Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

9 điểm mới về tiền lương trong Bộ luật Lao động năm 2019

Tiền lương có vai trò quan trọng đối với cả người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội. Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) dành chương VI và 15 điều luật (từ điều 90 đến điều 104) để quy định về tiền lương. BLLĐ 2019 quy định một số nội dung mới trên cơ sở tăng cường tính linh hoạt, tự chủ của các bên trong quan hệ lao động về tiền lương và bảo vệ tiền lương cho người lao động (NLĐ).

 

1. Doanh nghiệp được quyền chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương, nhà nước chỉ ban hành mức lương tối thiểu

 

Theo Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ 2012), doanh nghiệp phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động theo các nguyên tắc do Chính phủ quy định.

 

BLLĐ 2019 quy định doanh nghiệp được quyền chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trên cơ sở thương lượng, thoả thuận với người lao động và mức lương tối thiểu nhà nước ban hành. Đồng thời,  bổ sung quy định về mức lao động, theo đó: mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức (Điều 93, BLLĐ 2019).

 

2.  Nêu cụ thế các yếu tố tác động trực tiếp đến điều chỉnh mức lương tối thiểu

 

Khoản 3, Điều 91, BLLĐ 2019 quy định mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên:

 

- Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ;

 

- Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường;

 

- Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động;

 

- Việc làm và thất nghiệp;

 

- Năng suất lao động;

 

- Khả năng chi trả của doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, trong quy định về mức lương tối thiểu tại Điều 91, BLLĐ 2019 đã không còn quy định về mức lương tối thiểu ngành như quy định tại BLLĐ 2012.

 

3. Bổ sung quy định về nguyên tắc trả lương, theo đó:

 

- Người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương

 

Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp (khoản 1, Điều 94, BLLĐ 2019). Việc cho phép người lao động ủy quyền cho người khác nhận lương phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn không thể trực tiếp nhận lương…

 

- Bảo vệ quyền tự quyết chi tiêu tiền lương của người lao động (khoản 2, Điều 94, BLLĐ 2019) : "Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động;  Người sử dụng lao động không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định"

 

4. Người sử dụng lao động phải công khai, minh bạch tiền lương của người lao động

 

Khoản 3, Điều 95, BLLĐ 2019 quy định mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ:

 

- Tiền lương;

 

- Tiền lương làm thêm giờ;

 

- Tiền lương làm việc vào ban đêm;

 

- Nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

 

Quy định công khai, minh bạch khi trả lương nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

 

5. Người sử dụng lao động phải trả chi phí mở tài khoản cho người lao động nếu trả lương qua ngân hàng

 

Khoản 2, Điều 96, BLLĐ 2019 quy định trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương. (BLLĐ 2012 quy định  các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản do NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận).

 

6. Thay đổi về cách tính tiền đền bù do chậm trả lương cho người lao động

 

Khoản 4, Điều 97, BLLĐ 2019 quy định trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục, song vẫn không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương. (BLLĐ 2012 quy định người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương).

 

7. Thay đổi  quy định về tiền lương ngừng việc

 

Khoản 3, Điều 99, BLLĐ 2019 quy định trong một số trường hợp người lao động  phải ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, hỏa hoạn, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên sẽ thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

 

- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

 

- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do 02 bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

 

BLLĐ 2012 quy định chung lương ngừng việc trong các trường hợp trên là theo hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu. Như vậy, từ năm 2021, nếu người lao động phải ngừng việc vì các lý do bất khả kháng nêu trên thì sau 14 ngày mức lương ngừng việc của người lao động có thể thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

 

8. Bổ sung quy định về tạm ứng tiền lương

 

- Bên cạnh việc giữ nguyên quy định người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận như BLLĐ năm 2012, khoản 1, Điều 101, BLLĐ 2019 bổ sung thêm quy định tiền lương tạm ứng này không bị tính lãi.

 

- Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương (Khoản 2, Điều 101, BLLĐ 2019). Với việc bổ sung rõ quy định này, đã khắc phục được tình trạng hiểu và thực hiện không đúng về vấn đề tạm ứng tiền lương khi NLĐ tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân của BLLĐ 2012. Khoản 2, Điều 100, BLLĐ 2012 quy định: "Người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng lương và phải hoàn lại số tiền đã tạm ứng trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự". Quy định như BLLĐ 2012 dẫn đến có thể hiểu rằng với trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự thì không phải hoàn lại số tiền đã tạm ứng.

 

- Bổ sung quy định: "Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ" (Khoản 3, Điều 101, BLLĐ 2019).

 

9. Người lao động được thưởng tiền, tài sản hoặc bằng các hình thức khác

 

Điều 104, BLLĐ 2019 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động thay vì quy định "tiền thưởng" của BLLĐ 2012.

 

Trên đây là những điểm mới quy định về tiền lương trong BLLĐ 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 mà người sử dụng lao động cần biết để tuân thủ, thực hiện trách nhiệm của mình trong quan hệ lao động và người lao động cần biết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của mình.

 

Bích Trần

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website