Đừng để gánh nặng học hành đè lên đôi vai bé nhỏ của các con
Trong ký ức của mỗi chúng ta, những người cũng đã từng đi qua năm tháng học trò, mùa hè có lẽ là mùa đẹp nhất:
"Đó là mùa của những tiếng chim reo
Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả
Đất thành cây, mật trào lên vị quả..."
"...Đó là mùa của những buổi chiều
Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút..."
Mùa hạ (Xuân Quỳnh)
Nhưng trong cuộc sống hiện đại, những mùa hè bình yên, trong veo và lấp lánh hạnh phúc ấy có lẽ đã xa rồi. Mùa hè hôm nay, không chỉ các con, mà cả bố mẹ cũng dường như đều đang bước vào một "cuộc chiến". Cuộc chiến với sách vở, với kiến thức ngổn ngang, với những lớp luyện chữ này, lò luyện học sinh giỏi cấp tốc kia; các lớp thi vào trường chuyên, lớp chọn; vào cấp 3; lên đại học...
Vật vã, hao tổn, tốn kém từ thời gian, tiền bạc, cho tới trí não, công sức là thế, nhưng không phải ai cũng được nở nụ cười sau cuối, tràn trề hạnh phúc, tự hào, kiêu hãnh vì con. Bởi suy cho cùng, tinh hoa bao giờ cũng là của quý hiếm và vòng nguyệt quế thì không dành cho số đông.
(ảnh minh họa - nguồn: Internet)
Đừng mang ước vọng như núi của mình, chất lên đôi vai các con
Với bất kỳ ông bố bà mẹ nào, con cái cũng là những báu vật!
Yêu thương vô hạn thì ước vọng cũng là vô biên.
Mơ ước con cái sau này giỏi giang, đỗ đạt, có công việc tốt là mong muốn dễ hiểu và chính đáng. Nhưng mong muốn ấy có phù hợp với năng lực, trí tuệ và nhất là, đó có phải là mong ước thực sự của các con không thì dường như không nhiều bố mẹ nghĩ tới.
Có thể nói, các con càng lớn thì kỳ vọng của các bậc phụ huynh càng nhiều. Những đứa trẻ tội nghiệp còng lưng dưới nhiều tầng áp lực từ bạn bè, nhà trường, thầy cô và có lẽ nặng nề nhất, chính là từ những người thương yêu chúng nhất trên đời: bố mẹ!
Những ngày gần đây, thông tin về việc mẹ bắt con gái quỳ ngay tại trường vì 7 năm học sinh giỏi mà giờ trường tư không nhận, đã gây ám ảnh, bức xúc với cộng động mạng. Do điểm thi vào lớp 10 của con không đủ vào trường công, trượt cả trường tư, người mẹ bắt con quỳ ngay tại trường, hét lên: '7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư cũng không thèm nhận. Tao phải đánh cho mày chết thì thôi". Trong một khoảnh khắc không kiểm soát được cảm xúc, người mẹ có hiểu rằng chính mình đã khiến con gái nhỏ phải chịu biết bao tổn thương? Có lẽ sự xấu hổ, mặc cảm, thất bại sẽ theo con đến suốt cuộc đời.
Một hình ảnh trái ngược mà cộng đồng mạng vẫn thường xuyên chia sẻ gần đây, ấy là hình ảnh một cô học trò mếu máo với cha sau một môn thi vào cấp 3 có kết quả không tốt: "Con đọc đề thi con không hiểu, con chỉ làm được một ít thôi", thì người cha, thay vì hỏi han, vặn vẹo, trách mắng như thói thường của các bậc phụ huynh, lại ôm con vào lòng, và âu yếm động viên "Không sao, không sao con. Cười đi nào. Về nhà thôi con".
Chỉ một câu nói thật giản dị của một người cha nghèo, quần áo còn mang vẻ lam lũ, mà như chứa đựng cả một trời yêu thương, bao dung và thấu hiểu. Giờ phút có lẽ là khó khăn nhất với cuộc đời học trò, cô gái nhỏ đã có trái tim thật nhân hậu, ấm áp của cha để để tựa vào, để em có thêm can đảm, nghị lực, nỗ lực bước tiếp trên con đường còn rất nhiều thử thách, chông gai ở phía trước.
Kiến thức, bằng cấp sẽ là hành trang cho các con vào đời nhưng không có nghĩa, đó là con đường duy nhất. Cuộc đời vốn còn nhiều cánh cửa, mỗi người sẽ có sự chọn lựa riêng cho mình, miễn sao, nólà sự lao động chân chính, là niềm vui khi làm việc, là sự tự tin, lạc quan và tràn ngập hạnh phúc – đó mới là những đích đến thực sự của mỗi đời người..
Dệt May là một ngành đông lao động, CNVCLĐ có con đang tuổi đi học chiếm phần lớn. Hy vọng rằng với nội dung bài viết, chúng ta có thể hiểu hơn về áp lực học tập của các con, cùng chia sẻ, động viên con bằng những lời nói, hành động thiết thực, ý nghĩa. Hãy hiểu, ủng hộ và cổ vũ những mơ ước thật đẹp của các con, không nên quá đặt nặng vấn đề trường này, lớp nọ, hãy để các con được vô tư, hồn nhiên lớn lên, trưởng thành. Bên cạnh những kiến thức ở trường lớp, các con còn cần những kỹ năng sống, những hiểu biết về thế giới xung quanh, để khi rời trang sách vở, các con không trở thành những đứa trẻ ngô nghê với đôi mắt kính dày cộm.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói "trong mỗi đứa trẻ đều có một góc sân và khoảng trời riêng của mình".
Để cho mỗi góc sân và khoảng trời ấy là ký ức trong veo, đẹp đẽ, lấp lánh hạnh phúc của tuổi học trò, đừng bao giò mang những kỳ vọng quá mức của bản thân mình, chất lên đôi vai bé nhỏ của các con.
Hãy để các con được hồn nhiên lớn lên, hào hứng, say mê, học hành, tìm hiểu những lĩnh vực mà chúng có năng khiếu và thực sự yêu thích. Hãy để mỗi ngày các con tới trường là một ngày vui và cha mẹ, gia đình mãi là nơi đong đầy yêu thương, chốn bình yên đi về và ấm áp chở che chúng, trong những giờ phút êm đềm, cũng như những thời khắc khó khăn của cuộc sống.
Nguyễn Thị Thu Hương
Tin khác
- Sách trong đời sống người lao động
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống
- Từ ngày 25/12/2024, mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký
- Điều kiện và quy trình xét chọn công nhân lao động tiêu biểu là đảng viên để tôn vinh tại Hội nghị toàn quốc lần thứ I năm 2025
- Mở rộng thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam
- Nghĩa đồng bào phía sau cơn bão mạnh nhất miền Bắc trong vòng 30 năm qua
- Những ý tưởng mới được ghi nhận từ chuyến thăm Công ty CP Gang thép Thái Nguyên
- Bí thư Đảng ủy Vinatex: Hoạt động công đoàn cần thực chất, hướng về cơ sở và mang màu sắc Dệt May
- Vai trò của tổ chức công đoàn trong triển khai và giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2024
- Một số giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ của công nhân, người lao động Dệt May
- Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn cần giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện
- Quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố
- Đàn ông và câu chuyện ngoại tình
- Video: Bay cao ước mơ năm 2024
- Giới trẻ ngày nay trong lằn ranh của “thực tế” và “thực dụng”