Góc nhìn & chia sẻ
Những chuyến xe yêu thương cho đường về quê thêm gần
Hàng năm mỗi dịp Tết đến xuân về, người người lại náo nức chờ mong kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm được đoàn tụ, sum họp bên gia đình. Đối với những người lao động xa quê, đây là khoảng thời gian được nghỉ ngơi, gặp gỡ người thân, bạn bè, chia sẻ buồn vui sau một năm xa cách.
Dệt May là ngành đông lao động, các nhà máy xí nghiệp thường nằm tại các khu công nghiệp hoặc các trung tâm nơi giao thông thuận lợi bởi vậy công nhân đa phần là lao động ngoại tỉnh. Đối với người công nhân, bên cạnh niềm vui chuẩn bị được về nhà đón Tết còn có nhiều băn khoăn trăn trở. Vui bởi được đoàn tụ bên gia đình nhưng đời sống công nhân còn khó khăn, chi phí tàu xe, quà cáp cho mọi người đều phải tính toán kĩ lưỡng. Có những người vì điều kiện kinh tế mà buộc phải chọn năm về, năm ở lại, chấp nhận cảnh đón Tết xa quê, xa gia đình. Bên cạnh đó, vào dịp cuối năm, khi mà tất cả nhà máy, xí nghiệp, đơn vị cùng được nghỉ một thời điểm nhu cầu đi lại tăng vọt mặc dù các chuyến tàu xe đã tăng chuyến nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu quá lớn. Tình trạng nhà xe nhồi nhét khách, đón trả khách giữa đường gây mất an toàn giao thông thường xuyên diễn ra, trong khi giá cước lại đội lên gấp 2 thậm chí 3 lần ngày thường. Điều đó tăng thêm phần gian nan, nặng gánh cho NLĐ trên hành trình về quê.
Xe đưa người lao động về quê đón Tết Tân Sửu của Dệt May Huế
Nắm bắt được sự khó khăn, lo lắng của công nhân lao động, từ nhiều năm nay Công đoàn Dệt May Việt Nam ngoài các hoạt động chăm lo cho NLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán, còn phối hợp cùng công đoàn cơ sở tổ chức nhiều chuyến xe đưa người lao động về quê đón tết. Ví dụ như Tết Canh tý 2020, Công đoàn ngành đã tặng 10 chuyến xe và năm Tân Sửu 2021 là 12 chuyến với tổng trị giá 120 triệu đồng. Xe không chỉ đưa đón NLĐ mà cả gia đình bao gồm vợ, chồng, con cái cũng có thể đăng ký đi cùng. Điều này khiến công nhân lao động yên tâm làm việc đến sát ngày nghỉ mà không phải lo lắng xếp hàng hàng mua vé từ nhiều tuần trước, hay mua phải vé "chợ đen" cao ngất mà vẫn chịu cảnh nhồi nhét trên xe...
Tại một số đơn vị, cùng với phần kinh phí Công đoàn ngành hỗ trợ, công đoàn cơ sở còn tổ chức tặng tiền, quà Tết, trang bị đồ ăn, nước uống cho NLĐ dùng trên xe. Chị Lương Thị Thuý - Công nhân may Công ty CP Dệt May Huế chia sẻ "Trước đây để chuẩn bị về quê đón Tết vợ chồng tôi phải chờ trực tại các bến tàu xe hàng tháng trước tết để mua vé cho cả 4 người để về Thanh Hoá, cước xe cho cả gia đình cũng ngốn hết hơn 1 triệu đồng, xe đông chật chội đôi khi còn không thể mang hết đồ đã mua về làm quà cho người thân. Nay được công ty bố trí xe rộng rãi, có đủ ghế cho cả gia đình, được trang bị đồ ăn dọc đường và không phải lo lắng khi mang nhiều đồ về quê. Với những NLĐ xa quê như chúng tôi, những chuyến xe có ý nghĩa vô cùng to lớn, mong rằng những chuyến xe sẽ ngày một lan tỏa để nhiều NLĐ được hưởng phúc lợi này hơn nữa.".
Xe đưa NLĐ về quê đón Tết của Dệt May Thiên An Phát
Một số đơn vị do lượng công nhân rất lớn không thể tổ chức chuyến xe nhưng khi lao động quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, công đoàn sẽ thanh toán toàn bộ cước xe hoặc hỗ trợ một phần cho NLĐ. Điều này cũng tạo động lực, thúc đẩy NLĐ nhanh chóng vào việc sau kỳ nghỉ lễ.
Quy trình khử khuẩn toàn bộ phương tiện được May10 thực hiện nghiêm túc trước khi NLĐ lên xe
Năm nay, những ngày giáp tết,dịch bệnh lại bùng phát tại một số tỉnh thành trong cả nước. Để đảm bảo an toàn, các đơn vị thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng chống dịch như xịt khử khuẩn toàn bộ phương tiện, đồ dùng tư trang; khai báo y tế, phát khẩu trang, đo nhiệt độ cho NLĐ, phát bữa ăn ngay trên xe để tránh tập trung ăn uống ở bên ngoài...
Đối với NLĐ có quê là các địa phương, khu vực có dịch, thực hiện lời kêu gọi của Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhiều người đã thay đổi kế hoạch, ở lại không về quê đón tết. Những chuyến xe nghĩa tình dù đã được chuẩn bị có thể tạm thời dừng lại hoặc thay đổi lịch trình nhưng cũng đủ để NLĐ cảm thấy ấm lòng hơn trong bối cảnh khó khăn chung khi mà nhiều người vì điều kiện kinh tế hoặc dịch Covid-19 phải đón một cái Tết nơi đất khách quê người.
Với những chuyến xe yêu thương, NLĐ thấy quê hương tuy xa mà vẫn như gần, sẵn sàng đón một cái tết có thể phải xa nhà nhưng an lành và không kém phần ấm áp.
Lê Giang
Tin khác
- Tự mãn: “Căn bệnh” triệt tiêu động lực phát triển
- Cảm xúc Tháng 3
- Tổ chức Đoàn – “Vườn ươm” của Công ty CP Dệt May Huế
- Tầm quan trọng và giá trị của nước
- Có một cây là có rừng
- Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 và hưởng ứng Tuần lễ Áo dài Việt Nam năm 2021
- Nữ CNLĐ Lê Thị Lệ Thu: Nếu không yêu nghề mến nghiệp, sẽ chẳng thể bám máy đến cùng
- Sức khỏe sinh sản - Những điều cả hai giới cần quan tâm
- Những quy định chi tiết về điều kiện lao động và quan hệ lao động theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020
- Dệt May Huế: Thiên tai, dịch bệnh nhưng quyết không lùi bước
- Mỗi giọt máu, một tấm lòng
- Tuổi trẻ Dệt May: Ngọn lửa đỏ mãi trên hành trình xây dựng và phát triển ngành
- Đừng lãng phí mùa xuân của cuộc đời
- Bệnh lao - Nhận biết và phòng ngừa
- Bình đẳng giới trong gia đình CNLĐ Dệt May
- Góc thơ: Xin hôn bàn tay người Mẹ
- Phụ nữ có nên là phái yếu?
- Phụ nữ thời kỳ công nghiệp 4.0 với phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”
- Những yếu tố để tạo nên những cuộc thương lượng tập thể thành công
- Bệnh viện Dệt May: Hướng đến mô hình bệnh viện chuyên sâu hàng đầu của Ngành