Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Phụ nữ thời kỳ công nghiệp 4.0 với phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Phong trào thi đua "Giỏi việc nước, Đảm việc nhà" trong nữ CNVCLĐ được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động năm 1989. Đây là phong trào mang tính đặc thù góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, hướng tới mục tiêu Bình đẳng giới. Ngày nay, trước sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0),  phong trào thi đua này tiếp tục tạo cơ hội cho lao động nữ khẳng định mình trong cuộc sống và công việc.

 

Thực hiện phong trào thi đua "Giỏi việc nước, Đảm việc nhà", trong lao động, các chị luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của địa phương, ngành, đơn vị. Để đáp ứng được vị trí công việc, các chị không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, rèn luyện sức khỏe. Trong gia đình, các chị là người mẹ nuôi con khỏe, dạy con ngoan, gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trong công tác xã hội,  các chị tích cực tham gia các hoạt động công đoàn, quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng, chung tay góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và phòng chống các tệ nạn xã hội.

 

 

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 mở ra cho LĐ nữ nhiều cơ hội để phát triển chuyên môn như được tiếp cận với máy móc, phương pháp hiện đại giúp nâng cao trình độ, tăng năng suất, tăng thu nhập. Ngoài ra, với hiệu quả của công tác tuyên truyền; sự điều chỉnh, bổ sung các điều luật liên quan đến bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước, cũng như sự hội nhập quốc tế sâu rộng đã góp phần thúc đẩy nhận thức về bình đẳng giới và vai trò của người phụ nữ.  Vì thế, trong sự nghiệp, phụ nữ đã có nhiều cơ hội để thành công và khẳng định bản thân hơn.

 

Bên cạnh đó, CMCN 4.0 đã mang lại sống tiện ích hơn. Với sự hỗ trợ của công nghệ, việc chăm sóc gia đình không còn bận bịu như trước. Công sức và thời gian làm việc nhà được giảm xuống, thay vào đó các chị có thêm điều kiện để chăm sóc bản thân, gia đình, dạy bảo con cái. Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là mạng Internet, cũng giúp các chị có thêm cơ hội học tập, tự rèn luyện, và cũng dễ dàng tham gia vào các hoạt động xã hội hơn.

 

Nhưng CMCN 4.0 cũng đang tạo ra những áp lực cho người phụ nữ. Đó là việc vừa phải liên tục học tập, trau dồi kiến thức, vươn lên để bắt kịp với xu thế công nghệ và việc làm; vừa phải ra sức vun vén, duy trì những nét đẹp, truyền thống văn hóa của  gia đình Việt trước "cơn bão" hội nhập và công nghệ số. 

 

Phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" thời kỳ nào cũng có nhưng ở mỗi thời kỳ, mỗi ngành nghề, nội dung và hình thức phong trào lại khác nhau.

 

Dệt May là ngành có trên 70% là LĐ nữ, thu nhập chưa cao, trình độ công nghệ còn hạn chế nên chắc chắn LĐ nữ Dệt May sẽ khó khăn hơn so với các ngành nghề khác trong thực hiện phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", đặc biệt trong bối cảnh CMCN 4.0.

 

Xác định được điều này, các cấp trong ngành, đặc biệt là tổ chức công đoàn đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong cách thức triển khai, tổ chức để phong trào gắn với thực tế của ngành, mang lại hiệu quả cao nhất. Thực tế chứng minh những năm qua, phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" đã góp phần không nhỏ vào kết quả chung của toàn hệ thống.

 

Cụ thể, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã xây dựng và ban hành các tiêu chí và hướng dẫn CĐCS thực hiện nhiều hoạt động phù hợp với lao động nữ của ngành như: Gắn danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" với các phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; Cuộc thi thợ giỏi; Giải thưởng Nguyễn Thị Sen; danh hiệu "Gia đình Dệt May tiêu biểu", khen thưởng con CNVCLĐ đạt thành tích trong học tập hay chương trình "Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động"...

 

Giải thưởng Nguyễn Thị Sen do Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức hàng năm

 

Trong 3 năm (2018-2020), cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của nữ CNVCLĐ, toàn hệ thống có trên 25.100 LĐ nữ được công nhận là phụ nữ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" xuất sắc, được các cấp khen thưởng, trong đó có 20 LĐ nữ đạt Giải thưởng Nguyễn Thị Sen, 2 LĐ nữ được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, 01 lao động nữ được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Linh, 01 nữ CNLĐ được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam; có 976 nữ CNVCLĐ được đề bạt; tôn vinh 56 "Gia đình Dệt May tiêu biểu",  khen thưởng trên 1700 cháu đạt thành tích xuất sắc trong học tập; tặng 850 suất học bổng "Đồng hành cùng em đến trường" cho con NLĐ; gần 170 nghìn lượt CNVCLĐ được học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp (trong đó LĐ nữ chiếm 80%)... và còn rất nhiều lao động nữ đang ngày ngày miệt mài sản xuất, hăng say lao động, không ngừng nghiên cứu tìm tòi những phương pháp hay, cách làm tốt để cải tiến năng suất, chất lượng, cùng phát triển doanh nghiệp, đóng góp cho ngành và kinh tế đất nước.

 

---

 

Cách mạng khoa học công nghệ phát triển là một quy luật tất yếu. Nhân loại nói chung và những phụ nữ ngành Dệt May nói riêng đều phải đang đón nhận cuộc cách mạng này với hai tâm thế: vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Tin tưởng rằng với truyền thống chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, trung hậu, đảm đang, cùng sự quan tâm, chăm lo, động viên của các cấp, những người phụ nữ Dệt May sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cùng nhau dệt nên sợi chỉ đỏ xuyên suốt, tô điểm, bồi đắp thêm cho những vẻ đẹp, phẩm chất, truyền thống của phụ nữ Dệt May qua từng thời kỳ, đồng thời cũng tạo ra những nét đột phá để phát triển cùng thời đại.  

 

Nguyễn Thị Thủy

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website