Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Nguyên tắc 4-3-2-1: Giải pháp chi tiêu CNLĐ Dệt May nên tham khảo

Bài toán cân đối thu chi, nhất là trong những hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp, luôn là vấn đề hết sức khó khăn, thậm chí khá bế tắc đối với không ít chị em. Với những lao động làm việc trong các doanh nghiệp dệt may, ngành nghề vốn có thu nhập chưa cao so với mặt bằng chung, thì chi tiêu làm sao cho đủ trong khoản thu nhập có được, lại càng trở nên nan giải, đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 hiện nay. Bài viết này hy vọng sẽ đem đến cho CNLĐ của ngành, cụ thể là các chị em một nguyên tắc chi tiêu phù hợp với điều kiện hiện nay, đó là nguyên tắc "4-3-2-1".

 

 

Công thức nghe rất có vẻ là "Toán học" này, thực ra là công thức chia nhỏ tổng thu nhập hàng tháng ra cho 4 đầu mục chi tiêu lớn khác nhau. Số tiền dành cho mỗi mục, được đựng trong từng phong bì riêng, có ghi chú cẩn thận, lần lượt tương ứng với 40%- 30%- 20% và 10% thu nhập.

 

40% chi cho các khoản cố định hoặc bắt buộc như thuê nhà, điện nước, xăng xe, tiền học cho con; 30% cho việc ăn uống hàng ngày; 20% là khoản mua sắm cho gia đình, hiếu hỉ, quà cáp cho bố mẹ hai bên, bạn bè; 10% còn lại tích lũy đề phòng ốm đau hoặc có việc đột xuất.

 

Trong  nguyên tắc trên, "40%" là mục cố định, không được tiêu vì bất kể mục đích gì  khác. "10%" cũng là khoản cố gắng không phải dùng tới, nếu trót tiêu trong tháng này, thì một, hai tháng sau đó, nhất định phải bù vào cho đủ. Mục "30%" có thể linh hoạt một chút, tùy hoàn cảnh gia đình thời điểm đó. Mục "20%" là cơ động nhất vì khi cần thiết, có thể lấy từ đó, bù cho các mục khác.

 

Tùy theo điều kiện mà "4- 3- 2- 1" có thể được thay đổi một cách linh hoạt nhưng  có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là chỉ chi tiêu trong phạm vi tổng thu nhập,tuyệt đối không vay mượn.

 

Chị X – Công nhân Công ty CP May Việt Thắng cho biết, chị làm công nhân may của Công ty, còn chồng làm kỹ sư cho một công ty bánh kẹo tại Bình Dương. Gia đình có 5 người gồm vợ chồng chị, con lớn 5 tuổi, con nhỏ 2 tuổi và mẹ già lên chăm cháu. Tổng thu nhập gia đình là 15 triệu/tháng. Chị đã linh hoạt áp dụng nguyên tắc 4-3-2-1 bằng cách chia danh mục chi ra làm 4 mục lớn với tên gọi là "chi phí cố định", "chi phí biến đổi", "chi phí dự phòng" và "tiền tiết kiệm".  "Chi phí cố định" chiếm 45% tổng thu nhập gồm những khoản bắt buộc như thuê nhà, ga, điện nước, xăng xe, tiền học bán trú, tiền sữa cho con. "Chi phí biến động" chiếm 35% gồm mua đồ dùng thiết yếu cho gia đình, tiền ăn 26 ngày/tháng và ăn tươi hơn chút 4 ngày chủ nhật. "Chi phí dự phòng" chiếm 10%, dành cho các khoản: mừng cưới bạn, con ốm hay đám giỗ, sinh nhật... Khoản cuối cùng là "Tiền tiết kiệm" chiếm 10%. Chị X cho biết thêm, hiện vợ chồng chị đã mua được đất ở Bình Dương, đang tiết kiệm tiền để xây nhà cấp 4. Tiền tiết kiệm có được một phần nhỏ từ thu nhập cố định hàng tháng, còn chủ yếu là từ tiền thưởng và tiền Tết cuối năm.

 

Công nhân thắt chặt chi tiêu thời "hậu Covid-19" (ảnh minh họa, nguồn: Internet)

 

Năm nay, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế và cuộc sống của người dân.  Thu nhập người lao động dệt may tùy từng đơn vị, bình quân bị giảm từ 10, tới 30- 40% so với năm trước. Bên cạnh việc được các cấp trong ngành, đặc biệt là tổ chức công đoàn quan tâm, chia sẻ,  các gia đình CNLĐ khó khăn đã bằng nhiều biện pháp, tự chủ động thắt chặt chi tiêu, tìm kiếm công việc làm thêm ngoài giờ. Cụ thể, có gia đình giảm mạnh mục chi tiêu dành cho mua sắm, hiếu hỉ, hay phần tiết kiệm "10%" kia không nhất thiết phải thực hiện.  Ngoài ra, ở một số gia đình, các chị bán thêm hàng online, còn các anh tranh thủ làm thêm, chạy grab ngoài giờ để phụ cho việc chi tiêu, hoặc để dành riêng cho những dự định lớn hơn của gia đình.

 

Hiện nay, tình hình dịch bệnh được Việt Nam kiểm soát tốt, hoạt động của ngành cũng đang có dấu hiệu khởi sắc, công việc dần ổn định trở lại, thu nhập gần được như trước kia nên việc chi tiêu cũng dễ dàng hơn.

 

Suy cho cùng, mọi nguyên tắc chi tiêu dù hợp lý đến đâu cũng không phải là "bất di bất dịch", nhưng trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, CNLĐ trong ngành luôn phải ghi nhớ "Nói CÓ với những thứ PHẢI, đắn đo với thứ CẦN và nói KHÔNG với những thứ THÍCH". Chỉ có cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm trong giai đoạn hiện này mới giúp NLĐ làm chủ cuộc sống,  đảm bảo sự bình an, no đủ cho mọi thành viên trong gia đình.  

                                                                                                                          

 Nguyễn Thị Thu Hương

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website