Truy cập nội dung luôn

Tin nổi bật Tin nổi bật

« Quay lại

Giải pháp an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số

Công nghệ số đã mang đến cho xã hội nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng mang lại những tác động tiêu cực, đặc biệt đối với trẻ em nếu thiếu đi sự giám sát, hướng dẫn của người lớn.

 

Trẻ em hiện nay có điều kiện tiếp xúc với công nghệ sớm và dễ dàng. Các thiết bị số như điện thoại di động, iPad, máy vi tính, TV kỹ thuật số, máy chơi trò chơi điện tử... đều dễ tìm thấy tại nhà riêng, khu vui chơi giải trí hay tại các quán Internet. Nếu cha mẹ thiếu quan tâm, trẻ em rất dễ bị phụ thuộc và ảnh hưởng tiêu cực bởi các thiết bị này.

 

Dệt May là ngành đông lao động với trên 2 triệu người, trong đó trên 70% là nữ giới, độ tuổi trung bình ở mức 30 tuổi. Đây là độ tuổi có con chưa trưởng thành, đang cần sự chăm sóc, dạy bảo, định hướng từ cha mẹ, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên thời gian làm việc của người lao động Dệt May kéo dài, thường xuyên tăng ca. Hơn nữa, họ thường là lao động nhập cư, con cái hoặc gửi ông bà ở quê hoặc gửi trẻ gần chỗ ở; trình độ, hiểu biết về công nghệ còn hạn chế. Vì thế thời gian dành cho con cái thường ít hơn các ngành nghề khác, trình độ để giám sát, quản lý con khi sử dụng công nghệ cũng không bằng.

 

 

Với đặc điểm như vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ gửi đến độc giả một số tác động tích cực, tiêu cực và giải pháp an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số.

 

Lợi ích của công nghệ số

 

Không thể phủ nhận sự tiến bộ của công nghệ hiện nay đã mang đến nhiều lợi ích cho trẻ. Cụ thể, các thiết bị số giúp trẻ tiếp cận gần hơn với những thành tựu công nghệ của nhân loại, là cơ sở tốt để phát triển khả năng tư duy và sáng tạo cho trẻ trong quá trình học tập, vui chơi. Thiết bị công nghệ còn mang đến cho trẻ công cụ học tập và giải trí sáng tạo, đa dạng, cuốn hút, giúp tăng cường chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, tiếp xúc với công nghệ giúp chuẩn bị cho trẻ một tương lai không bị lỗi thời so với xu thế. Nhờ đó, trẻ được khuyến khích và kích thích để học tập hiệu quả hơn, có nhiều ý tưởng mới và tốt hơn.

 

Tác động tiêu cực của công nghệ số

 

Công nghệ đem đến nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng chúng ta cũng nhận thấy công nghệ cũng mang lại một số tiêu cực không mong muốn mà chính người lớn cần giám sát, giải thích cặn kẽ để giúp trẻ có cái nhìn đúng đắn.

 

Ảnh hưởng đến sức khỏe: Trẻ em dành nhiều thời gian xem truyền hình, chơi video game, sử dụng máy tính liên tục, dành ít thời gian tập thể dục sẽ có nguy cơ béo phì, trầm cảm, tự kỷ... các bệnh này không những tốn kém để điều trị mà còn hết sức nguy hiểm khi tuổi đời các em còn quá nhỏ.

 

Ảnh hưởng về tư duy: Nếu quá phụ thuộc quá nhiều vào các thông tin có sẵn trên mạng, các em dễ trở nên phụ thuộc, thụ động trong suy nghĩ. Ngoài ra, nếu lạm dụng các ứng dụng giải trí quá mức sẽ làm trẻ lơ là việc học tập, sinh hoạt kém điều độ. Điều này khiến kết quả học tập giảm sút, tư duy kém nhạy bén.

 

Ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ gia đình, xã hội: Hầu hết cha mẹ có ít thời gian dành cho con cái vì sau một ngày làm việc vất vả, cha mẹ lại phải làm các công việc nhà. Vì vậy,  trẻ thường thoải mái chơi game, xem truyền hình, chat với bạn bè trên facebook... Dần dần chúng cảm thấy không thể thiếu và rời xa những thói quen này, từ đó nhu cầu gần gũi, trò chuyện với bố mẹ sẽ dần mất đi. Điều này cũng tương tự đối với các kĩ năng xã hội, khi trẻ quá lạm dụng việc giao tiếp thông qua mạng Internet thì việc giao tiếp trực tiếp trong xã hội trở nên rất khó khăn. Hậu quả là trẻ sống tách biệt, thiếu kĩ năng ứng xử, dễ dẫn đến cô đơn, trầm cảm, suy nghĩ lệch lạc.

 

Rủi ro đến từ Internet: Trẻ em sử dụng internet thường xuyên nhưng lại không có đủ kiến thức để phòng tránh các mối nguy hiểm trên internet. Hiện nay có rất nhiều nội dung dành cho đại bộ phận người trưởng thành, tuy nhiên, trẻ chỉ cần"Google" là có thể truy cập các nội dung này. Các hành vi nguy cơ như sử dụng ma túy, uống rượu, quan hệ tình dục, bạo lực... lan tràn trên mạng sẽ khiến trẻ nghĩ rằng đó là bình thường, chúng sẽ bắt chước và học đòi theo. Hơn thế, trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của các tệ nạn trên mạng như lừa đảo, lạm dụng... có thể gây ra hậu quả khôn lường về tinh thần lẫn thể chất của các em.

 

Giải pháp an toàn cho trẻ trong thế giới công nghệ số

 

Như đã nói ở trên, mặc dù các bậc cha mẹ rất bận rộn với công việc, đặc biệt là các nhóm nghề như dệt may, tuy nhiên trước những nguy cơ cũng như tác động tiêu cực của công nghệ số, cha mẹ cần có những giải pháp nhằm cân bằng việc sử dụng công nghệ của trẻ em, cụ thể:

 

Cha mẹ cần lập thời khóa biểu sử dụng công nghệ số một cách rõ ràng và phù hợp cho trẻ; đồng thời phải giám sát, hướng dẫn trẻ thực hiện nghiêm túc thời khóa biểu này.

 

Luôn dành thời gian cùng trẻ sử dụng mạng Internet (dù trong học tập hay giải trí), cùng trẻ tìm hiểu những kiến thức mới, giải thích cho trẻ những điều hay, lẽ phải.

 

Hãy nhờ đến người có chuyên môn hoặc nhân viên kĩ thuật để chặn các ứng dụng, nội dung thông tin không phù hợp với trẻ. Thường xuyên theo dõi lịch sử truy cập của trẻ.

 

Mang đến cho trẻ những sự lựa chọn thay thế. Ví dụ, nếu trẻ đòi hỏi chơi game hay điện thoại, iPad … hãy mang đến cho trẻ sự lựa chọn  khác như ra ngoài vận động, chơi cùng các bạn khác hoặc đọc sách, xếp lego, chơi chơi trò thực tế...

 

Coi việc sử dụng thiết bị công nghệ như một giải thưởng. Xác định với trẻ rằng nếu con chăm ngoan học tập, rèn luyện thể dục thể thao đúng giờ, chịu khó làm việc nhà thì trẻ sẽ được sử dụng công nghệ trong một thời gian nhất định, nếu không sẽ phạt. 

 

Hãy là tấm gương.Trẻ con học hỏi từ người lớn bằng hành động chứ không phải lời nói.  Vì thế cha mẹ hãy làm gương cho trẻ nhỏ bằng cách cách ly khỏi các thiết bị điện tử khi ở nhà với con. Hãy trò chuyện với các con, chơi với chúng, khuyến khích chúng sáng tạo và hoạt động.

 

***

 

Chìa khóa để cân bằng những tác động tích cực và tiêu cực của công nghệ đối với trẻ em là sự điều độ. Nếu cha mẹ cho phép con cái của mình sử dụng tốt, khai thác tối đa kỹ năng của trẻ và tiếp thu những lợi ích của công nghệ đồng thời giảm thiểu tiếp xúc với các mặt chưa tốt của công nghệ thì đó là một điều tuyệt vời trong việc nuôi dạy trẻ.

 

Hồ Hằng

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo, chỉ đạo Thông báo, chỉ đạo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website