Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Ý thức kém 1 ly, hậu quả đi 1 dặm

Trong cuộc sống hàng ngày, có những hành động thiếu ý thức tưởng chừng vô hại nhưng thực tế lại gây ra sự bất tiện, khó chịu cho những người xung quanh, thậm chí còn gây hậu quả nghiêm trọng, tổn thất lớn cho xã hội. Câu chuyện ý thức kém trong đại dịch Covid-19 một lần nữa nhắc nhở chúng ta về tính tự giác và sự tuân thủ trong cộng đồng.   

 

Ý thức từ những chuyện nhỏ nhất...

 

Cuộc sống ngày càng tất bật, con người càng không có đủ thời gian để ngẫm nghĩ về thái độ, hành động của mình. Có những điều đơn giản, tưởng như không gây ảnh hưởng đến ai nhưng thực tế lại làm người khác bất tiện, khó chịu, gây lãng phí thời gian và công sức.

 

Ví dụ như việc nhỏ nhất là đi thang máy chung cư hoặc công sở. Hình ảnh một đám đông đứng chờ trước cửa thang máy, khi cửa thang máy vừa mở, không đợi cho người bên trong kịp bước ra, những người bên ngoài chen chúc, xô đẩy nhau để vào, dẫn đến tình cảnh người ở trong không ra được và người ở ngoài cũng không vào được. Như vậy, những người tưởng là muốn nhanh hơn kia, thực chất lại gây khó, làm mất thời gian của chính mình và những người khác nữa.

 

Hay câu chuyện về rác có thể được liệt vào trong một danh sách những điều  "Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi" thuộc hàng "kinh điển" của Việt Nam! Hiếm có nước nào trên thế giới mà đi đến bất cứ chỗ nào cũng gặp biển "cấm vứt rác" như ở nước ta. Vậy nhưng bất chấp sự "tăng trưởng" không ngừng của những tấm biển có rất ít giá trị thẩm mỹ kia, rác vẫn ngập ngụa khắp nơi, thậm chí, ngay cạnh nơi đặt biển cấm!  Người dân vứt rác bừa bãi, nhiều khi chỉ vì tiện tay, ngại đi đến chỗ thùng rác hơi xa một tí, nhưng hậu quả mà một thành phố, một quốc gia phải gánh chịu do ô nhiễm môi trường thì lại vô cùng to lớn. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước gần 16 triệu tấn. Riêng lượng rác thải nhựa thải ra mỗi ngày ước tính khoảng gần 18 nghìn tấn và Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, với khối lượng khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Tác hại của ô nhiễm và rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, rác thải y tế không chỉ dừng lại trong thời điểm đó, mà sẽ để lại hậu quả trong nhiều năm, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam, do rác thải và ô nhiễm sẽ phá hủy môi trường biển, giết chết nhiều loại thủy hải sản và sinh vật biển, làm mất cân bằng môi trường sinh thái; trên đất liền, rác thải và ô nhiễm sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người.

 

Ảnh: Internet

 

Và ý thức trong phòng chống dịch Covid- 19

 

COVID-19 là một trong những đại dịch có tốc độ lây lan nhanh nhất trong lịch sử loài người, tính đến nay dịch đã lan đến 215 quốc gia/vùng lãnh thổ, có hơn 68 triệu người mắc bệnh, số ca tử vong hơn 1,5 triệu người. Chính vì vậy ý thức phòng, chống chính là nhân tố quyết định trong kiểm soát dịch bệnh. Điều này đòi hỏi mỗi người phải nâng cao ý thức của bản thân, nghiêm túc tuân thủ các quy định của Bộ Y tế.

 

Chỉ cần mỗi người thực hiện đúng và đủ các yêu cầu về đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh,  hạn chế tập trung đông người cũng như  trung thực trong khai báo y tế, nghiêm túc cách ly khi được yêu cầu đã là góp phần vào công tác phòng chống dịch của toàn xã hội.  

 

Trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam suốt gần 1 năm qua, đã ghi nhận những trường hợp chỉ vì thiếu ý thức mà gây nên hậu quả khôn lường cho cả đất nước.

 

Ảnh: Internet

 

Gần đây nhất là sự việc của bệnh nhân số 1342, chỉ vì chủ quan, lơ là, thiếu ý thức, nên đã vi phạm quy định về cách ly phòng chống dịch bệnh, dẫn đến hậu quả tự lây bệnh cho chính mình và làm lây lan bệnh cho 3 người khác, khiến cuộc sống của chính bệnh nhân và những người xung quanh bị đảo lộn. Nghiêm trọng hơn, cả một thành phố nơi bệnh nhân và các F1, F2 sinh sống với khoảng 15 triệu dân, chiếm hơn 1/5 GDP và gần 30% tổng thu ngân sách của cả nước,... bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng trăm người phải ngay lập tức vào cuộc, truy vết để tìm ra nhanh nhất có thể các F1, F2. Bộ đội, công an, nhân viên y tế tại các khu cách ly lại phải đón thêm hàng trăm người có liên quan đến các bệnh nhân này. Hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên phải nghỉ học, nhà trường tạm thời đóng cửa. Rất nhiều tour du lịch tới thành phố đã bị hủy, kéo theo sự tác động dây chuyền tới hệ thống khách sạn, nhà hàng, taxi, grab...và rất, rất nhiều ngành nghề khác.

 

Mặc dù tình hình đã được kiểm soát, không để tạo thành làn sóng lây nhiễm thứ 3 (trước đó là 2 làn sóng lây nhiễm vào cuối tháng 3 và tháng 7/2020), song đó vẫn là hồi chuông cảnh báo về ý thức phòng dịch.  Chúng ta đã từng chứng kiến bài học từ sự vô ý thức, cố tình khai báo y tế gian dối của bệnh nhân số 17 đã mở đầu cho cuộc chiến chống Covid vô cùng khó khăn, gian khổ của cả nước, sau hơn 20 ngày bình yên. Rồi tới bệnh nhân số 34 siêu lây nhiễm ở Bình Thuận, liên tục khai báo gian dối, gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng; bệnh nhân 178 ở Thái Nguyên, tuy đã có những triệu chứng mắc bệnh rõ ràng, nhưng vẫn cố tình che giấu, tiếp xúc với rất nhiều nhân viên y tế và hàng trăm F1, F2 nữa.

..

Và ngay cả trong chính chúng ta, không ít người vẫn vô tư không đeo khẩu trang tại những nơi nguy cơ lây nhiễm cao như siêu thị, phương tiện công cộng, bệnh viện...; hay vẫn có những nhóm người phớt lờ cảnh báo mà tập trung đông người, tổ chức vui chơi, giải trí với số lượng người tham gia lớn; thậm chí ngay cả công tác phòng dịch tại nhiều điểm công cộng cũng chỉ được làm qua loa, làm cho có... 

 

Xung quanh chúng ta vẫn còn nhiều người đang hành xử một cách rất thiếu ý thức, chủ quan, thiếu tuân thủ những quy định chung về phòng chống dịch bệnh. Có thể thấy, bất kỳ ai, chỉ vì chút bất cẩn, thiếu ý thức, cũng đều có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng, cho xã hội, cho gia đình và cho chính bản thân họ.

 

Chỉ khi mà cả xã hội, đại bộ phận người dân đều cùng có ý thức thì những cá nhân đơn lẻ kia, sẽ tự trở thành thiểu số, bị loại ra khỏi cộng đồng chung có ý thức, sẽ bị lên án, tẩy chay, buộc họ phải tự suy xét, ngẫm nghĩ và thay đổi hành động của chính mình. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng, câu chuyện về sự thiếu ý thức, gây thiệt hại lớn cho cộng đồng sẽ  không còn lặp lại.

 

Đối với  Dệt May Việt Nam, đây là ngành đông lao động, sản xuất, sinh hoạt tập trung nên chỉ cần một hành vi thiếu ý thức của  bất kỳ ai đó, cũng sẽ ảnh hưởng đến cả một tập thể, thậm chỉ cả một doanh nghiệp. Trong bối cảnh Covid-19,  CBCNVLĐ ngành cần tuân thủ nghiêm túc các biên pháp phòng chống dịch, không chỉ tại nơi làm việc mà còn trong cả cộng đồng, để bảo vệ chính mình, bảo vệ doanh nghiệp và bảo vệ những người xung quanh. Chỉ cần mỗi người có ý thức phòng chống dịch, cũng chính là góp phần cùng toàn xã hội đẩy lùi Covid-19.

 

 

                                                                                                                                Nguyễn Thị Thu Hương

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website