Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Dáng vóc và tâm hồn dân tộc qua vẻ đẹp tà áo dài Việt Nam

Không biết tự bao giờ tà áo dài đã trở nên quá đỗi thân thuộc với người dân đất Việt, trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tạo nghệ thuật và thi ca. Trải qua cùng chiều dài lịch sử đất nước, vượt qua vai trò là một sản phẩm thời trang, tà áo dài Việt Nam đã đạt đến sản phẩm văn hóa, mang đậm bản sắc dân tộc, biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam.

 

Trong đời sống thường nhật, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ thướt tha trong tà áo dài mềm mại. Trang trọng, lịch lãm đồng thời tôn lên vẻ đẹp kín đáo nhưng gợi cảm của phái đẹp. Không phải ngẫu nhiên chiếc áo dài được phụ nữ Việt Nam lựa chọn là trang phục gắn với những sự kiện đáng nhớ của cuộc đời, bởi lẽ đây là trang phục có vẻ đẹp "không tuổi" với sức sống vượt lên cả không gian và thời gian.

 

Phụ nữ mặc áo dài không chỉ dừng lại là trang phục làm đẹp mà còn là trách nhiệm công dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa dân tộc. Cũng giống như nhiều trang phục thời trang khác, áo dài truyền thống sẽ trở lên đẹp hơn, tỏa sáng hơn khi bản thân người mặc nó trong một không gian, môi trường, điều kiện công việc phù hợp; cách phối đồ cũng như phụ kiện phải hài hòa, đẹp mắt. Tuy nhiên, điểm khác biệt của tà áo dài Việt Nam là mang ý nghĩa giáo dục, khi mang trên mình chiếc áo dài người mặc phải chú trọng đến từng cử chỉ, hành động, ngôn ngữ và cách ứng xử sao cho văn hóa, phù hợp với chuẩn mực của người phụ nữ Á Đông.

 

Theo dòng chảy của lịch sử, phong cách thời trang có thể biến đổi từng ngày, từng giờ để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của xã hội nhưng vẻ đẹp của áo dài Việt Nam thì không bao giờ thay đổi. Áo dài trở thành nguồn cảm hứng vô tận để nhiều nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo, thổi hồn đất nước vào đó, để khi nhìn vào bất cứ ai, đặc biệt đối với người con xa xứ sẽ cảm nhận tà áo dài Việt Nam chứa đựng cả hình bóng quê hương.

 

Cán bộ CĐCS khu vực phía Bắc và những chiếc áo dài truyền thống

 

 Sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn cộng đồng đã góp phần khơi gợi dáng vóc và tâm hồn người Việt qua tà áo dài dân tộc: Năm 2001, lần đầu tiên áo dài Việt Nam được trình diễn tại thủ đô Paris (Pháp) trước bạn bè thế giới. Tại các diễn đàn Quốc tế, đón tiếp các nguyên thủ Quốc gia hay đối ngoại, các đồng chí nữ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước chọn trang phục áo dài là Quốc phục. Các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới dù ở quy mô nào thì áo dài luôn được thí sinh Việt Nam lựa chọn là trang phục đại diện để khẳng định với bạn bè Quốc tế "Tôi là người Việt Nam" hay tại các sự kiện chính trị áo dài truyền thống là trang phục bắt buộc của đại biểu nữ khi tham đự. Còn đối với trường học áo dài là đồng phục cho nữ giáo viên và học sinh, sinh viên;  một số ngành như hàng không, du lịch, ngân hàng... đồng phục áo dài truyền thống thể hiện văn hóa doanh nghiệp cũng như là biểu tượng quảng bá đất nước, con người Việt Nam.

 

Tháng 3 năm 2014, lần đầu tiên "Lễ hội áo dài" được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh sau đó là TP. Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Hoạt động ý nghĩa này thu hút đông đảo công chúng tham gia. Đa dạng về màu sắc, đa dạng về kiểu dáng; Không giới hạn về không gian, thời gian, không phân biệt vị trí xã hội, nghề nghiệp, tuổi tác...Lễ hội áo dài ngày càng có sức lan tỏa trong cộng đồng và bạn bè quốc tế.

 

 Đối với ngành Dệt May Việt Nam, mặc dù các doanh nghiệp trực thuộc không có vai trò chủ đạo trong việc thiết kế và may mặc áo dài. Tuy nhiên, những năm qua nữ CNVCLĐ Dệt May đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy trang phục này. Là ngành có tỷ lệ lao động nữ chiếm tới 70%, song đại đa số CNLĐ trực tiếp sản xuất nên không cho phép lựa chọn trang phục áo dài truyền thống là đồng phục. Để góp phần tôn vinh trang phục áo dài cũng như tạo điều kiện và cơ hội cho lao động nữ Dệt May được thể hiện nét đẹp, sự duyên dáng và thụ hưởng những giá trị tinh thần từ tà áo dài truyền thống, các cấp Công đoàn đã tuyên truyên, vận động chị em mặc áo dài khi tham dự các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống, ngày lễ lớn, các sự kiện do các cấp, ngành cũng như cơ quan, đơn vị, tổ chức.

 

Tại cấp ngành: Chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, từ năm 2018 đến năm 2020 Công đoàn Dệt May Việt Nam đã 2 lần trang bị với trên 400 bộ áo dài đồng phục cho các đồng chí là nữ Cán bộ công đoàn chuyên trách, nữ chủ tịch CĐCS và Trưởng Ban nữ công CĐCS trực thuộc. Cùng với trang phục nhận diện của Tổng LĐLĐ Việt Nam quy định, nữ cán bộ công đoàn Dệt May có thêm đồng phục áo dài truyền thống để thể hiện khi tham gia các chương trình, sự kiện, hội nghị do các cấp Công đoàn tổ chức.  

 

Công đoàn chi nhánh PPJ Đà Nẵng tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề "Nét đẹp Phụ nữ xưa và nay".

 

Tại cấp cơ sở, những năm gần đây đặc biệt là nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2020, nhiều đơn vị đã lựa chọn sản phẩm áo dài là quà tặng, phần thưởng cho nữ CNVCLĐ, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh tà áo dài truyền thống. Công ty CP Dệt May-Đầu tư-Thương Mại Thành Công tổ chức chương trình "Biểu diễn đồng phục áo dài truyền thống" và hội thi "Duyên dáng áo dài Thành Công", Công ty TNHH MTV Dệt Vải Vinatex Quốc tế tổ chức hội thi "Duyên dáng áo dài", Công đoàn chi nhánh PPJ Đà Nẵng tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề "Nét đẹp Phụ nữ xưa và nay"... Các hoạt động ý nghĩa này không chỉ hưởng ứng sự kiện "Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam" do Tổng Liên đoàn,Trung ương Hội phụ nữ và Bộ VHTT&Du lịch phát động mà còn giúp cho nữ CNVCLĐ Dệt May thêm hiểu biết và yêu mến trang phục truyền thống của dân tộc.

 

Với mỗi dân tộc, văn hóa được dệt lên từ những điều bình dị trong cuộc sống. Trải qua thăng trầm của lịch sử song những gì được kết tinh từ giá trị đích thực sẽ mãi mãi trường tồn. Và áo dài Việt Nam là một di sản như thế. Bằng sự vào cuộc tích cực của các cấp các ngành, sự trân quý của người dân Việt Nam hy vọng tà áo dài Việt Nam sẽ sớm trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, tiến tới đề xuất UNESSO công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

 Nguyễn Thủy

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website