Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Đừng lãng phí mùa xuân của cuộc đời

"Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ", câu đúc kết ngắn gọn của Bác Hồ nhưng hàm chứa một điều rằng, những năm tháng hết sức quan trọng và ý nghĩa đối với cuộc đời của mỗi con người, chính là tuổi trẻ. Ấy vậy mà, không phải ai cũng thực sự sống trọn vẹn những tháng năm vô cùng tươi đẹp ấy.

 

 

Có những sự lãng phí chúng ta rất dễ nhận ra như lãng phí trong mua sắm; lãng phí trong sử dụng nguyên nhiên vật liệu; lãng phí thời gian, công sức dành cho một hoạt động, chương trình, sự kiện mà ta thấy vô bổ; lãng phí tâm huyết và thời gian để yêu thương một người không đáng để yêu thương,... Nhưng lãng phí cả một giai đoạn của đời người thì không phải là điều mỗi người có thể dễ dàng nhận ra ngay, mà chỉ đến khi đi qua, ngoảnh lại, mới thấy tiếc nuối. Vậy lãng phí mùa xuân của cuộc đời là những lãng phí thế nào?

 

Lúc được học thì không rèn luyện, khi đi làm mới loay hoay học

 

Ai cũng trải qua lứa tuổi học trò, và đây là thời gian tập trung nhiều nhất cho việc học. Hầu như đại đa số chúng ta đều trang bị được các kiến thức cần có cho hành trang bước vào đời; những cái chúng ta học thêm trong quá trình công tác sau này là nâng cao, là củng cố, và là những trải nghiệm thực tế để bổ trợ cho những kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ đã không nỗ lực hết mình trong giai đoạn nền tảng này, thiếu rèn luyện, dẫn đến vào đời với một cái đầu rỗng kiến thức, thiếu kỹ năng, khó tìm được việc làm như ý, thậm chí đến khi đi làm, phải mất công học lại mới có thể đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm.

 

Chạy theo bằng cấp không phù hợp với sở trường

 

Mỗi người đều có một sở trường riêng, một khả năng riêng mà không nhất thiết cứ phải học qua đại học. Vậy mà, rất nhiều bạn trẻ đã mất hẳn 4 năm hay nhiều hơn thế để lấy bằng đại học cho "bằng bạn bằng bè", hoặc theo học lĩnh vực mà mình không hề đam mê, thậm chí chẳng hề dùng đến để rồi không ứng dụng được. Trong khi đó, với 4 năm ấy chúng ta có thể học nghề, có thể mở tiệm kinh doanh, làm vườn ao chuồng, phát triển kinh tế gia đình, hoặc đầu quân làm công nhân cho các cơ quan, doanh nghiệp. Như thế thì 4 năm ấy chúng ta đã có thể khẳng định được bản thân, làm ra được nhiều của cải vật chất, đã có thể ổn định được cuộc sống của mình thay vì loay hoay chạy theo bằng cấp để rồi "xếp xó", để rồi vào đời muộn.

 

Chưa già mà lại sống gấp

 

Có những bạn trẻ cứ nghĩ đơn giản rằng "đời được mấy tý", nên cứ tranh thủ ăn chơi, hưởng thụ, thậm chí tận hưởng không dựa trên những giá trị mà mình tạo ra, quá nữa là sa vào các thói hư tật xấu của xã hội. Tháng năm trôi qua giật mình nhìn lại, thì mình đã tụt hậu quá xa so với bạn bè, trở nên vô dụng và tầm gửi. Như thế, cũng là một dạng lãng phí mùa xuân của cuộc đời.

 

Luôn đặt bản thân ở vùng an toàn

 

Ông cha ta có câu: "Trẻ xông pha", và đó mới đúng chất của tuổi trẻ. Tuy nhiên, không ít bạn lại sống quá dè dặt, phòng thân. Một là các cậu ấm cô chiêu, những "chú gà công nghiệp" được cha mẹ lót ổ và sắp đặt mọi thứ, không bao giờ dám bước ra khỏi cái ổ của mình để tự kiếm ăn. Hai là người quá thận trọng, làm gì cũng tính toán trước sau, thiệt hơn, dẫn đến chậm trễ, thậm chí là tuột mất cơ hội. Ba là người sợ mạo hiểm, dẫn đến không dám dấn thân, họ có thể không vấp ngã, nhưng cũng chẳng bao giờ bứt phá ra khỏi những rào cản, vượt lên những khó khăn thách thức để mà khẳng định mình. Bởi vậy, luôn đặt bản thân ở vùng an toàn cũng là một dạng lãng phí, mà cái phí nhất đó chính là thiếu trải nghiệm sống để mà tự đúc rút, tự lớn lên.  

 

Thiếu hoài bão, khát vọng

 

Người trẻ, được ví như cái cây dâng tràn nhựa sống, vươn mình đón ánh mặt trời, đầy ắp những đam mê và ý chí hiện thực hóa cuộc sống. Vậy nhưng có không ít bạn trẻ sống vừa "nhạt" vừa "nguội", không có lý tưởng, chẳng có khát vọng. Họ an phận thủ thường, ngại phấn đấu, ngại thay đổi. Họ không khẳng định được bản thân đã đành, mà làm cho cơ quan, tổ chức cũng dần tụt hậu.

 

Không ai đánh thuế cho những ước mơ, nói thế không có nghĩa là ta cứ mơ ước viển vông. Tuy nhiên, mơ ước và khát vọng để đặt ra những mục tiêu sống rõ ràng, để thêm nỗ lực phấn đấu biến những đam mê thành hiện thực, là điều rất cần ở mỗi người trẻ. Những người như thế không chỉ tạo ra động lực cho bản thân, mà còn lan tỏa nguồn năng lượng tích cực cho tập thể, nhờ đó mà chất lượng, hiệu quả công việc chung được nâng lên. Do đó, tuổi trẻ mà thiếu hoài bão và khát vọng chính là sự phí hoài rất lớn, bởi họ đã để những tháng năm đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình trở nên vô nghĩa.

 

Một số biểu hiện khác  

 

Lãng phí mùa xuân của cuộc đời còn biểu hiện ở một số người trẻ tối ngày vùi đầu vào học hành, làm lụng, rất ít hoặc không có nhu cầu hưởng thụ những giá trị vật chất, tinh thần; thậm chí lười cả kết bạn, chểnh mảng cả yêu đương, ngại lập gia đình, sợ sinh con đẻ cái; không dành thời gian cho những hoạt động của tuổi trẻ mà một người bình thường cần phải có;… Những người này, tuy có đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng cuộc sống rất đơn điệu, tẻ nhạt, thậm chí lệch lạc trong suy nghĩ và hành vi. Trong khi đó, cuộc sống quanh ta biết bao điều tươi đẹp, ý nghĩa để mà khám phá, tận hưởng, cảm nhận, giúp ta thêm trưởng thành và thêm hoàn thiện.

 

***

 

Đời người là hữu hạn, đặc biệt tuổi trẻ - thanh xuân của mỗi người lại càng ngắn ngủi. Vì thế, các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy sống như đời sông, để biết yêu nguồn cội; hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao; hãy sống như sóng trào, để thấy bờ bến rộng; hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông.*

 

Thanh Tâm

 

*Trích trong bài hát: Khát vọng - Phạm Minh Tuấn.

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website