Truy cập nội dung luôn

Tin nổi bật Tin nổi bật

« Quay lại

Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội: Cơ hội và thách thức trong công tác tuyển sinh - đào tạo

Năm 2020 mở ra với rất nhiều kỳ vọng khi nền kinh tế Việt Nam trong đó có ngành dệt may đã tăng trưởng tốt trong năm 2019. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid- 19, tựa một cơn đại hồng thủy, đột ngột xuất hiện đã càn quét qua hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các nền kinh tế, Việt Nam và ngành dệt may không phải ngoại lệ. Là một đơn vị sự nghiệp trong ngành, có đặc thù vừa đào tạo, vừa sản xuất, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, bên cạnh một số thuận lợi thì khó khăn phía trước là bộn bề.

 

 

Những cơ hội ít ỏi...

 

Năm 2020 là năm mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, tạo điều kiện thuận lợi cho  xuất khấu hàng dệt may Việt Nam tăng trưởng cao. Đây sẽ là một trong những yếu tố thu hút học viên đăng ký dự tuyển, ứng tuyển vào khối ngành may, thời trang.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mở ra cho nhà trường cơ hội đào tạo trong các lĩnh vực đòi hỏi khả năng làm chủ thiết bị, vật liệu và công nghệ mới, để đáp ứng với nhu cầu hiện nay.

 

Luật giáo dục đại học tiếp tục thúc đẩy chính sách tự chủ, giao nhiều quyền hơn cho các trường đại học, khuyến khích việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; quan tâm phát triển năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng mềm; cho phép tính đủ chi phí đào tạo; khắc phục các bất cập, xây dựng bộ khung pháp lý vững chắc, cởi mở..., để hệ thống các trường đại học có điều kiện phát triển và nâng tầm. Trong những năm qua, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã phát huy rất tốt cơ chế này, đã thành công trong việc tạo dựng uy tín là một trong những cơ sở đào tạo dệt may thời trang hàng đầu cả nước.

 

...Và rất nhiều những thách thức

 

Ảnh hưởng của dịch Covid- 19 tới ngành dệt may toàn cầu, trong đó có Dệt May Việt Nam là rất lớn. Sự giảm sút về đơn hàng, thiếu việc làm, thu nhập giảm đã gây trở ngại tâm lý và tác động tiêu cực đến quyết định chọn ngành nghề của học viên. Điều này  khiến công tác tuyển sinh của Trường  vốn đã khó khănbởi xu thế giảm lao động của các doanh nghiệp dệt may tại các thành phố lớn thì nay càng trở nên khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi phải có những giải  pháp hữu hiệu để duy trì lực lượng lao động, đồng thời, tạo động lực, thu hút thí sinh đăng ký tuyển sinh vào Trường.

 

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng khiến cho thị trường nhân lực ngành dệt may ngày càng đòi hỏi khắt khen hơn, tạo áp lực lên công tác đào tạo, cần phải có ngay những thay đổi nhanh chóng để thích ứng.

 

Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội đang có kế hoạch yêu cầu các trường đại học giảm dần hệ cao đẳng, nên trường phải tìm ra giải pháp khả thi để duy trì hình thức này, đồng thời chủ động chuẩn bị cho xu hướng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và nhà nước. Đây sẽ là xu thế tất yếu, cần phải chuẩn bị để triển khai thực hiện.

 

Các ngành nghề đã thành thương hiệu, vốn hấp dẫn nhiều thí sinh của Trường như Công nghệ may, Thiết kế thời trang, tình hình tuyển sinh đang có dấu hiệu đi xuống, đòi hỏi Ban Giám hiệu cùng các giảng viên nhà trường phải nghiên cứu, khai thác hướng đào tạo mới của những ngành này, cũng như phát triển thêm ngành mới, để duy trì số lượng tuyển sinh hằng năm. Tuy nhiên, các ngành mới mở vẫn chưa tạo dựng được uy tín, gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.

 

Các giải pháp cấp bách và lâu dài

 

Việc tuyển sinh tại các thành phố lớn và vùng lân cận ngày càng khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường sẽ mở rộng địa bàn tuyển sinh đến Hải Phòng, Quảng Ninh và một số tỉnh vùng sâu, vùng xa như Sơn La, Lai Châu...

 

Phối hợp linh hoạt cả hai hình thức tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến, qua website của Trường và các trang mạng xã hội như facebook, zalo...Nâng cao trình độ công nghệ thông tin từ cán bộ làm công tác đào tạo cho đến các giảng viên,  nhằmđáp ứng được yêu cầu trước mắt là đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19, dần nâng lên thành xu hướng đào tạo dài hạn.

 

Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tuyên truyền, giải đáp về công tác tuyển sinh; chủ động tìm hiểu nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp để nhanh chóng tiếp cận và thích ứng. Tích cực tìm nguồn tuyển sinh cao đẳng từ các đơn vị trong ngành.

 

Hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, để "biến" doanh nghiệp thành trường đào tạo thực tế sau khi sinh viên đã tốt nghiệp và đi làm.

 

Cải tiến hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho thật phù hợp, hiệu quả, tạo điều kiện cho người học có thể học tập linh hoạt trong mọi hoàn cảnh.

 

Cải thiện cơ chế, chính sách, để có những đãi ngộ xứng đáng nhằm thu hút những người có năng lực vào làm giảng viên. Tạo điều kiện tối đa để các giảng viên được học lấy bằng thạc sĩ, tiến sỹ chuyên ngành dệt may. Từ đó, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, giảng viên, yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo và vị thế của một trường đại học.

 

Đẩy mạnh việc đổi mới chương trình đào tạo và phương thức đào tạo các ngành nghề chiếm ưu thế, gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, theo điều kiện xuất khẩu của các doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn của cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Tăng cường vai trò giám sát, đôn đốc, đánh giá ở tất cả các khâu then chốt, nhằm ngày một nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo. Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá trình độ, năng lực, trách nhiệm... của cán bộ quản lý cấp phòng ban, đặc biệt những bộ phận có liên quan trực tiếp tới đào tạo, nhằm giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.

 

 Xây dựng mạng lưới thông tin để cập nhật dự liệu tuyển sinh, đào tạo và tốt nghiệp. Từ đó, sẽ nắm được thông tin chính xác về số sinh viên ra trường có việc làm, mức thu nhập trung bình, hiệu quả đào tạo của từng ngành nghề. Qua đấy, sẽ có những điều chỉnh thích hợp cho những năm tiếp theo.

 

Trong bối cảnh được dự báo là sẽ còn rất nhiều khó khăn, ít nhất là trong năm 2020, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến rất khó lường, nghề dệt may lại chưa phải là một ngành nghề có sức hấp dẫn với các thí sinh, nhưng với tinh thần chủ động, quyết liệt, sẵn sàng thay đổi để thích ứng trong mọi hoàn cảnh, sự vào cuộc của tất cả cán bộ, giảng viên và đặc biệt là Ban Giám hiệu nhà trường, chúng ta có một niềm tin sâu sắc rằng, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ vững vàng vượt qua mọi thách thức, nhanh chóng nắm bắt cơ hội, dù là ít ỏi, để đạt được những kết quả tích cực trong công tác tuyển sinh và đào tạo, khẳng định được vị thế của một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu của ngành Dệt May Việt Nam./

 

                                                                        Nguyễn Thị Thu Hương

(Nguồn: Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội)

 

 

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo, chỉ đạo Thông báo, chỉ đạo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website