Truy cập nội dung luôn

Tin nổi bật Tin nổi bật

« Quay lại

Vinatex tổ chức sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, cung ứng cho thị trường với mức giá bình ổn

Sáng ngày 03/02 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam dưới sự chủ trì của ông Lê Tiến Trường – TV. HĐQT, TGĐ Tập đoàn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác phòng chống dịch Corona (nCoV) tới Lãnh đạo các đơn vị thành viên (ĐVTV) và CBCNV trong Tập đoàn tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP. HCM. Đây là cuộc họp trực tuyến toàn quốc đầu tiên sau 2 điện khẩn chỉ đạo hoạt động chống dịch từ ngày 29.1 (mồng 5 Tết).  Đồng thời, lãnh đạo Tập đoàn cũng đã gặp gỡ một số cơ quan báo chí Trung ương để công bố một số chương trình của Tập đoàn và các ĐVTV trong việc triển khai sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, cũng như cấp phát miễn phí tại một số địa phương có các DN Tập đoàn trú đóng.

 

Toàn cảnh Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch Corona (nCoV) tại điểm cầu Hà Nội

 

Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch nCoV tới lãnh đạo các ĐVTV tại 2 điểm cầu, đ/c Lê Tiến Trường nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch cho người lao động. Với khoảng 3 triệu lao động toàn ngành, đồng thời môi trường làm việc tập trung tại các Nhà máy, Dệt May là một trong những ngành có nguy cơ cao nhất trong những nhóm ngành dễ lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, nhận thức của một số lãnh đạo DN còn chưa thật đầy đủ đối với diễn biến tình hình dịch bệnh để có các biện pháp phòng chống cho NLĐ. "Nếu có công nhân, NLĐ bị nhiễm bệnh, toàn bộ Nhà máy sẽ bị cách ly, cô lập, có thể sẽ phải ngừng sản xuất. Do đó, đây không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ chính trị, mà nó chính là nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh. Lo cho từng CBCNV-NLĐ là lo cho Nhà máy của mình. Nếu bị dừng sản xuất, chúng ta có khả năng bị khách hàng phạt tiến độ. Đặt giả sử một xưởng có một CN mắc bệnh, chỉ cần 2 tuần, chúng ta có nguy cơ mất toàn bộ hiệu quả của cả năm 2020 đối với ngành May. Chính vì thế, tôi đề nghị các đồng chí không chủ quan, quan tâm đến phòng ngừa dịch bệnh tại chính DN của mình. Đối với các DN lớn trong Tập đoàn như: May 10, May Hưng Yên, Hanosimex, Đức Giang… còn phía Nam là Việt Tiến, Phong Phú, Nhà Bè… dù rằng áp lực không bằng các DN miền Bắc, nhưng nguy cơ không phải là nhỏ.". Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

 

Ông Lê Tiến Trường – TGĐ Vinatex nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch Corona tới lãnh đạo các đơn vị thành viên tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

 

Do đó, Lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu một số nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới để phòng chống dịch bệnh, không làm gián đoạn tới các hoạt động SXKD. Thứ nhất, người đứng đầu các đơn vị sẽ đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch, nhất là các DN thuộc ngành May có lượng lao động lớn. Thứ hai, các DN phải trang bị đầy đủ khẩu trang, dụng cụ vệ sinh cho NLĐ tại các khu vực. Đồng thời siết chặt quản lý về thực phẩm, nhà ăn trong thời kỳ mưa ẩm tại miền Bắc, thực phẩm sau Tết khan hiếm, giá cả leo thang. Thứ ba, đối với hệ thống y tế trực thuộc Tập đoàn và các đơn vị, Bệnh viện Dệt May phải chủ trì, cũng như hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống của Tập đoàn các công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu vực, có biện pháp đo, kiểm tra thân nhiệt đầu giờ làm việc, nhất là đối với các DN May, tránh tình trạng CN đã "ủ bệnh" tới làm việc. Thêm vào đó, hỗ trợ các DN về các dụng cụ, thiết bị y tế khi gặp phải tình trạng khan hiếm, khó khăn ngoài thị trường, không được để cho CN thiếu nước rửa tay, khẩu trang, trước hết là các đơn vị phía Bắc.

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, TGĐ Tập đoàn đã gặp gỡ một số cơ quan báo chí Trung ương để thông tin về nhiệm vụ Chính phủ giao cho Tập đoàn về việc sản xuất một số mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn để cung ứng cho thị trường với giá bình ổn, tránh tình trạng khan hiếm, đầu cơ nhằm trục lợi của một số Nhà thuốc, đơn vị cung ứng khẩu trang y tế như thời gian vừa qua.

 

Ông Lê Tiến Trường gặp gỡ một số cơ quan báo chí Trung ương tại Hà Nội về công tác triển khai sản xuất khẩu trang kháng khuẩn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên

 

Theo ông Lê Tiến Trường, ngay khi được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong những ngày cuối tuần sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Tập đoàn đã có điện khẩn gửi các đơn vị thành viên, nhất là 2 đơn vị Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân và TCT May Đồng Nai – CTCP. Với Dệt kim Đông Xuân là sản xuất vải dệt kim khảng khuẩn, còn May Đồng Nai là sản xuất vải không dệt kháng khuẩn để cung ứng cho một số đơn vị ngành May như: May 10, May Hưng Yên, Việt Tiến, Dệt May Huế, Dệt May Hòa Thọ, Hanosimex,… để sản xuất các loại khẩu trang kháng khuẩn.

Theo lãnh đạo Tập đoàn, từ trước tới nay Tập đoàn và các ĐVTV sản xuất các mặt hàng chính không phải là khẩu trang, nhưng do yêu cầu cấp bách và chỉ đạo của Chính phủ, nên các DN thành viên đã tổ chức thiết kế, xây dựng quy trình may, cũng như đào tạo công nhân, triển khai quy trình sản xuất, sử dụng 1 số chuyền may để sản xuất khẩu trang. Những ngày đầu, do là mặt hàng mới, nên mỗi công nhân chỉ sản xuất trung bình được khoảng 100 sản phẩm/ngày, tuy nhiên đến nay đã nâng được công suất lên 300 – 400 sản phẩm/người/ngày. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ cung ứng được ra thị trường từ 300 – 400 nghìn sản phẩm/ngày, và phục vụ ngay tại địa phương, những nơi mà DN trú đóng. Cũng theo ông Lê Tiến Trường, mặc dù thời điểm này là cao điểm sản xuất cho các đơn hàng Hè Thu năm 2020, nhưng với trách nhiệm xã hội, nhiều DN đã phải bố trí lại, ưu tiên năng lực để sản xuất ra một mặt hàng hoàn toàn mới là khẩu trang.

 

Lãnh đạo Tập đoàn giới thiệu khẩu trang dệt kim kháng khuẩn của Đông Xuân tới các phóng viên, Nhà báo

 

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Tập đoàn và các ĐVTV cũng sẽ phát miễn phí gần nửa triệu khẩu trang cho các địa phương nơi có DN trú đóng, cụ thể: Tập đoàn sẽ phát 100 nghìn khẩu trang; Hanosimex 40 nghìn; TCT May Hưng Yên 50 nghìn; May 10 sẽ phát 50 nghìn; Dệt May Huế phát trên địa bàn Thừa Thiên Huế và Quảng Bình 60.000 sản phẩm; Dệt May Hòa Thọ phát trên địa bàn Đà Nẵng 50 nghìn; May Đồng Nai 100 nghìn sản phẩm. Đồng thời, Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã có chỉ đạo cho Dệt kim Đông Xuân và May Đồng Nai dồn lực sản xuất 2 mặt hàng vải chủ đạo là vải Dệt kim kháng khuẩn và vải không dệt kháng khuẩn để cung cấp cho các đơn vị ngành May. Dự kiến công suất tối đa của Dệt kim Đông Xuân sẽ đủ cung cấp cho 300 – 400 nghìn sản phẩm/ngày, còn đối với May Đồng Nai sẽ đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường vải không dệt kháng khuẩn dùng cho may sản phẩm khẩu trang dùng 1 lần.

 

Quang Nam

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo, chỉ đạo Thông báo, chỉ đạo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website