Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Những yếu tố để tạo nên những cuộc thương lượng tập thể thành công

Thương lượng tập thể là việc đàm phán, thỏa thuận giữa một bên là một hoặc nhiều tổ chức đại diện người lao động (NLĐ), với một bên là một hoặc nhiều người sử dụng lao động (NSDLĐ) hoặc tổ chức đại diện NSDLĐ nhằm xác lập điều kiện lao động; quy định mối quan hệ giữa các bên; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

 

 

Quan hệ lao động vốn không phải là quan hệ có sự bình đẳng tuyệt đối giữa NSDLĐ và NLĐ bởi vị trí, điều kiện của các chủ thể khác nhau, dẫn đến NLĐ luôn ở vị trí yếu thế khi muốn xác lập các quyền và lợi ích của mình trong doanh nghiệp. Để khắc phục thực trạng đó, pháp luật lao động đặt ra yêu cầu phải xây dựng quan hệ lao động qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, để cuộc thương lượng giữa NSDLĐ và đại diện NLĐ thành công; vừa mang lại nhiều lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, vừa phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp, thì tổ chức đại diện NLĐ - một bên trong thương lượng tập thể cần phải có những kỹ năng cần thiết, áp dụng linh hoạt các nguyên tắc, tận dụng những cơ hội và tránh những yếu tố bất lợi trong quá trình thương lượng. Bài viết này sẽ gợi ý một số nội dung liên quan đến phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm và những điều cần lưu ý để tạo nên cuộc thương lượng tập thể thành công dưới góc độ của bên đại diện NLĐ.

 

* Các phương pháp, kỹ năng cần có trong thương lượng tập thể

 

Chuẩn bị thương lượng: Đây là công việc vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công của các cuộc thương lượng. Để công tác chuẩn bị được đầy đủ, kỹ lưỡng, tổ chức đại diện NLĐ cần tiến hành các công việc sau:

 

Thu thập, xử lý thông tin: Trước khi thương lượng, tổ chức đại diện NLĐ cần nắm được các thông tin của doanh nghiệp về: hoạt động sản xuất kinh doanh; tình hình lao động và sử dụng lao động (tổng số lao động, số NLĐ ký HĐLĐ, loại hợp đồng); việc thực hiện các chế độ chính sách trong doanh nghiệp (lương, thưởng, phụ cấp, các phúc lợi khác); điều kiện làm việc, tình hình thực hiện ATVSLĐ; về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất;... Việc này giúp cho tổ chức đại diện NLĐ hiểu rõ về tình hình của doanh nghiệp, từ đó xác định được các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động thương lượng. Việc thu thập thông tin có thể từ chính NSDLĐ và các nguồn khác như thông tin đại chúng, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác,...(tuy nhiên phải lựa chọn các thông tin mang tính chính xác, khách quan). Ngoài ra, để phục vụ cho việc thương lượng thuận lợi, tổ chức đại diện NLĐ cũng có thể thu thập thêm một số thông tin về giá cả sinh hoạt, mức sống người dân; chính sách của các doanh nghiệp trong vùng, trong ngành, ngoài ngành; tình hình chính trị, kinh tế xã hội trong và ngoài nước; các văn bản pháp luật có liên quan... để làm cơ sở so sánh, phân tích, đưa ra yêu cầu.

 

Xác định nội dung, mục tiêu: Trên cơ sở nắm bắt và xử lý các thông tin nêu trên, tổ chức đại diện NLĐ xác định nội dung cần thương lượng, mục tiêu cần đạt được. Ở khâu này đòi hỏi phải xác định được đâu là nội dung chính, đâu là mục tiêu tối đa, vấn đề nào cần kiên quyết bảo lưu, điểm nào có thể nhượng bộ. Mục tiêu đặt ra phải rõ ràng cụ thể, đo đếm được, có tính khả thi và có thời hạn để thực hiện. Việc xác định đúng nội dung và mục tiêu cần tập trung giúp quá trình thương lượng giữa các chủ thể không sa đà và làm mất thời gian để giải quyết các vấn đề mà các bên không quan tâm.

 

Lấy ý kiến NLĐ: Đây là bước vừa nhằm nắm bắt nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng NLĐ vừa nhằm dẫn dắt, định hướng và thuyết phục NLĐ đồng thuận với những nội dung dự kiến đưa ra thương thảo với NSDLĐ. Việc lấy ý kiến NLĐ có thể thực hiện thông qua hình thức lập phiếu hỏi; thông qua hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu NLĐ. Ở những đơn vị có nhiều ý kiến khác nhau, hoặc nhiều NLĐ không chấp nhận nội dung thương lượng do chưa thấu hiểu, tổ chức đại diện NLĐ cần xây dựng một lực lượng nòng cốt là những người hiểu biết, có chính kiến, có khả năng vận động, có uy tín và sức ảnh hưởng để kết nối, cung cấp thông tin cho đồng nghiệp, mở rộng phạm vi và sự ủng hộ của NLĐ trong từng tổ, bộ phận, rồi lan rộng tới toàn doanh nghiệp.

 

Chuẩn bị lực lượng và các điều kiện khác: Tổ chức đại diện NLĐ cần chuẩn bị thành phần đảm bảo cho việc tham gia thương lượng. Về số lượng, thành viên của mỗi bên do các bên thỏa thuận, tuy nhiên bên NLĐ không nên bố trí số người ít hơn bên NSDLĐ. Về chất lượng: những người tham gia cần có đại diện các bộ phận chức năng liên quan đến nội dung và đối tượng chịu tác động của thương lượng; đồng thời phải là những người có kiến thức, bản lĩnh, có khả năng trình bày, phân tích, lập luận. Bên đại diện NLĐ cần phân công cụ thể nhiệm vụ từng thành viên, thống nhất về chiến lược, chiến thuật, có thể tổ chức thử các phiên thương lượng để tập dượt; ghi chép lại những vấn đề còn lỗi để rút kinh nghiệm cho phiên thương lượng thật. Đặc biệt, mỗi bên thương lượng có quyền mời tổ chức đại diện cấp trên của mình cử người tham gia là đại diện thương lượng và bên kia không được từ chối, miễn rằng đảm bảo số lượng của mỗi bên theo thỏa thuận. Ngoài việc chuẩn bị nhân sự thương lượng, bên đại diện NLĐ cũng cần xây dựng chi phí cần thiết và chuẩn bị tài chính phục vụ cho yêu cầu công việc của phía mình và các chi phí giải quyết tranh chấp lao động có thể xảy ra trong quá trình thương lượng (thuê luật sư, trưng cầu ý kiến chuyên gia, bồi dưỡng các thành viên,...)

 

Tiến hành thương lượng: Khi bước vào thương lượng chính thức, các thành viên tham gia thương lượng phải chuẩn bị tâm lý thật tốt, bình tĩnh để lắng nghe và trình bày ý kiến cũng như kiểm soát được các nội dung trao đổi; sử dụng cách xưng hô tạo ra sự bình đẳng; tập trung vào các mục tiêu đã đề ra; trang phục lịch sự; tư thế chững chạc, điềm đạm. Trong phiên thương lượng, tùy diễn biến cụ thể mà các thành viên sử dụng một hoặc kết hợp nhiều chiến thuật như: biến khó khăn của một bên thành của chung để tạo áp lực; "vừa đấm vừa xoa" - vừa gây áp lực với đối tác sau đó tìm cách xoa dịu; "cho trước, nhận sau" - nhân nhượng để tạo cảm tình của đối tác sau đó đưa ra các yêu cầu; "mượn lời người khác" để nêu quan điểm; khi cần thiết thì cũng phải thể hiện thái độ cứng rắn nếu thương lượng lâm vào bế tắc, sau đó tìm cách để tạo không khí vui vẻ trở lại...Nói chung, cần phải kết hợp cả phương pháp ôn hòa và cứng rắn trong cùng một phiên thương lượng để đạt được kết quả tối ưu. Tuy nhiên, dù là phương pháp nào thì điều cốt lõi là phải đưa ra được các thông tin, số liệu, cơ sở mang tính thuyết phục, hợp tình hợp lý để bên NSDLĐ chấp thuận.

 

 

* Một số kinh nghiệm và lưu ý khi thương lượng tập thể

 

Về thời điểm thương lượng: Lựa chọn thời điểm tốt nhất, phù hợp nhất để thương lượng: vào mùa mát mẻ để tránh không khí ngột ngạt, oi bức; dịp sinh nhật của NSDLĐ để tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái; dịp đánh giá của khách hàng để gia tăng áp lực; khi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên đà phát triển, doanh nghiệp ký kết được hợp đồng có giá trị lớn để tăng tính thuận lợi,...Theo kinh nghiệm của các chuyên gia về thương lượng thuộc tổ chức Công đoàn Công nghiệp toàn cầu (Industriall), ở một số quốc gia, tổ chức đại diện NLĐ trong các doanh nghiệp thường tổ chức chiến dịch thương lượng vào "mùa giao hàng", khi đơn hàng nhiều và phải làm gấp để kịp tiến độ. Thương lượng vào lúc này thường đạt được mục tiêu tối đa, thời gian thương lượng nhanh nhưng bù lại NLĐ phải tích cực sản xuất, tăng cường độ làm việc để không ảnh hưởng đến uy tín và thiệt hại cho doanh nghiệp.

 

Về địa điểm thương lượng: Lựa chọn địa điểm để tạo ra sự thoải mái cho cả hai bên, không nên chọn phòng làm việc của Lãnh đạo. Bàn ngồi thương lượng đảm bảo hai bên ngồi ở vị trí đối xứng, ko có người ngồi giữa chủ trì, chỉ đạo.

 

Về ngôn ngữ: Theo sự thống nhất của cả hai bên, trường hợp NSDLĐ là người nước ngoài thì cuộc thương lượng phải có phiên dịch, bên đại diện NLĐ phải có người thạo ngoại ngữ (hoặc thuê độc lập) để giám sát tính trung thực của người dịch, bản dịch.

 

Hài hòa lợi ích mỗi bên: Trong quá trình thương lượng có thể xảy ra các trường hợp: bên thắng - bên thua; cả hai bên cùng đạt được thỏa thuận; cả hai bên không đạt được thỏa thuận nào; thậm chí có những xung đột dẫn đến tranh chấp. Tuy nhiên, nguyên tắc của mọi cuộc thương lượng luôn đề cao sự tự nguyện, hợp tác, thiện chí, bình đẳng,..; đặc biệt, quan hệ lao động chỉ tốt đẹp khi hướng tới sự hài hòa thì mới đảm bảo mục tiêu ổn định và tiến bộ. Do vậy, một cuộc thương lượng đem đến kết quả cả hai bên cùng đạt được thỏa thuận thì đó là cuộc thương lượng hoàn hảo. Bởi thành công của thương lượng không phải là mỗi bên dành thắng lợi bằng mọi giá, mà phải đạt được điều cả đôi bên cùng mong muốn, trong ngưỡng có thể chấp nhận của mình.

 

Giải quyết mâu thuẫn trong thương lượng: Khi thương lượng xảy ra mâu thuẫn, các bên cần phải đảm bảo cho sự hoạt động ổn định của nhau và tuân thủ quy định của pháp luật để giải quyết mâu thuẫn. Bên NLĐ có thể có những hành động mang tính tập thể để bày tỏ thái độ, ý kiến, nhưng tuyệt đối không được thực hiện những hành động trái pháp luật để gây ảnh hưởng đến uy tín, thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp.

 

Vấn đề cần tránh trong thương lượng: Khi thương lượng, tổ chức đại diện NLĐ cần lưu ý để không mắc phải các sai lầm như: có định kiến với đối tác; không chuẩn bị kỹ các thông tin số liệu; chỉ có một phương án duy nhất mà không có phương án dự phòng; không xác định được thế mạnh của mình; không lựa chọn thời điểm hợp lý để kết thúc thương lượng; không kiểm soát được thời gian và để đối tác phá hỏng mục tiêu đã đặt ra...

 

---

 

Mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề có những đặc thù khác nhau và NSDLĐ cũng có quan điểm điều hành, tính cách khác nhau. Vì vậy không thể có công thức chung để tạo nên sự thành công của tất cả các cuộc thương lượng tập thể. Mỗi tổ chức đại diện NLĐ phải căn cứ điều kiện thực tế tại doanh nghiệp, tư duy, thái độ của lãnh đạo và nguyện vọng của NLĐ của đơn vị mình để thêm hoặc bớt các "gia giảm" trong các bước của quá trình thương lượng, tạo ra phương pháp tối ưu nhất cho việc thương lượng tập thể tại đơn vị mình đạt hiệu quả.

 

 

Thanh Hoàn

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website