Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Đóng góp cho Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Ý KIẾN ĐẢNG VIÊN

Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là dịp để cả hệ thống chính trị nhìn nhận, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Đảng 5 năm qua và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới; đồng thời vạch ra đường lối phát triển và xác lập những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của đất nước trong giai đoạn mới. Để chuẩn bị cho sự kiện chính trị trọng đại này, các văn kiện quan trọng của Đại hội đã được xây dựng và tiến hành lấy ý kiến góp ý qua nhiều cấp. Gần đây nhất, ngày 20/10 văn kiện đã được đăng tải chính thức trên phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến của nhân dân.

Ở góc độ là một cán bộ, đảng viên tham gia đóng góp ý kiến cho văn kiện của Đảng, cá nhân nhận thấy: Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng là bộ văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản phù hợp cho giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn chiến lược đến năm 2030.

Trong đó, dự thảo đã dành dung lượng hợp lý để đề cập đúng các vấn đề cần tập trung cho phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, trong đó nhấn mạnh việc: Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân (thuộc phần XII của dự thảo). Điều này thể hiện Đảng luôn lấy dân làm gốc, làm trung tâm cho sự vận động và phát triển của đất nước.

 

 

Để từng địa phương, từng ngành, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện thành công nội dung quan trọng này, Đảng cần có hệ thống giải pháp cụ thể. Xin đóng góp một số giải pháp cho quá trình cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình của Đảng sau đại hội để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này như sau:

1. Đẩy mạnh cải cách, xây dựng nền hành chính vì dân

Đảng cần quyết liệt chỉ đạo mạnh mẽ việc cải cách các thủ tục hành chính đảm bảo đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả, thực sự vì nhân dân, vì NLĐ. Nâng cao chất lượng, tiến độ thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ Công đoàn các cấp trong nắm bắt và giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân dân và NLĐ.

2. Quan tâm đến quyền lợi của NLĐ và vai trò của Đảng trong các DN cổ phần

Hiện nay, các DN đang tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp, cổ phần hóa theo chủ trương của Đảng và nhà nước, để bảo vệ được vai trò làm chủ của NLĐ, Đảng cần chỉ đạo chặt chẽ việc quản lý giám sát hoạt động này về các vấn đề như quy trình, thủ tục sắp xếp; việc đánh giá, xác định giá trị DN, mua bán cổ phần,… để đảm bảo quyền lợi của NLĐ ở các DN cổ phần hóa; giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, các cổ đông và NLĐ. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể hơn để giữ được vai trò Đảng lãnh đạo toàn diện đối với hoạt động của DN trong điều kiện vốn nhà nước không chi phối, trong điều kiện DN có thể thuê người (thậm chí là người nước ngoài) là tổng giám đốc, và có thể bổ nhiệm người không phải là đảng viên nắm giữ các vị trí quan trọng trong cơ quan điều hành.

3. Có cơ chế, chính sách cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới đang thay đổi như vũ bão, đặt ra yêu cầu về thay đổi cơ cấu lao động, vị trí việc làm, NLĐ có nguy cơ mất việc nếu không nâng cao được năng lực thích ứng. Do vậy, để bảo vệ được giai cấp công nhân, giúp cho lực lượng này tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong xây dựng đất nước, Đảng cần có nghị quyết, chỉ thị về việc tạo hành lang, cơ chế, chính sách cả ở cấp vĩ mô và cấp doanh nghiệp, để các cấp có trách nhiệm dành nguồn kinh phí hợp lý cho việc đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ; giúp NLĐ tồn tại và tích ứng được với những thay đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của vị trí việc làm.

4. Đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất tinh thần người dân

Xu thế chung của các quốc gia tiên tiến là coi trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, các phúc lợi tập thể, giúp NLĐ yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Do vậy, Đảng cần tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo việc xây dựng các chính sách về lao động, việc làm, từ tiền lương tối thiểu đến chính sách về nhà ở, khám chữa bệnh, các thiết chế cơ sở,… để nâng cao chất lượng cuộc sống NLĐ. Khi đời sống của nhân dân được cải thiện, thì mặc nhiên xã hội sẽ yên ổn, cộng đồng được gắn kết, người dân thêm tin tưởng với các chủ trương, đường lối mà Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

5. Lắng nghe các ý kiến từ phía nhân dân, công nhân lao động

Tiếng nói của người dân, của công nhân lao động là tiếng nói từ thực tiễn cuộc sống. Lắng nghe và thấu hiểu những nguyện vọng của nhân dân chính là cơ sở cho những quyết sách của Đảng bám sát hơn những yêu cầu của thực tiễn. Bởi vậy, Đảng cần tăng cường nghe dân nói, nói dân nghe; nắm bắt dư luận và phản biện xã hội từ nhiều kênh, nhiều cách, như các hộp thư online, đường dây nóng, các buổi tiếp xúc trực tiếp,… Trong đó, cần coi trọng việc cử các cán bộ, các nhà lý luận của Đảng thâm nhập thực tế lao động sản xuất, cùng ăn, cùng nghỉ, cùng làm với người lao động để thực sự hiểu về tình hình việc làm, đời sống, những khó khăn, vất vả, những mong muốn, nhu cầu chính đáng của nhân dân. Tạo cơ chế để người dân tham gia ý kiến và giám sát, phản biện đối với mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước.

6. Nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân

Trước hết, phải khẳng định việc cho phép có thêm các tổ chức đại diện người lao động trong tương lai là xu thế tất yếu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Các cấp công đoàn thuộc hệ thống của Công đoàn Việt Nam phải coi đó vừa là thách thức, đồng thời là động lực để chứng minh bản lĩnh, năng lực, khẳng định vai trò và vị trí của mình. Điều cốt lõi ở đây là tổ chức Công đoàn cần chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng đại diện, chăm lo cho NLĐ thực sự vượt trội hơn các tổ chức đại diện cho NLĐ khác, để tạo được niềm tin thực sự của NLĐ và sự tôn trọng của giới chủ.

Bên cạnh đó, rất cần sự đồng thuận và bảo vệ của Đảng và cả hệ thống chính trị đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam, tránh việc không kiểm soát được các tổ chức núp danh, lợi dụng dân chủ, tự do để thành lập các tổ chức đại diện cho NLĐ vì những động cơ, mục đích không trong sáng, gây bất ổn xã hội.

Do vậy, để đảm bảo cho giai cấp công nhân luôn là đội quân tiên trong của Đảng, thì Đảng cần hết sức quan tâm đến việc tập hợp và phát huy lực lượng này, quan tâm đến tổ chức nào xứng đáng và đủ độ tin cậy để đại diện, đồng hành với NLĐ trong giai đoạn mới, để trên cơ sở đó có những quan điểm chỉ đạo, cơ chế, chính sách phù hợp dẫn dắt và hậu thuẫn cho hoạt động công đoàn và phong trào công nhân ở mỗi cấp.

7. Cân nhắc giữa thu hút đầu tư nước ngoài và triển khai các dự án gắn với phát triển hài hòa các yếu tố kinh tế, chính trị trong nước

Cần xem xét việc thu hút đầu tư nước ngoài, tránh dàn trải, lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng môi trường, mà lại tạo ra sự cạnh tranh không cân sức giữa DN trong nước và DN FDI, dẫn đến DN trong nước thua ngay trên sân nhà.

Cần cân nhắc việc cho phép triển khai các dự án đô thị hóa, khu chế xuất, khu du lịch, nghỉ dưỡng,… nhất là ở các vùng tác động nhiều đến sinh thái, an ninh quốc phòng, đến an cư lạc nghiệp và cuộc sống của người dân.

Những vấn đề này, cần được Đảng nhìn nhận và có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ hơn nữa, để giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với đảm bảo môi trường, an ninh, trật tự và lợi ích của người dân; hạn chế nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực, bất mãn, dẫn đến cái nhìn lệch lạc của nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng và khả năng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, bộ, ngành, và điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến giữ gìn đại đoàn kết dân tộc.

---

Có thể thấy: Phục vụ lợi ích của nhân dân; giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân luôn là nhiệm vụ hàng đầu và sống còn của Đảng trong mọi thời kỳ. Để làm được điều này, đòi hỏi rất nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của từng người dân trong lao động sản xuất, tham gia xây dựng, phản biện xã hội, giám sát thực thi chính sách,… để quyền làm chủ của nhân dân trên các phương diện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng được bảo đảm và thực thi hiệu quả trên thực tế.

Tin tưởng rằng với sự đổi mới và vào cuộc mạnh mẽ, Đảng ta sẽ lãnh đạo thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của đất nước trong giai đoạn mới.

 

Thanh Tâm

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website