Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Khỏe để sống, làm việc và ước mơ

Nói đến ngành dệt may, hẳn ai cũng nghĩ ngay tới hình ảnh những người lao động, mà hầu hết là chị em với vẻ tất bật, luôn tay luôn chân với công việc, về đến nhà lại tập trung cho gia đình, không có nhiều thời gian cho bản thân, nhất là tham gia thể dục thể thao. Ấy vậy mà, trái với suy nghĩ của nhiều người, dệt may lại là một trong những ngành có phong trào thể dục thể thao sôi nổi và phong phú.

 

Bài tập thể dục giữa giờ đầy hứng khởi

 

Đặc thù của ngành dệt may là lao động nặng nhọc, độc hại, phải ngồi nhiều (đối với ngành may) hoặc đứng và đi lại nhiều (đối với ngành sợi, dệt). Do vậy, một trong những căn bệnh nghề nghiệp mà người lao động dệt may hay mắc phải là bệnh xương khớp. Ngay từ thời bao cấp, Bộ Y tế đã có hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp bố trí thời gian cho người lao động được tập thể dục, giãn gân cốt giữa giờ. Khuyến nghị này đã được hưởng ứng nhiệt tình từ lãnh đạo cho tới công nhân trực tiếp sản xuất.

 

Tuy vậy, do tính chất công việc không thể dừng máy trong quá trình sản xuất, nên chỉ có các đơn vị may mới có thể bố trí cho người lao động tập thể dục giữa giờ.

 

 

Hầu hết các đơn vị dành 20 - 25 phút hàng ngày cho 2 lần tập: 10 - 15 phút vào 9h00 sáng và 10 phút vào lúc 15h00 chiều. Để giúp cho người lao động có được tinh thần sảng khoái, thoải mái, hứng khởi, các bài tập đều có phần nhạc nền là các bản nhạc sôi động, được yêu thích của nước ngoài hoặc của Việt Nam, đặc biệt có đơn vị còn sáng tác  lời bài hát mang phong cách riêng của đơn vị mình như Tổng Công ty Đức Giang, Tổng Công ty May 10. Nhờ vậy, công nhân, mà hầu hết là chị em đều rất hào hứng, nhiệt tình tập luyện , một số người còn lẩm bẩm hát theo các bài hát. Thời gian 10 - 15 phút ấy trôi qua một cách nhanh chóng. Nhiều người trở nên "nghiện" những giai điệu trẻ trung, vui tươi ấy và thậm chí còn thấy nhớ nếu hôm nào phải nghỉ làm, không được tập cùng với mọi người.

 

Năm nay, trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát, yêu cầu về việc tập thể dục thể thao nhằm tăng cường sức đề kháng càng trở nên quan trọng. Vừa để tuyên truyền các biện pháp chống dịch, vừa để tăng thêm sự hào hứng cho CNLĐ, nhiều bài hát về Covid-19 như "Ghen CôVy" hay "Việt Nam ơi đánh bay Covid"...  đã được các đơn vị bổ sung vào danh sách nhạc tập thể dục giữa giờ. Công nhân, mà phần lớn là chị em trẻ đều rất hào hứng hưởng ứng, với niềm vui và sự phấn chấn ngời lên trên những ánh mắt, nụ cười.

 

Các chuyên gia đều cho rằng mỗi ngày dành ra 30 phút tập thể dục sẽ rất tốt cho sức khỏe, đối với người thường xuyên phải ngồi một chỗ nhiều, tập thể dục giữa giờ sẽ góp phần hạn chế các bệnh về xương khớp, đặc biệt là thoái hóa đốt sống cổ, chuột rút...; đồng thời tinh thần công nhân cũng trở nên thư giãn, thoải mái, giúp tái tạo năng lượng để tiếp tục bắt tay vào công việc.

 

Phong trào thể thao sôi nổi tại các doanh nghiệp

 

Cho dù là một ngành kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập của người lao động chưa cao, nhưng nhiều năm qua, từ lãnh đạo doanh nghiệp cho đến tổ chức công đoàn, luôn dành một khoản kinh phí không nhỏ để đầu tư cho các phong trào thể dục thể thao, tổ chức các giải thi đấu, hội thao nhất là tại các doanh nghiệp lớn, đông lao động.

 

 

Ở một số đơn vị, sau giờ làm, người lao động được tạo điều kiện tập luyện và thi đấu nhiều môn thể thao như: bóng bàn, tennis, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, đặc biệt là môn bóng đá nam. Không hổ danh là môn thể thao "Vua", hầu hết các CĐCS, cho dù lớn hay nhỏ, đều duy trì một số đội bóng đá nam tương ứng với số đơn vị sản xuất và khối văn phòng. Các đội bóng thường xuyên được "ra sân", khi thì giao hữu với các đội cùng đơn vị, với đối tác hay các đơn vị trong cùng khu công nghiệp; khi thì tham gia thi đấu các giải do địa phương hay Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức.

 

Một số doanh nghiệp còn cử người tham gia giải chạy Báo Hà Nội mới, hội thao quân sự do địa phương tổ chức và thường xuyên đạt giải cao như Tổng Công ty Đức Giang, Tổng Công ty May 10...; tham gia hội thao thường niên của tỉnh và đạt thành tích tốt như Công ty Dệt May Nha Trang hay một số đơn vị phía Nam nhiều năm liền tham gia giải Nike Cup do báo Lao động phối hợp với Công đoàn Dệt May Việt Nam và Công ty TNHH Nike Việt Nam tổ chức.

 

 

Nhằm khuyến khích các CĐCS duy trì và phát triển mạnh mẽ hoạt động thể dục thể thao, mang lại những phút giây thư giãn , đồng thời nâng cao thể trạng, hạn chế bệnh nghề nghiệp cho người lao động, Công đoàn Dệt May Việt Nam thường xuyên tổ chức các sự kiện như Hội thi "Thời trang- Văn nghệ- Thể thao"  chào mừng Đại hội lần thứ III (2004); Hội thao chào mừng 80 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 14 năm ngày thành lập Tập đoàn Dệt May Việt Nam (2009); Giải bóng đá mini chào mừng 15 năm ngày thành lập Công đoàn Dệt May Việt Nam (2011); Giải bóng bàn & cầu lông chào mừng 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (2014); Hội thao ba miền chào mừng Đại hội V Công đoàn Dệt May Việt Nam (2017)... Ngoài các môn thi đấu có tính chất chuyên nghiệp, một số môn thể thao dân gian như kéo co, bịt mắt đánh trống, nhảy bao bố... cũng được các đơn vị quan tâm tổ chức nhằm tăng cường hiểu biết và khơi dậy niềm đam mê với các trò chơi cổ truyền cho NLĐ.

 

Hình ảnh các vận động viên "cây nhà lá vườn" nỗ lực, chiến đấu hết mình, lưng áo ướt đẫm mồ hôi hay thậm chí đang chấn thương vẫn nhất định không chịu ra nghỉ, vẫn lăn xả trên sân; những cổ động viên trong bộ đồng phục màu cờ sắc áo của đơn vị mình, với banners, trống phách rộn ràng, khi thì lo âu, căng thẳng, nín thở, bởi đội nhà đang thua, lúc lại vui mừng hớn hở, vỗ tay reo hò, nhảy cả lên khi "quân" mình chiến thắng thật không khác gì không khí ở các giải đấu chuyên nghiệp.

 

Và có lẽ, đó mới chính là những hình ảnh đẹp nhất, của tinh thần thể thao chân chính, đọng lại trong tâm trí mỗi người về một giải đấu, về những người lao động dệt may, chứ không còn là chuyện đội nào thắng, đội nào thua.

 

Cũng từ những buổi luyện tập, thi đấu giao hữu như thế, người lao động thêm hiểu, gắn bó, chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ nhau trong công việc nhiều hơn. Thực sự, thể thao đã mang lại nhiều điều, hơn cả những giá trị mà nó vốn có.

 

Và rồi mỗi giải đấu qua đi, các vận động viên "nhà trồng được" lại mang những năng lượng tích cực, niềm vui và sự hứng khởi ấy vào công việc thường nhật trong phân xưởng, văn phòng, giảng đường, bệnh viện...Để rồi sau giờ làm việc, họ lại chơi, tập luyện thể thao và chờ mong đến những giải đấu tiếp theo.

 

Với tinh thần hăng say rèn luyện và yêu thích đối với các phong trào thể dục thể thao của CNLĐ ngành Dệt May, Công đoàn Dệt May Việt Nam kêu gọi các CĐCS và NLĐ tham gia "Cuộc thi sáng tạo video clip bài tập thể dục giữa giờ trong công nhân, viên chức, lao động" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Thông tin và cách thức dự thi, vui lòng truy cập: https://forms.gle/u64ATSN7GccQTBxt7 hoặc facebook: Công đoàn Việt Nam – www.facebook.com/congdoanvietnam2017.

 

                                                                                                                                  Nguyễn Thị Thu Hương

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website