Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Thiên tai và những ứng xử của dệt may

Những ngày qua, mưa lũ hoành hành đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân miền Trung. Chưa bao giờ, có tới 4 cơn bão lớn liên tiếp dội lên mảnh đất vốn đã quá nhiều gian khó, nhọc nhằn, gây nên những trận đại hồng thủy trên nhiều tỉnh thành.

 

Mưa trắng trời, nước dâng cao, lốc xoáy, lũ quét, đồi núi đường sá sạt lở, nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhiều khu dân cư bị tàn phá, cô lập. Nước mắt lẫn với nước mưa, tiếng kêu tuyệt vọng của con người lọt thỏm trong tiếng gầm rú của bão lũ. Đã có những thiệt hại khủng khiếp về người và của; có những công trình, thôn bản bị xóa sổ như Rào Trăng, Đoàn kinh tế quốc phòng 337, Trà Leng; nhiều nếp nhà, phận người bị cuốn trôi, nhấn chìm trong lũ, đau thương chồng chất.

 

 

Biết bao con người vẫn còn hằn những vết thương trên cơ thể do vật lộn chống lũ; biết bao nhiêu ánh mắt chưa hết hoảng loạn, ám ảnh khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết; có cả những nỗi đau xé lòng của những gia đình mất đi người thân.

 

Thiên tai đã lột tả nhiều thứ: Những bất cập trong quy hoạch, quản lý, sử dụng, khai thác đất, rừng, tài nguyên; những hạn chế trong chính sách nông thôn, nông dân, đặc biệt là chính sách an cư lạc nghiệp, bám đất, giữ rừng; những khó khăn, vướng mắc trong công tác huy động nguồn lực, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, mà nguyên nhân là do thiếu phương tiện, cơ sở vật chất, thiếu bài bản trong triển khai, tổ chức thực hiện, thiếu niềm tin của người dân; những bài học đau lòng về sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên, môi trường sống bấy lâu nay, để giờ đây phải gánh chịu những hậu quả do chính "nhân tai" gây ra, khiến "thiên nhiên nổi giận".

 

Tuy nhiên, trong thiên tai cũng bộc lộ những mặt tích cực của tình bầu bí, nghĩa đồng bào; sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cấp, các lực lượng, tổ chức, cá nhân trên cả nước đã luôn hướng về đồng bào của mình trong cơn hoạn nạn.

 

Dệt May Việt Nam là ngành đông lao động, gần một năm nay hoạt động SXKD không thuận lợi do ảnh hưởng của đại dịch covid, đời sống của NLĐ còn nhiều khó khăn vất vả. Vậy mà, chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày phát động đợt quyên góp ủng hộ miền Trung, đã có gần 1,9 tỷ đồng, 10 tấn gạo, 2000 phần thuốc, 1000 áo mưa, 1000 gói băng vệ sinh, hơn 20 ngàn quần áo chăn màn các loại được quyên góp cho Quỹ xã hội từ thiện của Tập đoàn và Công đoàn DMVN. Đây là con số lớn nhất, trong một thời gian ngắn nhất từ trước đến nay đã quyên góp được từ các DN, NLĐ của ngành và các mạnh thường quân để ủng hộ CNLĐ, các DN và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lụt. Rất nhanh chóng, Tập đoàn và Công đoàn DMVN đã tiến hành chương trình thực tế tại miền Trung, mang theo một container chở toàn bộ số nhu yếu phẩm nói trên và hơn 1,1 tỷ đồng để kịp trao hỗ trợ cho người dân và CNLĐ ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng trị, Quảng Bình trong 3 ngày cuối của tháng 10. Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may đã và đang bằng nhiều nỗ lực để thực hiện thành công mục tiêu sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững.

 

Được biết trong những ngày qua, nhiều CNLĐ đã phải cột quần dài lên cổ lội nước đi làm; hầu hết người dân ở các vùng trũng tay chân mình mẩy đều xây xát, sứt sẹo do phòng chống lũ, do nước ăn chân; tài sản, phương tiện đi lại của người dân và CNLĐ các vùng bị ngập sâu đều hư hỏng nặng. Trước tình hình ấy, các doanh nghiệp trong khu vực đã rất chủ động trong công tác nắm bắt, cứu trợ. Có doanh nghiệp như May Hòa Thọ Đông Hà, Dệt May Huế,… đã huy động bếp ăn nấu các suất cơm, mua bánh mì, mì tôm, nước uống để chuyển đến gia đình CNLĐ và người dân trong những ngày lụt nặng.

 

Đến với các DN và CNLĐ sau lũ, cơ bản các DN đã khắc phục thiệt hại, trở lại sản xuất bình thường, kịp thời chia sẻ hỗ trợ tại chỗ cho CBCNV gặp nạn, có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng đâu đó trong khuôn mặt của những người CNLĐ vẫn còn hằn sâu những âu lo về cuộc sống, vẫn chưa nguôi hết những sợ hãi trước sự thịnh nộ của đất trời; và có cả sự khổ đau, thất thần, vô định của gia đình CNLĐ có "nhúm ruột" của mình đã tử nạn tại Thủy điện Rào Trăng.

 

 

Gần một năm chống chọi với đại dịch covid, cả nước ta mất 35 người, nhưng chỉ chưa đầy nửa tháng thiên tai lũ lụt mà miền Trung đã có tới 153 người chết và mất tích (tính đến 29/10); chưa kể những hậu quả, thiệt hại "sang chấn" mà thiên tai để lại sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của mới có thể khắc phục được. Trách nhiệm ấy liên quan đến nhiều cấp, nỗ lực ấy cần đến sự hợp lực của toàn xã hội để đem lại cuộc sống bền vững, an lành đúng nghĩa cho mọi người dân; trong đó, có cả trách nhiệm của từng công dân đối với việc chung tay bảo vệ môi trường. Trước mắt và thiết thực lúc này chính là những đóng góp, những sẻ chia kịp thời của cộng đồng, của xã hội, giúp đồng bào vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

 

Xin cảm ơn tất cả các DN, các mạnh thường quân, và toàn thể CNLĐ của ngành đã chắt chiu, gom góp vật chất, tình cảm để chia sẻ giúp đồng bào và đồng nghiệp của mình vượt qua bão lũ. Ngành Dệt May trong mọi hoàn cảnh luôn thắp lên ngọn lửa của sự ấm áp và nghĩa tình như vậy. Hy vọng rằng tình cảm đó sẽ luôn là sợi dây bền chặt, gắn kết các DN và NLĐ cũng như cộng đồng, để dệt may sẽ ngày một này nở nhiều hơn những điều tốt đẹp.

 

Một dệt may nhân văn, xanh, sạch, thân thiện môi trường, phát triển bền vững - Đó chính là mục tiêu hành động, là quy tắc ứng xử để chúng ta theo đuổi và thực hiện.

 

Thanh Tâm

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website