Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Phòng chống HIV/AIDS - Những điều người lao động cần biết

HIV/AIDS vẫn là một trong những hiểm họa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng trên thế giới. Bài viết này sẽ cung cấp cho người lao động các thông tin về phòng chống HIV/AIDS, tại nơi làm việc, các chính sách chăm sóc sức khỏe, điều trị y tế và các chính sách hỗ trợ cho người nhiễm HIV.

 

1. Các thông tin về phòng chống HIV/AIDS

 

1.1. Các cách để ngăn ngừa lây nhiễm HIV

 

- Thực hiện hành vi tình dục an toàn như sử dụng bao cao su;

 

- Xét nghiệm và điều trị các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV để ngăn ngừa lây truyền sang người khác;

 

- Không dùng chung kim tiêm, luôn luôn sử dụng kim tiêm và ống chích vô trùng;

 

- Không sử dụng ma túy, hạn chế rượu bia vì những chất này ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và hành động của con người, dễ dẫn đến những hành vi không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV;

 

- Đảm bảo rằng bất kỳ máu hoặc sản phẩm máu nào đều được xét nghiệm HIV;

 

- Điều trị kháng retrovirus bắt đầu càng sớm càng tốt cho sức khỏe của chính người bị nhiễm và ngăn ngừa lây nhiễm HIV;

 

- Dự phòng trước phơi nhiễm khi tham gia vào hành vi nguy cơ cao; dự phòng sau phơi nhiễm nếu có nguy cơ đã tiếp xúc với nhiễm HIV.

 

1.2. Biết tình trạng nhiễm HIV

 

Xét nghiệm HIV là việc làm cần thiết cho tất cả mọi người, không chỉ là những người có nguy cơ hoặc nghi ngờ phơi nhiễm HIV mà còn cả những người bình thường. Các đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ phơi nhiễm HIV bao gồm những đối tượng: nghiện ma tuý, hút chích dùng chung kim tiêm, làm nghề mại dâm hoặc quan hệ tình dục với nhiều người, quan hệ tình dục đồng tính, người dẫm phải hoặc tiếp xúc với bơm kim tiêm, người đã từng có lịch sử nhận máu của người khác,… thì cần xét nghiệm mỗi năm ít nhất 1 lần. Ngoài ra, khi mang thai  cũng cần được xét nghiệm để loại trừ trường hợp lây truyền bệnh sang thai nhi.

 

Về nơi xét nghiệm, tùy theo địa phương có thể đến xét nghiệm tại các phòng xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ học Trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, phòng xét nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố hoặc Khoa huyết học của các bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bệnh viện da liễu.  Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều cơ sở y tế được cấp phép thực hiện xét nghiệm và nhận kết quả tại nhà người có nhu cầu xét nghiệm HIV không muốn đến các cơ sở y tế đông người và được bảo mật hoàn toàn.

 

1.3. Điều trị HIV

 

Do những tiến bộ gần đây trong tiếp cận điều trị kháng vi-rút (ART), những người có HIV dương tính hiện nay sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. ARV là loại thuốc kháng vi rút nhằm làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể. Thuốc ARV được Việt Nam áp dụng rộng rãi từ năm 2004, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong điều trị HIV/AIDS từ những năm 90 và được đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch. Nhiều bằng chứng khoa học trong những năm gần đây cho thấy việc sử dụng thuốc kháng HIV để điều trị cho người nhiễm HIV còn có tác dụng dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV.

 

 

2. Phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc

 

Điều 14. Luật phòng chống HIV/AIDS quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) có trách nhiệm phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc, cụ thể là:

 

- Tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân;

 

- Bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động (NLĐ) nhiễm HIV;

 

- Tạo điều kiện cho NLĐ tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;

 

- Các trách nhiệm khác về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.

 

Người sử dụng lao động không dược thực hiện các hành vi sau:

 

- Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của NLĐ vì lý do người lao động nhiễm HIV;

 

- Ép buộc NLĐ còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do NLĐ nhiễm HIV;

 

- Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ  vì lý do NLĐ nhiễm HIV;

 

- Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.

 

Như vậy, NSDLĐ không được phép yêu cầu NLĐ phải xét nghiệm HIV. Tuy nhiên, đối với một số nghề nhất định do nhà nước quy định thì NSDLĐ được phép yêu cầu người dự tuyển lao động phải xét nghiệm HIV. Theo Điều 20. Nghị định số 108/2007/NĐ-CP quy định các nghề sau phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng, đó là:       


- Thành viên tổ lái theo quy định tại Điều 72, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;


- Nghề đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.       

 

- Khi đã tuyển dụng mà phát hiện NLĐ nhiễm HIV, NSDLĐ phải thực hiện đúng các quy định tại Điều 14 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.        

     

3. Các chính sách chăm sóc sức khỏe, điều trị y tế

 

Luật phòng chống HIV/AIDS quy định: Người nhiễm HIV có quyền được hưởng các dịch vụ điều trị y tế và chăm sóc sức khỏe (Điều 4); Nghiêm cấm việc từ chối thăm khám hoặc điều trị cho bệnh nhân vì nghi người đó có HIV dương tính (Điều 8); Gia đình người sống với HIV có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và hỗ trợ tinh thần cho con em của họ (Điều 13); Người nhiễm HIV có quyền được chăm sóc và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội (Điều 38)

 

Đồng thời, theo quy định tại Thông tư 15/2015/TT-BYT người nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ chi phí điều trị khi tham gia BHYT được hưởng quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh BHYT và được quỹ BHYT chi trả bao gồm:

 

- Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế (Xét nghiệm đếm tế bào CD4, tải lượng vi rút…;

 

- Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;

 

- Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.

 

4. Các chính sách hỗ trợ đối với người nhiễm HIV

 

Việt Nam là một số ít các nước trên thế giới có riêng một Luật phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia hòa nhập cộng đồng, cụ thể là:

 

- Hỗ trợ vay vốn lên tới 30 triệu đồng/hộ: Quyết định 29/2014/QĐ-TTg từ ngày 15/06/2015 quy định hộ gia đình và người nhiễm HIV được vay vốn để sản xuất. Theo đó, người vay có thể vay vốn nhiều lần, mức vay tối đa đối với cá nhân là 20 triệu đồng/người và mức vay tối đa đối với hộ gia đình là 30 triệu đồng/hộ.

 

- Được nhận bảo hiểm xã hội một lần, hưởng lương hưu trước tuổi: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người bị mắc một trong các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS thì được hưởng BHXH một lần. Đồng thời, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, nếu đóng đủ 20 năm BHXH cũng thuộc đối tượng được hưởng lương hưu mà không cần đáp ứng điều kiện về độ tuổi.

 

- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp: Theo khoản 4, Điều 8, Văn bản hợp nhất 26/VBHN-BTC ngày 14/9/2015 của Bộ Tài Chính, doanh nghiệp có số lao động bình quân trong năm ít nhất từ 20 người trở lên và không phải doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản có sử dụng ít nhất 30% lao động là người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Có thể thấy rằng, nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống HIV/AIDS từ việc ban hành hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ, đến các hướng dẫn chuyên môn luôn được cập nhật, sửa đổi, phát triển mới phù hợp với tình hình thực tiễn và các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV được mở rộng về địa bàn và nâng cao về chất lượng dịch vụ tư vấn xét nghiệm phát hiện, chăm sóc và điều trị HIV. Hiện nay, Việt Nam đã và đang tích cực hành động, hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc phát động trên toàn cầu (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ lây lan) và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mặc dù, HIV/AIDS đã giảm nhiều, nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, vẫn tiềm ẩn những nguy cơ dịch bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả, cùng với sự chung tay hành động của cả cộng đồng.

 

Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website