Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Vinatex: Nhìn lại công tác bảo đảm việc làm, nâng cao mức sống cho công nhân lao động năm 2020

Năm 2020 là một năm quá nhiều biến động đối với nền kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng dệt may thế giới do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Là đơn vị nòng cốt, dẫn đầu ngành Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã có nhiều nỗ lực trong đảm bảo việc làm cho NLĐ và duy trì được vị trí của ngành trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

 

Ngay từ ngày đầu tiên quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý, Tập đoàn đã bắt đầu với cuộc họp khẩn cấp nhằm triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 với nhiều dự báo nhanh được đưa ra về những khó khăn sẽ phải đối mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020. Tiếp sau đó, vào ngày 25/3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Tập đoàn với sự tham dự của toàn thể Lãnh đạo cấp cao tại các đơn vị thành viên đã được tổ chức và xác định các thách thức mà ngành và Tập đoàn có thể phải đối mặt do dịch bệnh, đồng thời đưa ra các giải pháp mà mục tiêu hướng đến hàng đầu là "bảo toàn đội ngũ".

 

 

Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt tại Việt Nam, Vinatex đã quán triệt, trong điều kiện "bình thường mới" toàn hệ thống tập trung toàn lực ưu tiên ổn định lao động, đảm bảo việc làm, tăng cường phòng dịch để không gián đoạn hoạt động và tạo đà phục hồi nhanh sau đại dịch. Thiết lập kênh tương tác thường trực giữa Tập đoàn và các đơn vị thành viên để phản ứng nhanh với diễn biến thị trường, điều phối năng lực sản xuất giữa các đơn vị và kịp thời xử lý điểm nghẽn và chia sẻ cách làm hay, giải pháp tốt, chia sẻ kỹ thuật giữa các đơn vị trong Tập đoàn. Do vậy đã đảm bảo ổn định lực lượng lao động, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động trong tình hình khó khăn do dịch bệnh.

 

Được biết, tổng số lao động bình quân toàn Tập đoàn năm 2020 là 70.654 người. Nếu tính cả các công ty con của doanh nghiệp thành viên thì tổng số lao động trong toàn hệ thống khoảng 155.000 người.  Như vậy, tổng số lao động năm 2020 bằng 94% so với  năm 2019 và bằng 96% so với kế hoạch năm 2020. Mức giảm 6% này là mức giảm tự nhiên, tương đương với năm 2019 và các năm trước. Tuy nhiên số lao động được tuyển mới ít hơn do thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp dừng tuyển dụng lao động.

 

Mức thu nhập bình quân toàn Tập đoàn năm 2020 vào khoảng  8,05 triệu đồng/người/tháng, giảm 4,5% so với 2019. Trong bối cảnh khó khăn chung, đây là mức giảm không đáng kể do nhiều doanh nghiệp đã sử dụng quỹ tiền lương dự phòng từ các năm trước để ổn định thu nhập, đời sống cho người lao động.  

 

Ngoài ra, với phương châm "Bố trí thời gian sản xuất linh hoạt, chia sẻ khối lượng công việc ít ỏi với mục tiêu duy trì thu nhập và việc làm cho nhiều người lao động nhất có thể", năm qua, các doanh nghiệp cũng phải giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ luân phiên, vì vậy tổng số giờ công lao động năm 2020 giảm khoảng 10% nhưng thu nhập bình quân tính theo giờ công vẫn tăng khoản 8,5% so với năm trước.

 

Năm 2020, tổng số tiền được Vinatex chi cho công tác từ thiện xã hội và chăm lo cho NLĐ dự kiến vào khoảng trên 45,5 tỷ đồng, bao gồm hỗ trợ CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ CNLĐ miền Trung gặp bão lũ và công tác chăm lo nhân dịp Tết Tân Sửu 2021...

 

Đ/c Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

 

Về mức thưởng Tết nguyên đán 2021, chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam diễn ra sáng 24/12 vừa qua, đ/c Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết: "Mặc dù tình hình năm 2020 rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong Tập đoàn vẫn đảm báo mức thưởng Tết bình quân là 1,5 tháng lương, tương đương 13 triệu đồng/người (bằng 90% so với 2019), doanh nghiệp thưởng thấp nhất là 1 tháng lương, cao nhất là 3 tháng lương."

 

Ngoài tiền thưởng Tết, các hoạt động chăm lo khác đối với người lao động được Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục duy trì. Công đoàn Dệt May dự kiến sẽ trao 3.000 suất quà cho NLĐ, mỗi suất quà trị giá 500.000đ cùng nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm; trao hơn 2.000 tấm vé nghĩa tình để NLĐ tỉnh xa về quê đón Tết.

 

Tập đoàn tiếp tục phối hợp với Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức chương trình "Tết Sum vầy - Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình" nhân dịp Tết Tân Sửu 2021. Chương trình vẫn được tổ chức tại 06 điểm ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam như năm trước. Mặc dù quy mô được thực hiện đơn giản hơn  nhưng vẫn đầy đủ các nội dung thiết thực: Tổ chức các gian hàng bán những sản phẩm với giá ưu đãi cho NLĐ; Tổ chức gian hàng đồng giá với các sản phẩm từ các nguồn ủng hộ của các tập thể, cá nhân, được bán (với giá tượng trưng); toàn bộ số thu từ gian hàng này được gây quỹ xã hội từ thiện để chăm lo cho NLĐ;  Tổ chức trao quà cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam; Các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ trong CNLĐ.

 

VH

 

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận
Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website