Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động ngành Dệt May

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động là một trong các nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của tổ chức công đoàn. Thông qua  hoạt động này, công nhân viên chức và người lao động được cập nhật đầy đủ và đúng đắn các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nội dung chỉ đạo của tổ chức Công đoàn;đồng thời, được nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật và biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 

Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, Công đoàn Dệt May Việt Nam đã chú trọng công tác chỉ đạo,  hướng dẫn các công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn, người sử dụng lao động đổi mới nội dung và hình thức, biện pháp tuyên truyền, đồng thời đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của từng đối tượng CNVCLĐ, theo từng đơn vị, trong đó tập trung tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà n­ước đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

 

Nhiều phương thức tuyên truyền mới được áp dụng

 

Trong những năm gần đây, bên cạnh việc vẫn tiếp tục duy trì các hình thức tuyên truyền truyền thống như tổ chức học tập, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của tổ chức Công đoàn và tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho cán bộ CĐCS để tạo lực lượng nòng cốt tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật tại đơn vị cơ sở, Công đoàn DMVN đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật tạo sự lan toả, nhanh chóng và hiệu quả hơn, cụ thể là:

 

Năm 2017, Văn phòng Tư vấn pháp luật được Công đoàn Dệt May Việt Nam thành lập với mục đích hướng dẫn, tư vấn pháp luật với trọng tâm là pháp luật về lao động và công đoàn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của NLĐ và tổ chức công đoàn. Ngoài ra, VP còn hỗ trợ pháp lý cho NLĐ, tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật cho Công đoàn các cấp trong hệ thống Công đoàn DMVN để mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ làm công tác này. Sau khi thành lập, Văn phòng Tư vấn pháp luật thực hiện Bản tin pháp luật định kỳ được xây dựng từ các tình huống pháp luật (giả định) gửi cho CĐCS để phổ biến cho NLĐ hoặc sử dụng để tư vấn cho NLĐ gặp các tình huống pháp lý tương tự tại cơ sở. Năm 2020, Bản tin được kiện toàn, nâng cấp và duy trì định kỳ 02 bản tin/tháng. 11 tháng đầu năm 2020, đã có 17 Bản tin với 74 tình huống và thông tin pháp luật được phát hành. Các Bản tin pháp luật được các CĐCS đón nhận và đánh giá các nội dung thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thông tin về chính sách, pháp luật của đơn vị cơ sở.

 

Cổng thông tin điện tử và trang Facebook Công đoàn Dệt May Việt Nam ra đời là công cụ truyền thông về pháp luật hữu hiệu cho CNVCLĐ. Ban biên tập Cổng đã chủ động phối hợp với các ban, bộ phận, đặc biệt là bộ phận Chính sách Pháp luật, VP tư vấn Pháp luật lựa chọn nội dung phù hợp, thiết thực để tuyên truyền đến đông đảo CNVCLĐ. Bên cạnh việc đăng tải các văn bản luật, nhất là những chế độ, chính sách sửa đổi, bổ sung, mới ban hành và có liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của CNVCLĐ, Cổng thông tin còn giới thiệu đến người đọc các bài viết tổng hợp, hướng dẫn thực thi pháp luật. Có thể thấy, việc xây dựng nội dung tuyên truyền trên mạng xã hội được thực hiện đơn giản, thuận tiện, trở thành diễn đàn để CNLĐ chia sẻ, gắn kết với nhau, xây dựng thành cộng đồng gắn kết giữa các thành viên.

 

Từ tháng 2/2020, Công đoàn Dệt May Việt Nam ra mắt chương trình "Truyền thanh công đoàn". Dự kiến có 18 số được phát đi thông qua hệ thống truyền thanh tại cơ sở, Cổng thông tin điện tử và Facebook Công đoàn Dệt May Việt Nam trong năm nay. Mỗi số là một chủ đề, cung cấp thông tin và mang tính giáo dục truyền thống cao cho CNLĐ trong ngành, đồng thời cũng là phương tiện để truyền tải các nội dung chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước tiếp cận gần và trực tiếp nhất của Công đoàn ngành đến toàn thể đoàn viên, NLĐ của ngành.

 

Trong năm 2020, bộ phận Chính sách pháp luật cũng đã thực hiện biên soạn tài liệu tập huấn và biên soạn tài liệu Sổ tay những điểm mới BLLĐ năm 2019 để tổ chức tập huấn và cung cấp tài liệu cho công đoàn cơ sở dễ dàng sử dụng tra cứu.

 

Chương trình tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn về công tác chính sách pháp luật

 

Tại các công đoàn cơ sở, công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật đến người lao động cũng được quan tâm với nhiều hình thức như  đối thoại, giải đáp, tập huấn pháp luật, nghe thời sự, nói chuyện chuyên đề,....Mỗi năm cán bộ đoàn đã tiếp và tư vấn pháp luật cho hàng ngàn lượt CNLĐ nhất là chế độ về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...  Được giải đáp một cách thỏa đáng, người lao động đã hiểu hơn về luật, từ đó biết chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng nhau phát triển. Mối quan hệ lao động càng trở nên gắn bó, hài hòa, không xảy ra tình trạng đình công, lãn công.

 

Một số khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

 

Mặc dù, Công đoàn Dệt May Việt Nam và các CĐCS trong hệ thống đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho CNLĐ trong các doanh nghiệp này song nhìn chung công tác này vẫn gặp phải một số khó khăn và kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn:

 

Đội ngũ cán bộ công đoàn phụ trách công tác chính sách pháp luật tại các CĐCS còn thiếu chuyên môn về luật. Một số cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng xong lại thay đổi công việc do nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.  

 

Đặc thù của ngành sản xuất theo dây chuyên, theo tiến độ đơn hàng, phải làm theo ca nên khó khăn trong việc bố trí thời gian tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật chuyên đề cho NLĐ, thường phải lồng ghép với nhiều hoạt động khác nên chưa tập trung vào các nội dung chuyên sâu hoặc không đủ thời gian để trả lời, giải đáp các vướng mắc của NLĐ.

 

Việc tuyên truyền, phố biến các văn bản Nghị quyết, chỉ thị còn nặng về lí luận, chưa sát với đoàn viên, CNVCLĐ cũng như nhu cầu của từng loại hình đơn vị cơ sở. Công tác tuyên truyền giáo dục chính trị cho đoàn viên, CNVCLĐ cơ bản tập trung chủ yếu ở cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, còn khối sản xuất kinh doanh mới chỉ đến đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở.

 

Các giải pháp cần chú trọng thực hiện

 

Từ những khó khăn, hạn chế trên, đối với Công đoàn Dệt May Việt Nam, công tác tuyên truyền, phố biến,  giáo dục pháp luật là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần được thực hiện thường xuyên như một giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trong ngành:

 

Thứ nhất, hàng năm, các cấp công đoàn trong toàn hệ thống cần tiến hành khảo sát nhu cầu của đoàn viên và NLĐ và trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền ngay từ đầu năm nhằm cụ thể hóa trong kế hoạch phù hợp từng đối tượng, từng loại hình theo nội dung tuyền truyền đảm bảo thời gian, kiến thức truyền tải đến đoàn viên, CNVCLĐ. Đồng thời tổ chức và phối hợp tổ chức, triển khai đến từng đơn vị, doanh nghiệp.

 

 

Thứ hai, tiếp tục duy trì và sử dụng linh hoạt các kênh tuyên truyền đang hiệu quả hiện nay như Văn phòng TVPL, Cổng thông tin điện tử, Facebook, Truyền thanh công đoàn trên cơ sở đánh giá những mặt đạt được, những điểm tồn tại để điều chỉnh và đổi mới nội dung có trọng tâm, thiết thực hơn với đoàn viên, CNVCLĐ.

 

Thứ ba, thiết lập mạng lưới các tổ tư vấn pháp luật, nhóm chuyên gia tư vấn luật làm đội ngủ nòng cốt và tăng cường đào tạo, tập huấn cho các cán bộ làm công tác chính sách pháp luật tại các đơn vị cơ sở cả về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng truyền thông.

 

Thứ tư, nghiên cứu xây dựng các mô hình thí điểm như tổ chức các hoạt động như toạ đàm, nói chuyện chuyên đề hoặc tư vấn lưu động tại các khu nhà ở, hoặc nhà trọ của công nhân qua đó nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn phát sinh, có biện pháp giải quyết ngay tại cơ sở; Lồng ghép việc tuyên truyền dưới hình thức các ca khúc, tiểu phẩm hài hước, hấp dẫn, trong đó, thông điệp, kiến thức pháp luật đưa vào chương trình tuyên truyền cần thực sự rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

 

***

 

Trong bối cảnh tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, song song với việc nâng cao trình độ, tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc, người lao động ngành Dệt May cũng cần trang bị tốt kiến thức về pháp luật, chủ động bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Do vậy, các cấp công đoàn trong hệ thống Công đoàn Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ. Trong đó chú trọng đổi mới, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền đảm bảo sát với từng đối tượng; tăng cường đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền am hiểu về pháp luật, có kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ tuyên truyền tốt. Các Công đoàn cơ sở sẽ chủ động thương lượng, đàm phán với người sử dụng lao động đưa nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào nội dung thỏa ước lao động tập thể; bố trí thời gian, đảm bảo các điều kiện cần thiết để hoạt động này diễn ra hiệu quả.

 

Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website