Truy cập nội dung luôn

Tin nổi bật Tin nổi bật

« Quay lại

Căn phòng có ô cửa sổ màu xanh

Đã 37 năm rồi, mỗi khi có việc đi qua con phố Quang Trung -Bông Thợ Nhuộm, tôi lại ngước nhìn lên căn phòng ở tầng 2 của ngôi biệt thự cổ. Căn phòng có hai cánh cửa sổ màu xanh lá nổi bật trên nền bức tường sơn màu vàng nhạt, bao lâu nay, luôn đóng im lìm. Vậy mà lần nào cũng thế, cho dù có đương vội đi, tôi cũng sẽ nhìn lên, dù chỉ trong thoáng chốc...

 

Tưởng chừng như hai cánh cửa sổ nhuốm màu thời gian sẽ đột ngột mở tung và những gương mặt thiếu nữ 17- 18 tuổi tươi xinh, rạng ngời, đầy sức sống của bạn bè tôi sẽ hiện ra, từ trong ký ức thăm thẳm...

 

"Vương quốc" 12I

 

Năm 1982, khóa chuyên Văn đầu tiên của Thành phố Hà Nội ra đời tại Trường THPT Việt Đức.

 

Lũ trò học văn ngơ ngác chúng tôi vốn được tập hợp lại chủ yếu từ lớp chuyên Văn của các Trường THCS Trưng Vương, Chu Văn Ăn, Trưng Nhị, trải qua một kỳ thi,  rồi tới với ngôi trường nằm trên con phố Lý Thường Kiệt rợp bóng những hàng cây phượng vĩ và râm ran tiếng ve kêu mỗi độ hè về.

 

Trường THPT Việt Đức có 2 lớp chuyên: chuyên Lý và chuyên Văn. Chúng tôi được "ưu ái" dành cho một tòa nhà 2 tầng, biệt lập ở góc trong cùng ngôi trường.

 

Một góc trường Việt Đức hôm nay

 

Gọi là tòa nhà cho nó oai chứ thực chất, trước đây là nơi đặt phòng thí nghiệm và nhà xưởng. Hồi ấy, nơi này rất cũ kỹ và xập xệ, do trường Việt Đức vốn là trường dòng, được xây cất từ năm 1897 với kiến trúc đặc trưng của Pháp: hệ cửa có vòm hình bán nguyệt và rất nhiều phào nổi, lõm chạy quanh các bức tường.

 

Đứng từ ngoài nhìn vào thì tòa nhà trông không đến nỗi tệ nhưng ở bên trong, vách ngăn các phòng đã mục vỡ, đổ nát. Lớp chuyên Lý học dưới tầng 1 còn lũ chuyên "Ăn" chúng tôi ở trên tầng 2, trong căn phòng cuối dãy, có các cửa sổ nhìn xuống góc phố Quang Trung- Hàng Bông Thợ Nhuộm.

 

Không hiểu nhà trường có ý gì khi bố trí lớp Văn ở tầng 2, nhưng cho dù lớp Lý được ở ngay dưới tầng 1, không phải đi lên cái cầu thang gỗ ọp ẹp, kêu cót két dưới mỗi bước chân và nếu gặp hôm mưa gió, tối trời thì thật sợ chết khiếp, chúng tôi vẫn thấy mình sướng hơn lớp Lý nhiều.

 

Từ cửa sổ lớp học, chúng tôi nhìn thấy những cây cơm nguội già nua mốc thếch trên phố Quang Trung đầu những năm 80 thưa vắng người qua lại. Con phố Thợ Nhuộm nhỏ hẹp, yên tĩnh nhưng vẫn ẩn giấu đằng sau, vẻ sang trọng kín đáo với những biệt thự kín cổng cao tường và hàng bằng lằng tím ngát.

 

 

Cứ mỗi độ cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi lũ chúng tôi vừa bù đầu với các kỳ thi cuối năm vừa háo hức mong chờ 3 tháng hè đang tới thật gần thì bằng lăng lại nở hoa.

 

Sáng sớm đến lớp, vừa đẩy nhẹ cánh cửa sổ, nghe sương đêm hãy còn đọng ẩm cả các chớp nan gỗ, thì trái tim thiếu nữ mộng mơ như bỗng thắt lại, khi ngay dưới cửa sổ, rất gần, tưởng chừng có thể đưa tay ra mà chạm vào, cả một con phố nhỏ bồng bềnh sắc tím ngăn ngắt, nổi bật bên cành lá non tơ, xanh mướt...

 

Lũ trò chúng tôi đặt cho nơi ấy một cái tên thật mỹ miều: "Vương quốc 12I"!

 

Thày tôi

 

Nếu như hồi học THCS, lớp chúng tôi còn có được 2 "bạch mã công tử" thì suốt 3 năm THPT, lớp Văn chỉ có mỗi 21 cô nàng, đến từ khắp các quận, huyện nội, ngoại thành của Hà Nội nên gia cảnh, tính cách, đến cả hình dáng cũng có nhiều sự khác biệt.

 

"Cai trị" cái lũ nhõng nhẽo, khó chiều, nhiều tâm trạng ấy là một "ông già" gày gò trong bộ quần áo bộ đội, nước da sậm màu, trên tay luôn có điếu thuốc lá cuốn và đôi chân đi dép lốp. Thày Vũ Xuân Túc.

 

Lần đầu tiên được diện kiến thày, các cô gái lòng đang thầm tưởng tượng sẽ có một thày giáo trẻ tuổi, sơ mi trắng là thẳng nếp, mắt sáng ngời và giọng nói truyền cảm, lên bổng xuống trầm..., thấy thất vọng tràn trề!

 

Hình dáng khắc khổ, giọng nói hơi khê (chắc do hút rất nhiều thuốc lá) của thày khiến chúng tôi không có những ấn tượng lung linh lắm về thầy . Nói chung là chán toàn tập!

 

Thày bảo, đây là lớp chuyên Văn đầu tiên của thày nên chưa có nhiều kinh nghiệm, các em phải hỗ trợ, giúp thày để thày trò cùng hoàn thành nhiệm vụ.

 

Mấy cô nàng liếc nhìn nhau, chẳng ai bảo ai mà tự nhiên cùng ngồi thẳng lưng, ưỡn ngực, thấy mình bỗng thêm vài phần quan trọng!

 

Rồi tiết học Văn đầu tiên cũng tới trong không khí khá hờ hững của đám học trò. Nhưng tất cả bỗng thay đổi nhanh chóng khi thày bắt đầu bài giảng.

 

Đằng sau cái vẻ khắc khổ, rất đỗi khiêm nhường, giản dị ấy là một khối kiến thức văn học đồ sộ. Chúng tôi như lạc vào thế giới mênh mông đầy cuốn hút và mê đắm của cánh đồng văn chương, mà người dẫn đường tài hoa là thày tôi.

 

Không chỉ dạy giỏi, lôi cuốn, đầy tâm huyết, thày còn quan tâm tới hoàn cảnh gia đình của từng đứa trò gái đang ở cái tuổi ẩm ương, "sớm nắng, chiều mưa, trưa sầm sì". Tôi còn nhớ mãi buổi trưa hôm ấy, khi thày đột ngột tới thăm nhà tôi ở khu tập thể cũ kỹ, chật chội, khiến bố mẹ tôi bất ngờ và rất cảm động. Bởi tôi chỉ là một học sinh bình thường trong lớp nhưng thày vẫn dành thời gian tới tận nhà gặp gỡ bố mẹ, trao đổi về tình hình học tập và gợi ý về con đường học tập tới đây của tôi.

 

Ngôi nhà giản dị của thày cô trong Trường THPT Hoàng Văn Thụ trở thành địa chỉ lui tới thường xuyên của lũ chúng tôi. Đám trò cũng nhanh chóng yêu quý cả vợ của thày- cô Hoàng Thủy Liên Châu, cô giáo dạy chuyên Hóa (môn mà lũ chuyên Văn chúng tôi hầu hết rất sợ), bởi cách trò chuyện cởi mở, chân thành, gần gũi như một người bạn của cô.

 

Lớp chúng tôi và thày chủ nhiệm Vũ Xuân Túc

 

___________________

Gần 4 thập kỷ đã qua đi, Trường THPT Việt Đức, ngôi trường THPT hơn trăm năm tuổi, một trong những niềm tự hào của nền giáo dục Thủ đô, sau những lần chỉnh trang, tu sửa, vẫn giữ vẹn nguyên được lối kiến trúc xưa nhưng đẹp đẽ, khang trang hơn.

 

Thày Túc, cô Châu tóc đã bạc trắng gần hết cả mái đầu. Thày tôi, sau 3 lần tai biến, nay đã yếu nhiều nhưng bên thày, vẫn luôn có người bạn đời chung thủy suốt hơn nửa thế kỷ, yêu thương, chăm chút cho thày từng bữa ăn, giấc ngủ. Tuy bà lão có mắc cái tật, thỉnh thoảng lại càm ràm, chung quy cũng là vì lo cho ông lão, giờ nhiều khi hồn nhiên, đềnh đoảng như trẻ thơ...

 

Thày cô và lũ trò chúng tôi đều đã già đi cùng tháng năm nhưng trên con phố gắn bó suốt một thời thiếu nữ trong sáng, thuần khiết ấy, bằng lăng vẫn ngăn ngắt tím, hàng phượng vĩ vẫn cháy đỏ rực rỡ mỗi độ hè về, chỉ có tiếng ve, cứ mỗi năm qua đi, lại thưa vắng dần...

 

Nguyễn Thị Thu Hương

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo, chỉ đạo Thông báo, chỉ đạo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website