Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Nhiều mô hình hiệu quả từ những cơ sở đào tạo

Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành Dệt May, cùng với yêu cầu mới của cuộc CMCN 4.0 và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, các cơ sở đào tạo trong hệ thống đã có nhiều cố gắng và đóng góp vào sự nghiệp "trồng người" của ngành Dệt May Việt Nam.   

 

Trong hệ thống đào tạo của ngành hiện nay có 5 đơn vị trường học, đó là Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Long Biên, Trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt May Nam Định , Trường Cao đẳng Kinh tế kĩ thuật Vinatex TP.HCM và Đại học Nguyễn Tất Thành. Để đáp ứng "đúng và trúng" nhu cầu nhân lực của ngành trong điều kiện mới, thời gian qua các trường đều đổi mới, nâng cao hiệu quả giảng dạy, lấy cốt lõi là "gắn dạy và học với thực tiễn doanh nghiệp". Từ thực tế các sơ sở đào tạo của ngành đã xuất hiện những những mô hình hiệu quả.

 

 

Với cách tiếp cận: "Lấy nhu cầu doanh nghiệp làm chuẩn mực đầu ra", Đại học CN Dệt May Hà Nội chia quá trình đào tạo thành các giai đoạn: (1) học lý thuyết xen thực hành cơ bản trên sản phẩm từ thị trường nội địa hoặc giải quyết các tình huống thực tiễn ngay từ năm thứ nhất; (2) thực tập nghề nghiệp theo môi trường sản xuất kết hợp lý thuyết chuyên sâu; (3) thực tập sản xuất tại môi trường doanh nghiệp; (4) thực tập tốt nghiệp với các chuyên đề chuyên sâu theo vị trí việc làm của từng nghề. 

 

Cùng chung mục tiêu "Đẩy mạnh mô hình đào tạo kép kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp", Trường CĐ Kinh tế kĩ thuật Vinatex TP.HCM lại đang vận hành hiệu quả CLB có mô hình giống như DN để sinh viên, học viên sớm được tham gia vào các hoạt động thực tế của DN.

 

Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của Đại học Nguyễn Tất Thành

 

Với triết lý đào tạo "Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp", Đại học Nguyễn Tất Thành đặc biệt chú trọng gắn đào tạo với việc làm, tuyển sinh với tuyển dụng thông qua việc ký kết hợp tác đào tạo, hội chợ việc làm với các doanh nghiệp. Cách làm này được các doanh nghiệp đánh giá cao, bản thân sinh viên cũng dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp sau khi ra trường. 

 

Cao đẳng nghề Long Biên có lợi thế là trường của doanh nghiệp nên môi trường học tập được gắn liền với thực tế. Để sinh viên có cơ hội tiếp cận các máy móc thiết bị hiện đại, đắt đỏ mà DN đang áp dụng, nhà trưởng đã tổ chức Hội thi thiết kế đồ dùng dạy học, giáo cụ trực quan dựa trên máy móc có sẵn. Các bài thi được giải cao đều được nhân rộng, áp dụng vào giảng dạy như:  Mô hình trực quan Giác sơ đồ theo tỷ lệ 1:5. Mô hình Mix Fabric - Tổng hợp các kiểu tạo chất liệu, hoạ tiết theo xu hướng thời trang bền vững. Hay xây dựng Bảng mẫu trực quan các bộ phận chủ yếu của áo sơ mi giúp giảng viên truyền đạt kỹ năng về thiết kế, cắt may các kiểu dáng áo sơ mi thuận tiện hơn.

 

Trường Cao đẳng nghề Long Biên

 

Trường Cao đẳng Công nghiệp Dệt May Nam Định mặc dù còn nhiều khó khăn song với chương trình đào tạo gắn liền với chuyên ngành như công nghệ Sợi - Dệt - Nhuộm, May thời trang, Thiết kế thời trang; Điện - điện tử, Cơ khí, Tin học - ngoại ngữ và Kinh tế, mà trong những năm qua, Trường đã đáp ứng đủ cho các DN Dệt May tại Nam Định – cái nôi của ngành Dệt May Việt Nam một lượng lao động có tay nghề và kỹ năng.  

 

 Nằm trong chương trình "Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động"  - một trong 5 chương trình công tác lớn được Công đoàn Dệt May Việt Nam đề ra tại Đại hội V nhiệm kỳ 2018-2023, đồng thời san sẻ nhiệm vụ đào tạo với chuyên môn để vượt qua giai đoạn khó khăn do Covid-19, trong 4 tháng cuối năm 2020, Công đoàn ngành đã ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Cao đẳng kinh tế kĩ thuật Vinatex và Cao đẳng nghề Long biên trong tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động. Theo đó, Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ chi trả toàn bộ chi phí giảng dạy cho 40 lớp với sự tham gia của 2.000 người lao động trên cả 3 miền. Các nội dung chuyên đề được chọn lựa và xây dựng dựa trên ý kiến của Doanh nghiệp, Công đoàn DMVN và nhà trường sau khi đã khảo sát tại từng đơn vị, từng bộ phận NLĐ. Tính đến 15/11, chương trình đã khai giảng được 11 lớp tại khu vực miền Nam với 534 học viên; 13 lớp tại khu vực miền Bắc và miền Trung với 603 học viên.

 

Với việc triển khai chương trình này, Công đoàn Dệt May Việt Nam mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp về đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu của vị trí việc làm trong điều kiện mới. Theo kế hoạch, Tới đây, sẽ có nhiều chương trình đào tạo phù hợp dành cho các đơn vị có nhu cầu lớn về đào tạo, đặc biệt là đào tạo sử dụng công nghệ thông minh, giúp NLĐ nâng cao khả năng thích ứng, có thể sử dụng được nhiều loại máy móc thiết bị, nhiều công đoạn, nhiều mặt hàng khác nhau, để không NLĐ nào bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển của doanh nghiệp.

 

Tin tưởng rằng với sự chung tay vào cuộc của các cấp, lấy nòng cốt là các đơn vị khối trường, NLĐ ngành Dệt May sẽ có cơ hội được học tập, trau dồi kiến thức, kĩ năng, tinh thông nghề nghiệp; lấy đó làm bàn đạp để phát huy năng lực, sở trường của mình nhằm tồn tại với nghề và đạt được những bước tiến trong lao động sản xuất, cống hiến xuất sắc cho sự phát triển bền vững của ngành và kinh tế đất nước.

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website