Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Những điểm mới trong Bộ luật Lao động năm 2019 về chế độ chính sách đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới

Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới theo hướng phù hợp hơn với bối cảnh mới của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường và thực thi các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam, thay đổi căn bản trong cách tiếp cận từ bảo vệ lao động nữ sang bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới. Các nội dung sửa đổi, bổ sung này tập trung tại chương X "Những quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới" (từ Điều 135 đến Điều 142), cụ thể như sau:

 

1. Quy định về bảo vệ thai sản được sửa đổi theo hướng có lợi hơn cho lao động nữ

 

Một là, xuất phát từ điều kiện thực tiễn, việc chăm sóc con cái không phải là việc chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới trong điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều tiến bộ, các giải pháp, biện pháp hỗ trợ chăm sóc con cái đã tốt hơn rất nhiều. Bởi vậy, người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi trong từng điều kiện cụ thể hoàn toàn có thể tham gia làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa. Do đó, vừa để bảo vệ tốt thai sản nhưng cũng xuất phát từ nhu cầu và khả năng đáp ứng của người lao động, BLLĐ năm 2019 đã bổ sung quy định có thể cho phép lao động nói chung và lao động nữ nói riêng được làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nhưng với điều kiện trực tiếp người lao động phải đồng ý (điểm b, Khoản 1, Điều 137, BLLĐ năm 2019).

 

Với quy định này, BLLĐ năm 2012 quy định cứng theo hướng nếu lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa (điểm b, Khoản 1, Điều 155).

 

Hai là, lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con, ngay từ khi mang thai lao động nữ thông báo cho người sử dụng lao động biết và được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn, hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Khoản 2, Điều 137, BLLĐ 2019), thay vì phải mang thai từ tháng 07 mới được hưởng quyền lợi này như quy định của BLLĐ năm 2012.

 

2. Ưu tiên giao kết hợp đồng mới với lao động nữ trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng

 

Một quy định hoàn toàn mới trong BLLĐ 2019 theo hướng có lợi hơn cho lao động nữ so với BLLĐ 2012 đó là "Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới"(Khoản 3, Điều 137, BLLĐ 2019). Nhưng cần lưu ý, đây chỉ là trường hợp lao động nữ được "ưu tiên" giao kết hợp đồng lao động mới chứ không phải là quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động mới với lao động nữ.

 

 

3. Sửa đổi quy định về quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng của lao động nữ mang thai

 

BLLĐ 2019 đã bỏ đi quy định về "Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động" khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trong trường hợp mang thai mà có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Theo đó, lao động nữ chỉ phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền.

 

Đồng thời, BLLĐ 2019 đã trực tiếp quy định cụ thể về thời gian tạm hoãn hợp đồng của lao động nữ mang thai theo thời gian do cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định, hoặc do hai bên thỏa thuận nếu không có chỉ định (trước đây nội dung này được quy định tại Điều 8, Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 hướng dẫn một số điều của BLLĐ năm 2012.

 

4. Quy định trực tiếp trong BLLĐ một số nội dung đã được quy định trong Luật BHXH năm 2014 và một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH

 

Lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động nếu trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định muốn trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 04 tháng (Khoản 4, Điều 139, BLLĐ 2019).

 

Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật BHXH (khoản 5, Điều 139).

 

5. Sửa đổi quy định về bảo đảm việc làm cho lao động nghỉ thai sản và trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai theo hướng đảm bảo bình đẳng giới

 

Thay vì quy định bảo đảm việc làm cho "lao động nữ" nghỉ thai sản của BLLĐ năm 2012, BLLĐ 2019 đã quy định là "lao động nghỉ thai sản" để phù hợp với việc luật đã bổ sung đối tượng được nghỉ thai sản gồm cả lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ. Đồng thời, BLLĐ năm 2019 bổ sung thêm nội dung "mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản" (Điều 140, BLLĐ 2019). Với quy định này, góp phần bảo vệ tốt hơn cho lao động nghỉ thai sản so với BLLĐ năm 2012.

 

Tương tự như quy định trên, thay vì quy định "lao động nữ" hưởng trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai của BLLĐ năm 2012, Điều 141- BLLĐ năm 2019 quy định là "người lao động" được hưởng trợ cấp trong thời gian thực hiện các việc trên theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

 

6. Sửa đổi, bổ sung quy định về nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con

 

Thay vì quy định cứng về công việc không được sử dụng lao động nữ ở BLLĐ năm 2012, BLLĐ năm 2019 sửa đổi theo hướng quy định về nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con của người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng, để trên cơ sở đó, NSDLĐ cân nhắc bố trí việc làm, công khai các thông tin có liên quan và trang bị phương tiện bảo vệ; đồng thời người lao động có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc phù hợp với sức khỏe sinh sản của mình dựa trên thông tin đầy đủ về các công việc đó và điều kiện bảo hộ lao động.

 

"Điều 142. Nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con

 

1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.

 

2. Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động lựa chọn và phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều này"

 

Như vậy, với việc thay đổi cách tiếp cận từ việc ban hành Danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ sang việc Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con (cả nam và nữ). Theo đó, người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động lựa chọn và phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con. Đây là quy định tăng tính trách nhiệm của người sử dụng lao động đồng thời tăng quyền lựa chọn, cân nhắc trước khi ra quyết định giao kết hợp đồng lao động của cả lao động nam và lao động nữ.

 

7. Bổ sung các quy định về phòng chống quấy rối tình dục

 

Khoản 1, Điều 135, BLLĐ năm 2019 đã bổ sung nội dung trong chính sách của nhà nước là "Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc"

 

Một điểm mới rất quan trọng trong BLLĐ năm 2019 là việc bổ sung giải thích từ ngữ về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Điều 3, BLLĐ năm 2019).

 

Nếu như BLLĐ năm 2012 trong nội dung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (điều 8) thì hành vi quấy rối tình dục mới chỉ được nêu ra mà chưa có nội hàm giải thích rõ. Việc này, dẫn đến trong thực tiễn áp dụng đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Do vậy, để khắc phục tồn tại, hạn chế đó, BLLĐ 2019 đã bổ sung giải thích từ ngữ về quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo hướng là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Đồng thời, BLLĐ năm 2019 đã cho phép người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà không phải báo trước với người sử dụng lao động (điểm d, Khoản 2, BLLĐ năm 2019).

 

Như vậy, so với quy định của BLLĐ năm 2012, các quy định riêng về lao động nữ trong BLLĐ năm 2019 đã được sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới có lợi hơn cho các đối tượng thụ hưởng chính sách nữ, đồng thời quy định cụ thể theo hướng đảm bảo việc thực hiện các biện pháp bình đẳng giới. Với những nội dung sửa đổi, bổ sung này, ngành Dệt May là ngành nhiều lao động nữ nên các công đoàn cơ sở cần cập nhật thông tin, tuyên truyền, phố biến cho người lao động và giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách này tại đơn vị.

 

                                                                                      Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website