Truy cập nội dung luôn

Tin tức ngành Tin tức ngành

Hiệp hội – Công đoàn Dệt May Việt Nam ký Thoả ước Lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam lần thứ V

Sáng nay 14/10/2021, Công đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã ký kết Thoả ước Lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam (TƯLĐTT) lần thứ V. Tham dự có ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ông Lê Nho Thướng – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cùng các ông bà là lãnh đạo Hiệp hội, ủy viên ban thường vụ Công đoàn ngành, các cán bộ, chuyên viên ban chức năng của hai bên.

 

 

Để chuẩn bị cho việc ký kết TƯLĐTT ngành lần thứ V, từ đầu tháng 01/2021, Hiệp hội và Công đoàn Dệt May Việt Nam đã tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Thỏa ước lần thứ IV; chế độ, chính sách cho NLĐ của các đơn vị tham gia; tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành trong năm 2020 và quý 1 năm 2021 đối với hoạt động SXKD của các doanh nghiệp cũng như dự báo tình hình SXKD trong 3 năm sắp tới. Đồng thời, căn cứ vào những thay đổi về chế độ chính sách đối với người lao động sau khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 và một số Nghị định hướng dẫn thi hành, hai bên đã đề xuất các nội dung thương lượng TƯLĐTT ngành lần thứ V.

 

Cụ thể, ngày 22/4/2021, Công đoàn Dệt May đã gửi Dự thảo TƯLĐTT ngành lần thứ V cho Hiệp hội Dệt May Việt Nam. Nhận được các nội dung đề xuất, trước khi tổ chức phiên làm việc chính thức, 2 bên đã trao đổi về những ý kiến điều chỉnh của Hiệp hội về một số nội dung trong dự thảo để sơ bộ thống nhất giữa 2 bên.

 

Sau 03 phiên thương lượng (bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến), hai bên đã thống nhất các nội dung sau:

 

- Về mức lương tổi thiểu: đảm bảo mức thu nhập tối thiểu bằng mức lương tối thiểu từng vùng nhân hệ số 1,14;

 

- Về mức ăn giữa ca: Tăng 2000 đồng/vùng. Cụ thể: Vùng 1: 16.000 đồng; Vùng 2: 15.000 đồng; Vùng 3: 14.000 đồng và Vùng 4: 13.000 đồng;

 

- Quy định cụ thể mức tối thiểu cho một số chế độ dành cho người lao động như sau:

 

+ Chi mừng người lao động kết hôn; mức tối thiểu 200.000 đồng/người;

 

+ Chi phúng viếng người lao động mất tối thiểu: 500.000 đồng;

 

+ Chi phúng viếng cha mẹ (cả bên vợ và bên chồng), vợ hoặc chồng, con của người lao động mất: mức tối thiểu 200.000 đồng;

 

+ Chi hỗ trợ NLĐ, gia đình NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn; mức tối thiểu 200.000 đồng/người/lần;

 

- Về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi:

 

+ Hằng năm, khuyến khích doanh nghiệp dành ít nhất 08 giờ để NLĐ được tham gia học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật do tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở hoặc cấp trên tổ chức;

 

+ Trong mỗi ca sản xuất (đối với NLĐ làm việc theo ca) hoặc trong ngày làm việc (đối với NLĐ làm việc theo giờ hành chính); ngoài thời gian nghỉ giữa giờ, doanh nghiệp bố trí thời gian nghỉ ngắn tập trung từ 5-10 phút để NLĐ giải lao tại chỗ. Thời gian này NSDLĐ hoặc tổ chức đại diện NLĐ có thể hướng dẫn NLĐ tập thể dục hoặc các hoạt động thư giãn khác;

 

- Về khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng một số chế độ: bổ sung thêm nội dụng "lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc phục vụ nhu cầu vắt trữ sữa của lao động nữ đang nuôi con nhỏ"; Khuyến khích các doanh nghiệp có hình thức hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật cho lao động nữ ngoài các ưu đãi đã được quy định tại khoản 4, Điều 137, BLLĐ 2019;

 

Sau cuộc họp thương lượng, các bộ phận chức năng của Hiệp hội và Công đoàn Dệt May Việt Nam đã thông báo và lấy ý kiến của người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở của các đơn vị vào Dự thảo TƯLĐTT ngành lần thứ V theo quy định. Tính đến ngày 10/7/2021 đã có 76 doanh nghiệp và 76 công đoàn cơ sở gửi giấy ủy quyền và đăng ký tham gia ký kết TƯLĐTT ngành Dệt May lần thứ V, chiếm tỷ lệ trên 64%). Theo quy định tại khoản 2 Điều 76 BLLĐ năm 2019 "TƯLĐTT ngành chỉ được ký kết khi có trên 50% tổng số người được lấy ý kiến biểu quyết tán thành", thì TƯLĐTT ngành lần thứ V đã đủ điều kiện ký kết.

 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May đánh giá cao vai trò và ý nghĩa của TƯLĐTT ngành, cho rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng khi các đối tác, khách hàng muốn đánh giá hay làm việc với DN dệt may Việt Nam. Đồng thời khi xảy sự cố tranh chấp giữa DN và NLĐ, TƯLĐTT ngành chính là cơ sở pháp lý quan trọng để xem xét giải quyết.  

 

Dệt May là ngành đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại có TƯLĐTT cấp ngành. Trài qua 5 lần ký kết, Thỏa ước đã có nhiều điều khoản thương lượng mới, cập nhật phù hợp với sự phát triển và điều kiện thực tế của ngành, doanh nghiệp, cũng như đảm bảo nhiều quyền lợi và lợi ích hơn nữa cho người lao động.

 

VH

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

thư viện video thư viện video

Liên kết website Liên kết website