tạo dựng lực lượng lao động trung thành với ngành.

 

Muốn vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải có chiến lược rõ ràng, tổ chức triển khai thực hiện chiến lược đó và có công cụ theo dõi hàng ngày. Có nhiều công cụ giúp doanh nghiệp làm được việc này, trong đó có Thẻ điểm cân bằng (Balanced Scorecard – BSC). Rất lưu ý, "cân bằng" ở đây là một "cân bằng động" nó sẽ liên tục cần được đổi mới theo hướng đi lên, tạo lập các "cân bằng mới" ở mức cao hơn, nó không phải là một hệ thống đo lường cố định. Kiên định phương pháp: "ĐO LƯỜNG CHỦ ĐỘNG – TRUNG THỰC KHÁCH QUAN – QUYẾT ĐỊNH KỊP THỜI" là khẩu quyết cho quá trình cải tiến liên tục tại doanh nghiệp.

 

Nhiều năm qua, hoạt động quản lý của ngành may đã tạo cho chúng ta một thói quen quan tâm nhất đến các chỉ tiêu tài chính; sau đó là quá trình sản xuất, chi phí sản xuất, chất lượng, năng suất,… và vấn đề cải tiến liên tục; với đặc điểm tỷ trọng sản xuất may gia công cao, nên các nhà quản lý nỗ lực đo lường, cung cấp dữ liệu và đưa ra giải pháp quản trị chủ yếu tập trung vào việc tạo ra chi phí sản xuất thấp nhất.

 

Tuy nhiên, có một thực tế là trong suốt 20 năm qua, giá cả gia công hàng dệt may nếu tính theo USD là gần như không thay đổi nếu không nói là còn có xu thế giảm dần. Việc xuất hiện các quốc gia mới tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may với chi phí thấp hơn Việt Nam; cùng với đó là công nghệ mới đem lại chi phí sản xuất cạnh tranh hơn không phụ thuộc nhiều vào chi phí lao động đã làm cho dư địa của việc kiểm soát và tiết giảm giá thành ngày càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, tìm ra khu vực có thể thực hiện giảm chi phí là công việc cần đi sâu vào từng chi tiết rất nhỏ, theo dõi cả quá trình tương đối dài, có đủ dữ liệu mới tìm ra được giải pháp. Vậy làm thế nào để giải quyết nút thắt này cho các DN may ở Việt Nam?

 

Vai trò của triển khai các mục tiêu chiến lược, đo lường giám sát việc thực hiện định kỳ trở thành công việc thường xuyên, liên tục của nhà quản lý. Chính vì vậy, việc có một hệ thống đo lường đảm bảo phản ánh chân thực hoạt động của DN, cung cấp đủ thông tin cho các quyết định của nhà quản lý là điều kiện cần của các hệ thống quản trị trong DN hiện nay. Điều này đã thôi thúc những người làm sách hệ thống hóa những vấn đề cốt lõi liên quan đến Thẻ điểm cân bằng và hướng dẫn phương pháp triển khai tại các DN may của Việt Nam.

 

Nhóm tác giả gồm các cán bộ quản lý của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Dệt May và cán bộ giảng dạy của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã biên soạn cuốn sách "Hệ thống thẻ điểm cân bằng (BSC) và các chỉ số quản lý chủ chốt cho các DN May Việt Nam". Quan điểm chung là đi từ khâu tiếp cận trực tiếp với khách hàng và có quy mô lớn nhất để hình thành nhanh nhất tư duy quản trị hiện đại, phát triển bền vững trong DN.

 

Cuốn sách ra đời trong thời điểm cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra nên các tác giả đã sử dụng nhiều tư liệu của đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về đánh giá tác động của CMCN lần thứ 4 đối với ngành dệt may Việt Nam, ngoài ra còn kết hợp các cuộc phỏng vấn trực tiếp các nhà quản lý DN may trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nghiên cứu thực tế hệ thống quản lý tại các Tổng Công ty lớn như: May 10, Hoà Thọ, Việt Tiến, Phong Phú, Huế và nhiều DN FDI, DN tư nhân khác.

 

Cùng với đó, phần mềm BSC-KPIs phiên bản 1.0 đã được phát triển nhằm cung cấp cho người đọc công cụ, biểu mẫu hỗ trợ trong việc triển khai BSC, xây dựng KPIs tại cơ sở. Phần mềm cung cấp báo cáo dạng dashboard, qua đó các nhà quản lý DN sẽ biết được mức độ đạt được mục tiêu của từng trụ cột qua đồng hồ công suất, từng KPIs dưới dạng điểm phần trăm (%) và cảnh báo bằng màu sắc nhận diện theo quy chuẩn quốc tế. Mặt khác, phần mềm còn hỗ trợ nhiều tính năng phân tích chi tiết khác theo nhu cầu của người dùng.

 

Với việc cung cấp chủ yếu các nội dung gợi ý để áp dụng, không đặt nặng vấn đề lý thuyết của BSC, cuốn sách được trình bày với mục tiêu giúp các nhà quản trị DN may một khung triển khai tại cơ sở; đồng thời, trang bị tư duy liên tục đổi mới, cập nhật hệ thống chỉ tiêu trong BSC. Các tác giả kỳ vọng cuốn sách sẽ là tài liệu hữu ích cho nhà quản lý ngành may trong quá trình cải tiến liên tục DN của mình.

 

Với 280 trang, sách bao gồm 4 chương, tập trung vào các nội dung chính sau:

 

– Chương 1: Giới thiệu những vấn đề tổng quan về thẻ điểm cân bằng, bản đồ chiến lược và hệ thống chỉ số đo lường hoạt động trong DN.

 

– Chương 2: Trình bày quy trình 7 bước triển khai BSC và các biểu mẫu kèm theo từng bước.

 

– Chương 3: Đi sâu vào phân tích quy trình sản xuất và đặc điểm quản trị ngành may ảnh hưởng đến việc lựa chọn chỉ tiêu đo lường; đồng thời, đưa ra danh sách các chỉ tiêu đo lường chính thường được các DN may sử dụng theo từng trụ cột BSC và từng khâu trong quá trình sản xuất của DN.

 

– Chương 4: Hướng dẫn việc triển khai xây dựng hệ thống BSC tại DN may, từ điều kiện thực hiện cho đến quy trình triển khai từng bước, kèm theo ví dụ cụ thể và hình ảnh minh họa. Bên cạnh đó, khuyến nghị trước một số vấn đề sẽ có thể gặp phải khi triển khai áp dụng tại DN.

 

Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý vị độc giả, các nhà quản lý doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và sinh viên chuyên ngành cuốn sách chuyên sâu về lĩnh vực quản lý trong DN dệt may "Hệ thống thẻ điểm cân bằng (BSC) và các chỉ số quản lý chủ chốt cho các DN May Việt Nam". Sách do Nhà xuất bản Bách Khoa phát hành, dự kiến ra mắt vào ngày 20/10/2021, liên hệ đặt mua sách với Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam, Mr. Quang Nam 0978811092; Email: namcq@vinatex.com.vn.

 

Một số hình ảnh của phần mềm:

 

Giao diện chính của phần mềm

 

Báo cáo tổng hợp

 

Phân tích theo trụ cột BSC

 

Phân tích theo KPIs

 

Theo Vinatex

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

thư viện video thư viện video

Liên kết website Liên kết website