Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Nhân rộng mô hình “Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu” ngành Dệt May

Dệt may là ngành nghề có nhiều vị trí công việc dễ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Với mong muốn đảm bảo an toàn và sức khỏe cho NLĐ, các doanh nghiệp dệt may đều chú trọng tới công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Năm 2020, lần đầu tiên Cuộc bình chọn và trao giải "Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu" ngành Dệt May Việt Nam được tổ chức, thực sự đã tạo được dấu ấn và sự lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống.

 

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học &ATVSLĐ, Tạp chí Lao động & Công đoàn tổ chức chương trình bình chọn "Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu ngành Dệt May". Có 40 hồ sơ tham gia đề cử. Trên cơ sở 50 tiêu chí an toàn và 3 vòng bình chọn: Sơ khảo hồ sơ, khảo sát và chấm điểm thực tế. Với tinh thần nghiêm túc, công bằng, minh bạch, Hội đồng thẩm định đã lựa chọn 20 doanh nghiệp tiêu biểu để vinh danh trong đó 15 doanh nghiệp có CĐCS trực thuộc Công đoàn Dệt May Việt Nam.

 

 

Điểm chung của doanh nghiệp an toàn tiểu biểu, ngoài việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và đảm bảo đúng luật định về công tác ATVSLĐ, bảo vệ môi trường; một số doanh nghiệp đã coi trọng đổi mới, đầu tư công nghệ tiên tiến cho hệ thống phụ trợ như nồi hơi, khí nén chạy điện; bao phủ hệ thống cây xanh trong khuôn viên doanh nghiệp, cải tạo cảnh quan môi trường..; Bên cạnh đó còn duy trì tốt công tác truyền thông, minh bạch thông tin liên quan tới ATVSLĐ, bảo vệ môi trường cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ. Điều đáng ghi nhận và trân trọng, tất cả các đơn vị cùng đề cao công tác ATVSLĐ, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đối với NLĐ mà còn là nhân tố quan trọng trực tiếp xây dựng nên thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho NLĐ.

 

Mặc dù đây là lần đầu tiên tổ chức chương trình bình chọn "Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu" ngành Dệt May nhưng đã khẳng định chức năng, nhiệm vụ vai trò của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ cũng như nghiên cứu khoa học với mục tiêu hướng đến NLĐ. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của DN và NLĐ đối với việc thực hiện đảm bảo ATVSLĐ, bảo vệ môi trường; vinh danh các doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực đối với việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho NLĐ, đề cao hoạt động mang ý nghĩa nhân văn và thể hiện trách nhiệm xã hội. Từ thực tế triển khai chương trình, các chuyên gia sẽ đề xuất đóng góp ý kiến nhằm điều chỉnh, hoàn thiện chính sách về ATVSLĐ nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác này; thử nghiệm để tiến tới xây dựng được một hệ thống đánh giá độc lập của Tổng Liên đoàn trong công tác ATVSLĐ.

 

Ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết: "Đây là một chương trình vô cùng ý nghĩa, góp phần lan tỏa và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp đối với vấn đề ATVSLĐ. Chương trình là cơ hội để các doanh nghiệp được tôn vinh tự hào, xác định trách nhiệm, khẳng định vị trí của mình. Đồng thời, là cơ sở chứng nhận để khách hàng đánh giá về doanh nghiệp. Từ đó, có những tác động tích cực tới việc làm, môi trường và quyền lợi của người lao động".

 

 

Phát biểu tại Lễ vinh danh "Doanh nghiệp An toàn tiêu biểu ngành Dệt May" năm 2020 được diễn ra ngày 7/1/2020 tại thành phố Huế, ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục ATLĐ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thành viên Hội đồng thẩm định cũng chia sẻ: "Giờ đây, doanh nghiệp không chỉ quan niệm công tác ATVSLĐ là thực hiện trách nhiệm bắt buộc theo yêu cầu của pháp luật, mà còn nhìn nhận vấn đề đảm bảo ATVSLĐ là sự đầu tư cho phát triển, xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp. Chính vì vậy, vai trò của công tác An toàn trong doanh nghiệp ngày càng được nêu cao, phấn đấu tạo nên sự khác biệt, được khách hàng nhìn nhận với những sản phẩm "sạch", là các sản phẩm được làm nên bởi CNLĐ có điều kiện làm việc tốt, các chế độ, chính sách lao động đảm bảo".

 

Ấn tượng và sức lan tỏa của chương trình đã tạo ra động lực, khuyến khích các đơn vị quan tâm hơn nữa tới công tác ATVSLĐ. Để làm tốt công tác này rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, cụ thể:

 

Đối với Doanh nghiệp: Thực hiện đúng quy định pháp luật về công tác ATVSLĐ; không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, trang bị bảo hộ lao động; ứng dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất tiên tiến giảm thiểu sức lao động và nguy cơ tai nạn lao động đối với NLĐ. Đối với các doanh nghiệp đạt danh hiệu "Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu ngành dệt may" năm 2020 cần duy trì và phát huy danh hiệu; chia sẻ những giải pháp hữu hiệu có sức lan tỏa trong toàn hệ thống.

 

Đối với công đoàn cơ sở: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NLĐ nhằm gạt bỏ sự chủ quan, lơ là, thiếu ý thức phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) có thể bất ngờ xảy ra. Vận động Người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc, tìm các biện pháp hạn chế TNLĐ và thực hiện tốt chế độ chính sách về ATVSLĐ trong doanh nghiệp. Khảo sát, nghiên cứu và xem xét đưa các điều khoản đảm bảo ATVSLĐ vào thương lượng, kí kết TƯLĐTT, đối thoại định kỳ với NSDLĐ. Phối hợp với doanh nghiệp làm tốt công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ làm công tác ATVSLĐ.

 

Đối với người lao động: Không ngừng đề cao cảnh giác những rủi ro tiềm ẩn đối với sự an toàn của mình và những người xung quanh tại nơi làm việc. Thực hiện đúng quy trình, biện pháp an toàn tại nơi làm việc. Tham gia đóng góp ý kiến và kiến nghị kịp thời khi điều kiện và môi trường làm việc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

 

Đối với cơ quan quản lý về mặt Nhà nước: Đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn trong lao động cho NSDLĐ và NLĐ, nhất là mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV). Thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về bảo hộ lao động ở các DN; thông tin kịp thời về các vụ TNLĐ, nguy cơ TNLĐ, có biện pháp phòng ngừa; xử lý nghiêm minh những đơn vị vi phạm quy định Luật ATVSLĐ và các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

 

Khi nhiều doanh nghiệp dệt may an toàn sẽ đồng nghĩa với việc có nhiều NLĐ được thụ hưởng môi trường, điều kiện làm việc tốt nhất. Cùng với danh hiệu "Doanh nghiệp vì người lao động" hy vọng việc bình chọn và tôn vinh danh hiệu "Doanh nghiệp an toàn tiêu biểu của ngành Dệt May" năm 2020 sẽ được duy trì, nhân rộng nhằm hướng đến mục tiêu tốt nhất đối với tài sản quý nhất của doanh nghiệp là người lao động./.

 

Nguyễn Thủy

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website