Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Quân đội Việt Nam - Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ

Ngày 22/12 không chỉ là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà đã trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Một ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Tên gọi "Quân đội nhân dân" là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ".

 

 

Quân đội nhân dân Việt Nam: Trung với nước, hiếu với dân

 

Cách đây 76 năm, ngày 22/12/1944, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập tại núi rừng Cao Bằng.

 

Từ buổi đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đội quân đó từ nhân dân mà ra nên phải dựa vào dân, luôn gắn bó với nhân dân, gần gũi nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu để được dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ, bao bọc và chở che. "Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sỹ" và "phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân".

 

Bởi vậy, trong kháng chiến hay hòa bình, mục tiêu, lý tưởng và mọi hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam đều là vì dân. Trong thời chiến, quân đội là lực lượng chính, trực tiếp chiến đấu chống quân xâm lược, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân; đồng thời cũng cùng nhân dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế; tham gia thực hiện cải cách ruộng đất, xây dựng đời sống mới, giúp đỡ xây dựng tổ chức đảng và chính quyền các cấp, đồng thời, tích cực đấu tranh chống các khuynh hướng tư tưởng cơ hội, xét lại, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, bảo vệ nền tảng chính trị của nhân dân và quân đội. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quân đội là chiến đấu chống quân xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy bản chất cách mạng, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", thực hiện tốt chức năng "đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất" trong tình hình mới.

 

Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, quân đội tham gia hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng cơ sở chính trị, đời sống văn hóa mới... nhất là trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; luôn xung kích, nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Hình ảnh cán bộ, chiến sỹ Quân đội luôn có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, nguy hiểm, xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và làm công tác dân vận đã tô thắm thêm phẩm chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ".

 

Năm 2020, Việt Nam chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 trên thế giời, đồng thời cũng phải trải qua một trong những cơn đại hồng thủy lớn nhất tại khu vực miền Trung. Một lần nữa, vai trò chủ đạo, tính chất nòng cốt của quân đội càng được thể hiện rõ hơn và phát huy mạnh mẽ khi đất nước lâm nguy, đối mặt với "giặc giã", thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.

 

Chốt phòng chống dịch 24/24 của các chiến sỹ bộ đội biên phòng ngay tại bìa rừng

 

Xuyên suốt những ngày phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gian nan, cùng với toàn Đảng toàn dân, những người chiến sĩ đang khắc họa hình ảnh thật đẹp về Bộ đội cụ Hồ "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ"… Nhường cho người phải cách ly chỗ ở, chuẩn bị cơm nước, giữ gìn an ninh, động viên tinh thần người phải cách ly là những hoạt động đang diễn ra hàng ngày tại nhiều địa điểm đóng quân. Nhiều người, trong đó có cả người nước ngoài sau khi kết thúc cách ly đều dành tặng cho người lính cụ Hồ lời cảm ơn, sự khen ngợi bởi tấm lòng nghĩa tình, chia sẻ, trách nhiệm của các anh.

 

Còn trong cơn đại hồng thủy lịch sử vừa qua tại miền Trung, để kịp thời giúp đỡ người dân trên địa bàn ứng phó với bão lũ, những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua nguy hiểm, kịp thời tổ chức di dời các hộ dân có nguy cơ cao bị ngập lụt, sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn; tham gia khắc phục nhanh những đoạn đường bị hư hỏng để bảo đảm lưu thông, trực tiếp tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trong mưa lũ, vận chuyển hàng cứu trợ kịp thời đến cho bà con...Trong những nỗ lực đó, đã có hy sinh, mất mát, đau thương, nhưng đó chính là những hình ảnh đẹp nhất của người lính trong thời bình bởi tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm, không quản ngại hiểm nguy, lấy nhiệm vụ cứu tính mạng của người dân đang bị nạn đặt lên trên hết.

 

 

Sự quan tâm của ngành Dệt May đối với NLĐ từng là bộ đội

 

Các cấp trong ngành luôn quan tâm đối với NLĐ là bộ đội xuất ngũ bởi: Thứ nhất, họ đã từng là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, có thời gian tham gia công tác, chiến đấu, vào sinh ra tử, bảo vệ tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của người dân, nên ngành mong muốn mang đến công việc và thu nhập ổn định để người lính sau xuất ngũ có thể an tâm sinh sống và chăm lo cho gia đình. Thứ hai, đây là lực lượng đã được học tập, rèn luyện nề nếp chính quy, tính kỷ luật rất cao từ trong quân đội; Họ lại có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong nhanh nhẹn, có khả năng ứng phó và xử lý các tình huống cấp bách do đã được luyện tập trong quân ngũ. Những tố chất đó sẽ giúp họ trở thành lực lượng lao động tốt tại đơn vị, doanh nghiệp.

 

Sự quan tâm của ngành được thể hiện qua việc các đơn vị rất ưu tiên tuyển dụng NLĐ từng kinh qua quân đội, tạo điều kiện cho họ được bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao tay nghề trong suốt quá trình làm việc; ngoài ra đến dịp 22/12 hàng năm, nhiều đơn vị đều tổ chức tặng quà cho CBCNVC- NLĐ là bộ đội xuất ngũ. Năm nay, Công đoàn, Tập đoàn Dệt May Việt Nam tặng 12 suất quà cho cán bộ là bộ đội xuất ngũ đang làm việc tại 2 văn phòng, mỗi suất 500.000đ; Tổng Công ty Đức Giang tặng 106 suất, mỗi suất gồm 1 triệu đồng và 1 áo jacket; Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành tặng 26 suất, mối suất 200.000đ. Tổng Công ty May Đồng Nai tặng 23 suất, mỗi suất 200.000đ và một chiếc áo sơmi; Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội tặng 135 suất, mỗi suất 100.000đ;  Công ty CP Đầu tư Vinatex Tân Tạo tặng 7 suất, mỗi suất 200.000đ;  Công ty  TNHH Việt Thắng Luch 1 tặng 12 suất,  mỗi suất 200.000đ, Tổng Công ty May Nhà Bè tặng 132 suất với tổng trị giá 15,3 triệu đồng; Công ty CP thời trang phát triển cao tặng 10 suất, mỗi suất 300.000đ, Công ty CP Dệt May Đầu tư Thương mại Thành Công tặng 193 suất, mỗi suất 100.000đ, Công ty CP May Việt Thắng tặng 26 suất, mỗi suất 200.000đ...

 

Phát huy phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, những người lính sau khi rời quân ngũ về công tác tại các đơn vị dệt may luôn gương mẫu, tận tụy, năng động, sáng tạo, lập nhiều thành tích trên các cương vị công tác. Có thể kể đến những gương mặt điển hình như: Đ/c Vũ Đức Giang - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nay là Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam; đ/c Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên - vừa là doanh nhân thành đạt, vừa là nhà văn, nhà thơ, người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa; và nhiều tấm gương bộ đội xuất ngũ, chuyển ngành khác đang ngày đêm đóng góp cho ngành, khắc sâu thêm vẻ đẹp về người lính ngay cả trong thời bình.

 

---

 

Có thể nói, ở mọi thời kỳ, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là chỗ dựa trung thành, tin cậy của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân, lấy phụng sự nhân dân làm mục tiêu lý tưởng; gắn bó máu thịt với nhân dân theo đúng nghĩa: Quân đội Việt Nam - Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.  Người lính về với ngành Dệt May Việt Nam cũng vậy, luôn thấu hiểu, gắn bó thủy chung và nỗ lực hết mình vì một dệt may phát triển bền vững.

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website