Truy cập nội dung luôn

Tin tức ngành Tin tức ngành

« Quay lại

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Vinatex năm Nhâm Dần tiếp tục "mãnh lực vươn lên"

Sáng nay 8/1/2022, tại Tổng Công ty May 10 - CTCP, Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động thi đua năm 2022. Buổi lễ có sự hiện diện của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đ/c Nguyễn Hoàng Anh Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, đ/c Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đ/c Nguyễn Sinh Nhật Tân- Thứ trưởng Bộ Công thương, đ/c Phan Thanh Hà - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước và các đồng chí là lãnh đạo các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.

 

Về phía ngành Dệt May Việt Nam, có đ/c Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, đ/c Lê Tiến Trường - Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đ/c Lê Nho Thướng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cùng đại diện các đơn vị, người lao động thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

 

Đại biểu tham dự buổi lễ

 

Vinatex: Bứt phá từ trong khó khăn

 

Báo cáo với Chủ tịch nước, đ/c Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết: "Tập đoàn không chỉ hoàn thành mục tiêu phục hồi về mức trước đại dịch mà còn vượt xa mục tiêu này cũng như kết quả chung của cả ngành trong khi vẫn đạt mục tiêu giữ vững lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quyết tâm thực hiện được lời dặn cũng như động viên, khích lệ hết sức kịp thời và có ý nghĩa của Chủ tịch nước trong cuộc biểu dương điển hình tiêu biểu vào đầu tháng 8/2021 - giữa lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng ở phía Nam, đó là: "Đất nước phải có nhiều bông hoa đẹp, nhiều ngành vươn lên, nhiều người vươn lên trong lúc khó khăn".

 

Đ/c Lê Tiến Trường báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của ngành và Tập đoàn năm 2021

 

Cụ thể, năm 2021, do dịch bệnh, có những lúc 60.000 công nhân (tương đương 40%) phải tạm nghỉ việc. Tuy nhiên, Tập đoàn đã nỗ lực vượt khó, không để đứt gãy sản xuất và quý 4 đã có 95% lao động trở lại sản xuất. Năm qua, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may vẫn đạt 39 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2020.

 

Trong đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt nhất kể từ khi hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với doanh thu đạt trên 16.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2020 và vượt kế hoạch tới 70%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 8 triệu đồng một tháng.

 

Thành công vượt khó, Tập đoàn đã rút ra được nhiều bài học "thích ứng linh hoạt" để đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh, đó là: (1) Tạo được sự thống nhất ý chí trong toàn thể hơn 150.000 lao động toàn Tập đoàn; (2) Sáng tạo, cụ thể trong cách thức tổ chức phòng dịch ở từng đơn vị. Quyết đoán trong ra quyết định tại các thời điểm quan trọng; (3) Lựa chọn mục tiêu ưu tiên, khách hàng ưu tiên, sản phẩm ưu tiên theo nhiều kịch bản chi tiết; (4) Phát huy sức mạnh từ niềm tin.

 

Trong năm 2022 và cả giai đoạn 2022-2025, trước những yêu cầu mới, sáng tạo chính là yếu tố then chốt trong việc tạo ra sự khác biệt của cá nhân và doanh nghiệp để phát triển năng lực cạnh tranh mới.

 

Tin tưởng rằng với nền tảng vững chắc, những bài học kinh nghiệm có được cùng những mục tiêu chiến lược "trở thành một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói cho ngành dệt may thời trang", giai đoạn 2022-2025 được kỳ vọng sẽ mở ra chặng đường phục hồi và phát triển mới với Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

 

Sự ghi nhận và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

 

Chủ tịch nước ghi nhận Dệt May năm qua là điểm sáng, tấm gương tốt trong sản xuất kinh doanh và phòng chống dịch, đặc biệt là vai trò đầu tàu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam với hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, có nhiều sản phẩm phục vụ phòng chống Covid-19 và nằm trong nhóm doanh nghiệp nhà nước có tỷ suất lợi nhuận cao nhất.  

 

Năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý ngành cần xây dựng bộ quy chuẩn phòng chống Covid-19 và các giải pháp ứng phó với các tình huống khác nhau của dịch bệnh, trong đó tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe và tính mạng của công nhân lao động.  

 

Ngoài ra, cần phải tiếp tục đổi mới sáng tạo, xây dựng và lan tỏa giá trị văn hóa của doanh nghiệp, của ngành, từ đó tiếp tục phát động các phong trào thi đua rèn luyện, đổi mới sáng tạo trong lao động sản xuất, giúp người lao động gắn bó, cống hiến hơn với ngành.

 

Trong các mặt công tác, doanh nghiệp cùng công đoàn cũng cần quan tâm nhiều hơn đến đối tượng lao động nữ để chị em có sức khỏe tốt, đời sống vật chất và tinh thần được đảm bảo, vừa sản xuất hiệu quả, vừa chăm lo tốt cho gia đình.

 

Dịp Tết Nguyên Đán sắp đến, các doanh nghiệp tập trung quan tâm lo Tết cho công nhân, để mọi nhà, mọi người đều có tết vui vẻ, đầm ấm, tiết kiệm và an toàn.

 

Nhân dịp Lễ phát động thi đua, Chủ tịch nước gửi lời thăm hỏi, động viên tới toàn thể người lao động ngành dệt may nói chung và trên 150.000 lao động của Tập đoàn nói riêng. Chúc người lao động an toàn qua dịch bệnh, tin tưởng ở chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, kế hoạch hành động ở doanh nghiệp. Sẵn sàng thi đua sản xuất với năng suất, hiệu quả cao nhất. Giữ vững tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong đội ngũ người lao động dệt may.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm Nhâm Dần 2022 với "mãnh lực vươn lên" của năm con hổ, Tập đoàn và ngành Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục có một năm sản xuất kinh doanh hiệu quả cao.

 

10 đơn vị được Chủ tịch nước khen thưởng trong dịp này

 

Trong dịp này, Chủ tịch nước đã khen thưởng 10 đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2021, đó là:

 

1. Công ty mẹ Tập đoàn Dệt May Việt Nam

 

2. Tổng Công ty May 10 - CTCP

 

3. Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định

 

4. Tổng Công ty CP May Hưng Yên

 

5. Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ

 

6. Công ty CP Dệt May Huế

 

7. Tổng Công ty CP May Việt Tiến

 

8. Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP

 

9. Tổng Công ty CP Phong Phú

 

10. Tổng Công ty Nhà Bè - CTCP

 

Đồng thời Chủ tịch nước  cũng khen thưởng 40 cá nhân tiêu biểu của các đơn vị trong hệ thống.

 

40 cá nhân được Chủ tịch nước khen thưởng

 

Sau buổi lễ, Chủ tịch nước đã đến thăm Phòng truyền thống, thăm nhà máy, trò chuyện, tặng quà Tết cho người lao động khó khăn và trồng cây lưu niệm tại khuôn viên của Tổng Công ty May 10.

 

 

 

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh kỉ niệm cùng đại diện các đơn vị

 

 

NỘI DUNG PHÁT ĐỘNG THI ĐUA NĂM 2022 CỦA TẬP ĐOÀN VÀ CÔNG ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM

 

Năm 2022, với mục tiêu "Trở thành một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang" và "Lấy người lao động làm trọng tâm phát triển", Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Công đoàn Dệt May Việt Nam (Tập đoàn và Công đoàn) thống nhất phát động thi đua với nội dung sau:

 

I. Mục tiêu phấn đấu

 

1. Duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là sức mạnh chuỗi cung ứng trọn gói trong Tập đoàn. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng chung trên 8%, chú trọng chất lượng tăng trưởng qua tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu.

 

2. 100% người lao động (NLĐ) có việc làm. Thu nhập bình quân 8,35 triệu đồng/người/tháng.

 

3. Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, không để xảy cháy nổ, tai nạn lao động gây thiệt hại về người và tài sản.

 

4. Giữ vững quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ; không để xảy ra đình công, lãn công hoặc các vụ việc phức tạp nổi cộm.

 

5. Các đơn vị hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, Tập đoàn và Công đoàn theo luật định.

 

II. Các nhiệm vụ chủ yếu

 

1. Tổ chức triển khai 04 trụ cột về thị trường, quản trị sản xuất, công tác nhân sự, công tác tài chính để xây dựng nền tảng bền vững.

 

2. Thực hiện chuyển đổi số hoạt động cốt lõi để gia tăng cơ hội nâng cao hiệu quả SXKD.

 

3. Tăng cường phúc lợi tập thể, cải thiện điều kiện làm việc, chất lượng đời sống NLĐ. Phối hợp làm tốt công tác an sinh, xã hội và trách nhiệm cộng đồng.

 

4. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa dệt may, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật; nâng cao trình độ, kỹ năng, nghề nghiệp cho NLĐ, đáp ứng các yêu cầu của vị trí việc làm; bồi đắp tình yêu nghề, sự gắn bó hữu cơ, chia sẻ đồng hành giữa cá nhân và tổ chức, giữa mọi thành viên trong hệ thống.

 

5. Hưởng ứng và triển khai hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động của Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp. Đẩy mạnh 5 phong trào lớn: Lao động giỏi; Lao động sáng tạo; Giỏi việc nước, đảm việc nhà; Doanh nghiệp hội nhập và phát triển; Doanh nghiệp vì Người lao động. Duy trì các giải thưởng cấp ngành để động viên, khích lệ tập thể, cá nhân tiêu biểu.

 

 

 

Đ/c Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam phát động thi đua

 

III. Các hoạt động phối hợp năm 2022

 

1. Tổ chức Hội thi Thợ giỏi cấp ngành lần thứ VI.

 

2. Tổ chức Ngày hội Lao động sáng tạo cấp ngành lần thứ III.

 

3. Tổ chức chăm lo tết cho NLĐ.

 

4. Phát động ủng hộ tạo nguồn Quỹ "Xã hội từ thiện" của Tập đoàn và Công đoàn để chăm lo cho NLĐ và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.

 

IV. Các giải thưởng

 

Để động viên, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua năm 2022, Tập đoàn và Công đoàn sẽ xét và trao các giải thưởng lớn cho những đơn vị đạt thành tích đặc biệt xuất sắc theo các chuyên đề sau:

 

- 01 giải thưởng về SXKD hiệu quả

 

- 01 giải thưởng về tập thể lao động giỏi

 

- 01 giải thưởng về tập thể lao động sáng tạo

 

- 01 giải thưởng về quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ

 

- 01 giải thưởng về phát triển tổ chức

 

Giải thưởng cho các chuyên đề trên sẽ do Hội đồng Thi đua khen thưởng của Tập đoàn và Công đoàn xem xét, lựa chọn, quyết định mức thưởng phù hợp với tình hình thực tế và tính chất của các giải thưởng.

 

Ngoài ra, Công đoàn Dệt May Việt Nam xét và trao thưởng cho các đơn vị được công nhận là "Doanh nghiệp vì Người lao động", và trao "Giải thưởng Nguyễn Thị Sen" cho những lao động nữ tiêu biểu năm 2022.

 

Trên cơ sở các mục tiêu phấn đấu, nhiệm vụ chủ yếu, hoạt động phối hợp và các giải thưởng lớn mà Tập đoàn và Công đoàn xây dựng, đề nghị các đơn vị quán triệt sâu sắc, triển khai cụ thể đến đội ngũ CNVCLĐ; đẩy mạnh các phong trào thi đua, với những chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng đơn vị; động viên CNVCLĐ thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên từng vị trí công tác; kịp thời phát hiện các nhân tố mới, các gương điển hình tiên tiến, tuyên truyền, nhân rộng để các phong trào thi đua thực sự lan tỏa, là động lực khơi dậy tinh thần, ý chí phấn đấu ở mỗi cá nhân, đơn vị trong toàn hệ thống.

 

Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam kêu gọi các đơn vị và toàn thể CNVCLĐ ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cả hệ thống trong năm 2022, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của từng đơn vị, của tổ chức công đoàn và toàn ngành trên con đường đổi mới và hội nhập.    

 

 

Ảnh và bài: Vĩnh Hồng

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

thư viện video thư viện video

Liên kết website Liên kết website