Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Có một cây là có rừng

Rừng là một trong những tài nguyên thiên nhiên lớn nhất với diện tích bao phủ gần 1/3 diện tích của trái đất. Rừng cung cấp hệ sinh thái đa dạng và cần thiết cho rất nhiều loài động thực vật, trong đó có con người. Ấy vậy mà trong nhiều năm qua, con người lại tàn phá hàng triệu mẫu đất ​​rừng tự nhiên mỗi năm, đặc biệt là vùng nhiệt đới.

 

Trước tình hình trên, vào tháng 11/1971, theo yêu cầu của Liên đoàn Nông nghiệp châu Âu, các chính phủ thành viên của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc đã lựa chọn ngày 21/3 làm Ngày Rừng Thế Giới nhằm chung tay bảo vệ rừng và chống lại các hành vi xâm hại, tàn phá cây xanh trên khắp thế giới. 

 

 

Vai trò của rừng đối với đời sống con người

 

Rừng- lá phổi xanh của trái đất: Được ví như cơ quan hô hấp, các loài cây hấp thụ khí carbonic và cung cấp khí oxi cho chúng ta. Đặc biệt là đối với tất cả các quốc gia, khi mà công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang phát triển mạnh mẽ thì đi cùng với nó luôn là khói bụi từ nhà máy, từ các công trường, các phương tiện giao thông. Bởi vậy, nếu môi trường liên tục phải hứng chịu lượng khí thải carbonic mà không có những biện pháp xử lý hữu hiệu và triệt để, vậy thì làm cách nào có đủ lượng khí oxi cung cấp cho con người nếu không có rừng?

 

Rừng ngăn lũ quét và sạt lở đất: Nếu bạn thắc mắc tại sao trên các tỉnh vùng núi thường hay có nhiều rừng phòng hộ, thì chính bởi lý do: đây là nơi thường xảy ra những trận lũ quét lớn. Nhờ có rừng với thảm thực vật dày và lớp rễ cây chằng chịt, đã bảo vệ bề mặt của trái đất, làm suy yếu dòng nước lũ khi chảy về xuôi, giảm bớt sự xói mòn, sạt lở đất, và điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với người dân xung quanh vùng lũ.

 

Rừng cung cấp nguồn tài nguyên phong phú. Nếu chúng ta biết khai thác và có những biện pháp chăm sóc đúng quy cách, thì mỗi năm, rừng cung cấp cho chúng ta  một lượng gỗ lớn và các loài cây thuốc quý. Nhưng trên thực tế, rừng của nước ta hiện nay đang lâm vào tình trạng rất đáng báo động. Nạn khai thác rừng trái phép với nạn lâm tặc khiến cho hàng nghìn hecta rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá. Cùng với đó là nạn cháy rừng hay người dân do thiếu hiểu biết mà phá rừng để làm nông, cũng khiến cho diện tích rừng của nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những điều đó đã gây nên hậu quả hết sức nặng nề, với những thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản; đặc biệt là hiệu ứng nhà kính đang từng ngày từng giờ tác động đến sức khỏe của tất thảy mọi người mà chúng ta không dễ nhận ra trong chốc lát.

 

Bảo vệ rừng & trồng cây gây rừng: Trách nhiệm không của riêng ai

 

Năm 2020, chúng ta chứng kiến một trong những trận lũ và sạt lở lớn nhất khu vực miền Trung, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Đó chính là minh chứng rõ ràng nhất về hậu quả của nạn tàn phá rừng bừa bãi. Bài học đó một lần nữa đặt ra cho toàn xã hội về trách nhiệm của cộng đồng, trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng.

 

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025. Riêng năm 2021, theo kế hoạch cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh; trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020.

 

Dệt May là ngành không có nhiều hoạt động liên quan trực tiếp tới tài nguyên rừng, song lại là ngành có phát thải công nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng môi trường "xanh - sạch - đẹp" hướng tới những giá trị xanh và bền vững, là điều mà các cấp trong ngành cùng NLĐ luôn quan tâm.

 

Để giảm thiểu những ảnh hưởng ra môi trường tác động xấu đến biến đổi khí hậu, trong những năm qua, các doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hệ thống làm mát không khí, tăng cường trồng cây xanh để đưa "rừng" vào trong khuôn viên doanh nghiệp, cải tạo cảnh quan môi trường làm việc,... Có đơn vị còn phát động tết trồng cây như May 10, Dệt May Nha Trang...; có đơn vị dành nguồn kinh phí ủng hộ tỉnh vùng cao trồng rừng đầu nguồn như May Ninh Bình.

 

Dệt May Nha Trang và Tết trồng cây

 

Tuy nhiên, để việc trồng cây gây rừng, bảo vệ cây cối trở thành ý thức ăn sâu bén rễ trong mỗi NLĐ thì còn rất nhiều việc mà các cấp phải làm. Trong đó, Công đoàn cùng chuyên môn cần phải phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về bảo vệ rừng, vai trò của rừng đối với đời sống con người và những nguy cơ khi rừng bị tàn phá, để cho NLĐ hiểu và thấy rõ được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên các đơn vị cũng cần có thêm các hình thức tuyên truyền khác như: tổ chức tọa đàm, cuộc thi về chủ đề rừng, dựng pano, áp phích, tranh cổ động, tuyên truyền trong chương trình truyền thanh, trong các bản tin nội bộ tại nhà máy, đơn vị.

 

Đặc biệt, các đơn vị trong hệ thống cần lan tỏa hơn nữa phong trào "Tết trồng cây", để NLĐ nhận thấy rõ rằng: việc trồng cây vừa làm đẹp cảnh quan, tạo bóng mát phủ xanh nhà xưởng, khuôn viên, sân bãi, nâng cao chất lượng sống của chính mình, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Không cần phải thực hiện ở đâu xa xôi, mỗi đơn vị của ngành chỉ cần chủ động quy hoạch mặt bằng, tích cực trồng và chăm sóc cây xanh, cũng chính là góp phần thiết thực hướng tới một cuộc sống xanh và bền vững của toàn xã hội.   

 

Với những người lao động, mỗi việc chúng ta làm đều thể hiện ý thức, thái độ sống với cộng đồng, với xã hội. Bởi thế, việc cần loại bỏ ngay đó chính là "nói không với bẻ cành, hái lộc" ở những nơi công cộng mỗi dịp tết đến xuân về. Tích cực hơn nữa là chúng ta hãy trồng cây nếu có thể. Đừng nghĩ rằng trồng rừng là việc ở trên rừng, mà mỗi nhà, mỗi người, mỗi cơ quan, chỉ cần một cây góp lại là sẽ hình thành nên những thảm thực vật khác nhau ở mọi chỗ mọi nơi, tạo nên một màu xanh bất diệt - xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển - góp phần thanh lọc không khí, bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường, hạn chế được những thiệt hại do mưa bão gây ra.

 

Hãy yêu quý và đối đãi với cây như với chính lá phổi của mình!

 

VH

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website