Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam với việc tập hợp và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc

Cách đây 90 năm, ngày 18/11/1930, Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và sau này là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chính thức được thành lập.

 

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trở thành trung tâm đoàn kết, khơi dậy, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Qua đó thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cách mạng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước qua các thời kỳ.

 

Lịch sử ra đời và phát triển của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

 

Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất là một quá trình hình thành, hoàn thiện và phát triển về lý luận, phong trào và tổ chức. Căn cứ vào nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn, Ðảng đã sáng lập các hình thức tổ chức Mặt trận khác nhau như: Hội Phản đế đồng minh, Phản đế liên minh, Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Ðông Dương, Mặt trận Dân chủ Ðông Dương, Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế. Dù dưới các tên gọi và hình thức tổ chức nào, thì các mặt trận này cũng là trung tâm tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong các phong trào đấu tranh cách mạng.

 

Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh ra đời - là bước trưởng thành vượt bậc của Mặt trận về cả đường lối, tổ chức và hoạt động, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945) lịch sử, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau ngày 2-9-1945, Mặt trận Việt Minh đã sát cánh cùng với Ðảng, Chính phủ phát động nhân dân diệt "giặc đói", "giặc dốt", chống giặc ngoại xâm, chuẩn bị các điều kiện cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

 

Với tinh thần "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", Mặt trận Việt Minh, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt, được thành lập ngày 29-5-1946) và sau này thống nhất thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt, được thành lập ngày 3-3-1951) đã đoàn kết toàn dân, tiến hành cuộc kháng chiến "toàn dân", "toàn diện", "trường kỳ", "dựa vào sức mình là chính".

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm thời bị chia cắt. Ở miền bắc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (được thành lập ngày 10-9-1955) đã động viên mọi tầng lớp nhân dân thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu và chi viện cho chiến trường. Ở miền nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (được thành lập ngày 20-12-1960) và Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (được thành lập ngày 20-4-1968) đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc và mọi người dân yêu nước, tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

 

Từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ðại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất ba tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành một Mặt trận Dân tộc thống nhất của cả nước, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Trong thời kỳ đổi mới, với nguyên tắc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, Mặt trận đã góp phần quan trọng để khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước.

 

Các cuộc vận động như Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần lao động sáng tạo của nhân dân.

 

Chỉ riêng năm 2020, tính đến 17/10 đã có hơn 2.400 tỷ đồng được các tổ chức cá nhân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ cho Quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đối phó với dịch COVID-19 và hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai vươn lên trong cuộc sống.

 

Dưới mái nhà Mặt trận, tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của xã hội tiếp tục được nhân lên và trở thành tiền đề để cả dân tộc tiếp tục vững bước tiến về phía trước.

 

 

MTTQ đồng hành cùng Công đoàn trong tập hợp và phát huy sức mạnh giai cấp công nhân

 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội…

 

Với vai trò trung tâm đoàn kết, MTTQ luôn đồng hành cùng các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong đó có tổ chức Công đoàn để tham gia tập hợp, phát huy sức mạnh cũng như bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng cho giai cấp công nhân.

 

Đó là:

 

Tham gia tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, xã hội, gia đình và bản thân người lao động về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn.

 

Tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân nói chung và người lao động nói riêng thông hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

 

Tham gia chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò, tiềm năng của giai cấp công nhân Việt Nam. Tập trung thể chế hoá, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về giai cấp công nhân được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X.

 

Xây dựng giai cấp công nhân xứng tầm nhiệm vụ gắn liền với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tham gia xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

 

Nói về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, đ/c Huỳnh Đảm – Chủ tịch Ủy ban Trung Ương MTTQ Việt Nam từng chia sẻ: "Tôi tin tưởng các cấp Công đoàn cùng toàn thể đoàn viên, CNVC-LĐ cả nước đều đang nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy sứ mạng lịch sử to lớn của giai cấp công nhân VN, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". 

 

Công đoàn Dệt May Việt Nam - Một nhân tố quan trọng trong tập hợp, đoàn kết và phát huy người lao động

 

Là tổ chức công đoàn của một ngành đông lao động nhất so với các ngành trên cả nước, trong những năm qua, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã luôn làm tốt nhiệm vụ tập hợp, tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động; tăng cường tham gia quản lý; đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua; đặc biệt là làm tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động.

 

Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, gắn bó máu thịt với người lao động, các cấp công đoàn trong hệ thống đã và đang không ngừng nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của vị trí việc làm trong giai đoạn mới. Các kênh thông tin tuyên truyền được hình thành và khai thác, có hẳn một chương trình truyền thanh công đoàn dành cho người lao động; công tác đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề công nhân được triển khai với nhiều chương trình, nội dung thiết thực; các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy khối óc, bàn tay người lao động được thúc đẩy, lan tỏa sâu rộng; công tác xây dựng chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, các phúc lợi tập thể được quan tâm thực hiện; các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, thiết chế cơ sở được đầu tư,…Nhờ đó, người lao động của ngành yên tâm công tác, gắn bó với nghề, hăng say làm việc; quan hệ lao động của ngành luôn hài hòa, ổn định và tiến bộ.

 

Tập hợp và phát huy người lao động, đã, đang và sẽ tiếp tục là sứ mệnh của Công đoàn Dệt May Việt Nam, để xứng đáng với niềm tin của người lao động.

 

---

 

Lịch sử vẻ vang 90 năm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một dòng chảy liên tục của chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, được soi sáng và nâng lên một tầm cao và chiều sâu mới bởi chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: "Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà". Dưới sự tập hợp của Mặt trận, nhân dân ta đã đoàn kết, tạo nên những kỳ tích vĩ đại, làm rạng rỡ non sông. Ðó là tiền đề để chúng ta chung sức, chung lòng viết tiếp những trang sử vàng từ một triết lý hoạt động: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công".

 

Trên hành trình đi tới, tổ chức Công đoàn và công nhân lao động luôn là những bánh răng nhịp nhàng, khăng khít, gắn bó máu thịt với khối đại đoàn kết toàn dân, để đưa đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

 

 

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website