Truy cập nội dung luôn

Tin nổi bật Tin nổi bật

« Quay lại

Em à, anh mệt rồi...

Khi xã hội ngày càng hiện đại, văn minh, cuộc sống ngày càng phát triển, quyền con người, quyền của phụ nữ càng được đề cao hơn bao giờ hết. Chúng ta luôn xem phụ nữ là phái yếu, là đối tượng dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ. Nhưng ở chiều ngược lại, cánh đàn ông, những người đương nhiên được coi là phái mạnh, trong một số trường hợp, còn được nhìn nhận như "tội đồ", là kẻ gây ra nỗi khổ cho phụ nữ, có phải là những người "sướng quanh năm" và thực sự "ổn áp" như mọi người vẫn nghĩ?

 

Hình mẫu hoàn hảo

 

Thời phong kiến, người đàn ông, bất kể là ai, làm nghề gì, thuộc tầng lớp nào trong xã hội, luôn nghiễm nhiên được coi là trụ cột của gia đình, cho dù, khách quan mà nói, không ít "rường cột" chỉ làm được mỗi việc là cơm no, rượu say, nằm khểnh rít thuốc lào vặt hay "sang trọng" hơn, làm văn nhân, thi sỹ đến như Tú Xương nhưng vẫn phải để vợ, người phụ nữ vốn có địa vị thấp kém trong xã hội thời ấy lo liệu mọi bề:

 

"Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi cả năm con với một chồng"

(Thương vợ)

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, dường như tiêu chuẩn đặt ra cho đàn ông còn nặng nề hơn nữa: phải có vị trí xã hội, thu nhập đủ tốt; lập gia đình, có con trai, đảm bảo kinh tế dư dả cho vợ con, quán xuyến những việc lớn trong nhà; không chỉ có cơ thể khỏe mạnh mà còn phải "khỏe đủ thứ"; nam tính, phóng khoáng, chịu chơi, quyết đoán...

 

Với cánh chị em, mỗi khi gặp chuyện, họ có thể chỉ cần một cuộc điện thoại hay nhắn tin với người thân, bạn bè, thậm chí đi mua sắm, là đã xả stress, nỗi lòng dịu đi rất nhiều nhưng đàn ông thì không đơn giản thế, đặc điểm tâm lý của nam giới khiến họ không dễ dàng chia sẻ vấn đề của mình, hơn thế nữa, nếu kể lể, họ rất có thể bị quy cho tội "đàn bà, nhỏ nhen, nhiều chuyện".

 

Việc thường xuyên phải kiềm chế bản thân khiến cho từ sức khỏe tinh thần đến thể chất của phái mạnh trở nên  mệt mỏi. Một nghiên cứu cho thấy, việc kìm nén cảm xúc dễ dẫn đến bệnh tim mạch; làm tăng 30% nguy cơ tử vong sớm và 70% nguy cơ mắc ung thư.

 

Cùng với sự phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội, văn hóa..., dường như tiêu chuẩn chọn bạn đời của chị em cũng ngày một khắt khe hơn. Đòi hỏi hình mẫu người đàn ông hoàn hảo tạo áp lực không nhỏ lên cánh mày râu. Ba áp lực chủ yếu là về kinh tế, sự nghiệp và vấn đề nhạy cảm, khó nói: khả năng tình dục.

 

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

 

Hãy công bằng với đàn ông

 

Từ một xã hội phong kiến, coi nhẹ, xem thường vai trò, vị trí của người phụ nữ, đất nước ta đã có những thay đổi, bước tiến lớn trong nhìn nhận, đánh giá, tạo cơ hội cho chị em. Cùng với đó, bản thân người phụ nữ Việt Nam cũng đã có sự trau dồi, nỗ lực, cố gắng mỗi ngày để nâng cao, hoàn thiện giá trị tự thân.

 

Các nghiên cứu xã hội học, các cuộc đấu tranh cho nữ quyền, bình đẳng giới... tập trung giải quyết các vấn đề của phụ nữ mà thường xem nhẹ những vấn đề mà nam giới đang phải đối mặt.

 

Thế giới đã và đang trải qua khoảng thời gian dài, khó khăn nhất trong vài thập kỷ gần đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19. Với vai trò, trọng trách cốt cán ở cơ quan, doanh nghiệp; trụ cột của gia đình, trách nhiệm đè lên vai những người đàn ông càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.

 

Cuộc đấu tranh bình đẳng giới không chỉ giới hạn, dành riêng cho phụ nữ chân yếu tay mềm mà còn là cuộc đấu tranh nhằm rũ bỏ một số bất công, định kiến vô lý vẫn thường mặc nhiên áp đặt cho người đàn ông.

 

Bình đẳng giới thực chất chỉ có được khi không những chị em mà ngay cả cánh mày râu cũng phải có được những quyền lợi chính đáng của giới mình; được người bạn đời san sẻ trách nhiệm trong việc đảm bảo kinh tế gia đình; được đối xử công bằng, xóa bỏ những gánh nặng của định kiến, khuôn mẫu; được sống thật với con người họ, với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố..., chứ không phải là những robot thiếu cảm xúc, cố gắng trưng lên vẻ nam tính mạnh mẽ như hòn đá tảng.

 

____________________________

 

19/11 là Ngày Quốc tế đàn ông.

 

Ngày này đến sau Ngày Phụ Nữ Việt Nam gần một tháng.

 

Hầu như mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi trong xã hội đều biết, hoặc hơn thế nữa là quan tâm, chúc mừng, tặng hoa, quà cho bạn bè, đồng nghiệp, người thân... là nữ giới trong những dịp 8/3, 20/10. Nhưng có lẽ không nhiều người biết đến ngày dành riêng cho phái mạnh, đặc biệt là ở Việt Nam.

 

Hỡi những chị em gái, những người vợ, người mẹ, người bà!

 

Không chỉ phái đẹp chúng ta mới có mong muốn được nhận hoa, nhận quà, nhận những lời chúc tốt đẹp trong ngày lễ dành riêng cho giới mình!

 

Các đấng nam nhi tuy chẳng nói ra đâu nhưng trong sâu thẳm, cũng cần lắm, có thể chẳng phải quà, mà chỉ là một ánh mắt trìu mến; lời hỏi han ân cần, những yêu thương rất đỗiđàn bà khi nhìn thấy vẻ hốc hác, đăm chiêu, những vết nhăn mới trên gương mặt người đàn ông của mình. Cũng chẳng cần đến cả ngôn từ, chỉ ước một vòng tay mềm mại, âu yếm, ôm lấy chàng từ phía sau thì những phiền muộn, căng thẳng, áp lực cũng vợi bớt đi thật nhiều.

 

Bờ vai nào, dù có vạm vỡ và cường tráng đến đâu, rồi cũng đến lúc phải mỏi mệt, cũng cần có chỗ để tựa vào, cho dù chỉ là trong phút chốc, chị em à!

 

Nguyễn Thị Thu Hương

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo, chỉ đạo Thông báo, chỉ đạo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website