Truy cập nội dung luôn

Tin tức ngành Tin tức ngành

« Quay lại

Bài toán về gói 62.000 tỷ: Kỳ vọng nhiều nhưng người lao động ngành Dệt May không được thụ hưởng

Trong thời gian qua, lao động ngành Dệt May chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Vậy nhưng, việc tiếp cận gói 62.000 tỷ với người lao động ngành Dệt May lại vô cùng "gian nan" bởi những quy định còn cứng nhắc. 

 

Liên tiếp trong thời gian qua, bên cạnh thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh thì những tin tức về gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ người lao động. Quan tâm là phải, bởi dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lên mọi mặt đời sống của xã hội và dễ dàng nhận thấy nhất chính là những bữa ăn được tiết kiệm với chi phí tối thiểu của nhiều gia đình công nhân.

 

Người lao động Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ không tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ.

 

Những kỳ vọng ban đầu

 

Không nằm ngoài nhóm người lao động bị ảnh hưởng, những công nhân ngành Dệt May cũng đặt nhiều kỳ vọng ở gói hỗ trợ này. Chị Nguyễn Thị Sa (Công nhân Nhà máy May Veston, Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ) chia sẻ: "Nghe báo đài thông tin về gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng hy vọng là sẽ bớt một phần nào khó khăn".

 

Là lao động chính của gia đình, vậy nhưng dịch bệnh khiến công việc của chị Sa trong nhiều tháng qua liên tiếp bị ảnh hưởng. Thời gian làm việc giảm, tiền lương giảm, chi phí sinh hoạt, tiền học của các con… cứ "thiếu trước hụt sau", người lao động phải rất vất vả để xoay xở cuộc sống.

 

Không chỉ chị Sa, rất nhiều người lao động ngành Dệt May khác cũng đối mặt với thời điểm khó khăn phải tạm hoãn việc làm, cắt giảm tiền lương,… bởi công ty bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Họ khi được nghe về gói 62.000 tỷ đều mong muốn nó sẽ là "chiếc phao" vượt qua khó khăn. Đối với nhiều doanh nghiệp, gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp người lao động của công ty đảm bảo cuộc sống để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất.

 

Bà Trần Tường Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cho biết: "Gói 62.000 là gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ nhằm giúp người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, không chỉ người lao động mà những doanh nghiệp như chúng tôi cũng có nhiều kỳ vọng. Kỳ vọng ở đây là gói hỗ trợ sẽ đến được với người lao động của công ty để giúp đỡ thêm một phần nào đó đời sống của họ giai đoạn này. Người lao động sẽ yên tâm hơn và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ việc cung cấp các giấy tờ thủ tục để người lao động được nhận gói hỗ trợ".

 

"Không công bằng cho người lao động ngành Dệt May"

 

Kỳ vọng là vậy, song qua thời gian triển khai, gói hỗ trợ đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập nhất là đối với một số lượng lớn người lao động trong ngành Dệt May cũng chịu tác động lớn từ dịch Covid-19.

 

"Tổ trưởng dân phố đi thống kê người lao động trong diện nhận hỗ trợ của gói 62.000 tỷ thì khi đến gia đình tôi, nghe là trong công ty may mặc, ông xua tay bảo không được", chị Sa chia sẻ.

 

Tại sao người lao động ngành Dệt May lại khó tiếp cận với gói hỗ trợ? Theo Điều 4, Chương II của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Quyết định của gói hỗ trợ 62.000 tỷ có đề cập nội dung: "doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, không có doanh thu, hoặc không có nguồn thu tài chính để trả lương cho người lao động"

 

ky vong nhieu nhung nguoi lao dong nganh det may khong duoc thu huong

Bà Trần Tường Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ.

 

 

Trao đổi liên quan đến nội dung này, bà Trần Tường Anh chia sẻ: "Đây là quy định bất hợp lý và không công bằng, phân biệt đối xử với một số doanh nghiệp ngành Dệt May cũng như người lao động. Bởi, một số doanh nghiệp mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thực tế gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng tìm mọi biện pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, cố gắng duy trì hoạt động của doanh nghiệp, chỉ đóng cửa cục bộ một số nhà máy hoặc một số bộ phận, các nhà máy khác trong hệ thống không bị ảnh hưởng vẫn duy trì hoạt động và tạo ra doanh thu chung cho toàn đơn vị".

 

Như vậy, thời điểm dịch bệnh, các doanh nghiệp trong ngành Dệt May gặp khó khăn là điều đã xảy ra, song với đặc thù của ngành may mặc, nhiều doanh nghiệp lựa chọn việc thay đổi các mặt hàng sản xuất để cố gắng vượt qua dịch bệnh.

 

"Nếu theo Quyết định phải là không có doanh thu hoặc không có nguồn thu tài chính thì có nghĩa là doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản. Hay hiểu theo cách khác là hầu hết người lao động của các doanh nghiệp may mặc không thể tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ", bà Anh cho biết.

 

Hơn nữa, việc Nhà nước cho vay 50% lương tối thiểu với điều kiện doanh nghiệp phải trả cho người lao động 50% trước hoặc sau khi giải ngân có thể dẫn đến các doanh nghiệp không thể chi trả nổi mà chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng thất nghiệp. Nếu vậy, hệ lụy là một lượng lớn người lao động sẽ hưởng chính sách này và doanh nghiệp khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất bị mất lao động phải tuyển dụng đào tạo lại rất khó khăn.

 

"Doanh nghiệp chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên làm rõ nội dung và mở đường để tất cả người lao động tại các doanh nghiệp phải nghỉ việc đều có thể tiếp cận gói hỗ trợ này để có thêm chi phí ổn định cuộc sống", bà Anh kiến nghị.

 

Cũng trong thời gian vừa qua, Công đoàn Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ đã luôn đồng hành, sát cánh cùng người lao động và doanh nghiệp vượt khó khăn. "Trong giai đoạn phục hồi sản xuất này, chúng tôi động viên người lao động tích cực để cùng doanh nghiệp vượt qua. Cũng bởi thấu hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải nên nhiều lao động chấp nhận giảm lương, cắt giảm giờ làm để hỗ trợ doanh nghiệp", anh Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch CĐCS Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ chia sẻ.

 

Xuân Hậu

 Tạp chí điện tử Cuocsongantoan.vn

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

thư viện video thư viện video

Liên kết website Liên kết website