Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đ/c Nguyễn Thi Minh Khai: Tấm gương sáng cho nữ CNLĐ ngành Dệt May

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (tên thật là Nguyễn Thị Vịnh), sinh ngày 30/9/1910, tại xã Vịnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đồng chí là người phụ nữ tiêu biểu trong phong trào giải phóng phụ nữ, người chiến sĩ cách mạng kiên cường, ưu tú, trọn đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước. 

 

   

Đồng chí là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiều đóng góp trong thời kỳ vận động thành lập Đảng. Năm 1927, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng đảng, được giao nhiệm vụ phụ trách công tác vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên mới ở khu vực Vinh - Bến Thủy và hai huyện Nghi Lộc, Thanh Chương.

 

Nhờ hoạt động tuyên truyền vừa mềm dẻo, vừa sâu sát trong giới phụ nữ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã vận động, kết nạp được thêm nhiều phụ nữ vào Việt Nam cách mạng đảng và sau nay họ trở thành những cán bộ nòng cốt, giữ các vị trí quan trọng của phong trào cách mạng.

 

Năm 1930,  đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng ta, đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, lập trường giai cấp vô sản đấu tranh chống đế quốc xâm lược, đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là người chiến sỹ cách mạng kiên trung, bất khuất. Trong điều kiện thực dân Pháp và bọn mật thám tăng cường các hoạt động truy lùng, vây bắt nhằm đàn áp phong trào cách mạng, nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng và tài trí thông minh, đồng chí luôn đi đầu trong công tác vận động quần chúng đấu tranh và huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng. Ngày 30/7/1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Pháp bắt và giam ở bốt Catina, sau đó là Trại giám Phú Mỹ (Sài Gòn). Kẻ thủ dùng đủ cực hình để tra tấn dã man nhưng Đồng chí vẫn cương quyết không khai ra tổ chức và các đồng chí cùng hoạt động. Biến nhà tù thành trường học cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tranh thủ mọi điều kiện để học tập nâng cao trình độ từ các đồng chí bạn tù, đồng thời ra sức tuyên truyền cách mạng đối với những người lầm đường lạc lối trở về với gia đình, dân tộc và tìm theo cách mạng.

 

Khi bị kết án tử hình, trước tòa thực dân, Đồng chí dõng dạc, đanh thép khẳng định: "Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước là không có tội sao?". Trước pháp trường, đồng chí hướng về phía đồng bào, nói những lời tâm huyết: "Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc tôi được độc lập, dân tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì". Phút cuối cùng của cuộc đời, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn đau đáu trong lòng nhiệm vụ với Đảng, với Tổ quốc, vẫn một lòng mong muốn cho dân tộc Việt Nam có độc lập, tự do. Tấm gương hy sinh anh dũng, kiên cường của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, viết lên bản anh hùng ca bất diệt của toàn thể dân tộc Việt Nam. 


Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai còn gắn liền với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Năm 1935, với tư cách là đại biểu nữ trong đoàn đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã trình bày tham luận làm rõ nhưng nỗi thống khổ cùng cực của phụ nữ lao động các dân tộc Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời khẳng định sự tin tưởng vào tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ.

 

Nhân sự kiện Ủy ban Phụ nữ ái hữu Sài Gòn - Chợ Lớn ra lời kêu gọi chị em phụ nữ đứng lên đoàn kết với nam giới sáng lập các hội tương tế ái hữu, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã viết cuốn sách giới thiệu về cuộc đấu tranh của phụ nữ quốc tế để tuyên truyền, giác ngộ nâng cao nhận thức cách mạng cho phụ nữ, nhờ đó phong trào đấu tranh của phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn ngày càng có những bước phát triển sâu rộng.

 

Trong đấu tranh với những phần tử Tờ-rốt-xkít chống lại chủ trương của ta, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã cùng với các đồng chí khác tiến hành cuộc đấu tranh mạnh mẽ trên mặt trận lý luận, thường xuyên vạch mặt những phần từ Tờ-rốt-xkít trên báo Dân chúng và Lao động nhằm góp phần to lớn tăng cường sự thống nhất trong Đảng. Qua các bài báo, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã khẳng định sự gắn bó giữa phong trào đấu tranh của phụ nữ với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nhằm thay đổi chế độ xã hội hiện thời; phụ nữ cần phải nỗ lực cố gắng, tự mình vượt qua những khó khăn, những rào cản của xã hội, tham gia gánh vác công việc của quốc gia.

 

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là con đường đầy chông gai, gian khổ nhưng cũng hết sức vẻ vang. Đồng chí luôn phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, một lòng phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, vẹn nguyên tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng, giữ vững niềm tin cách mạng và khí tiết, phẩm chất đạo đức người chiến sỹ cộng sản.  Đồng chí là hình ảnh đẹp, sáng ngời và tự hào của phụ nữ Việt Nam, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo, trong đó có nữ CBCNVLĐ ngành Dệt May.

 

Với trên 70% lực lượng lao động là nữ giới, phụ nữ dệt may đã tham gia và đóng góp tích cực trên mọi khâu của sản xuất, mọi vị trí trong hệ thống quản lý điều hành của từng cơ quan, doanh nghiệp, đóng góp công sức và tâm huyết để đưa ngành DMVN phát triển bền vững. Noi gương các thế hệ đi trước, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, trong nhiều năm qua, thế hệ nữ lao động dệt may không ngừng thi đua, phấn đấu, tô điểm, bồi đắp thêm cho phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam ở mọi giai đoạn. Trong suốt quá trình phát triển của ngành, nhiều chị đã để lại những dấu ấn quan trọng, là tấm gương sáng, là nguồn cảm hứng vô tận cho hình ảnh người phụ nữ dệt may yêu nghề, cần cù, khéo léo, sáng tạo.

 

Công đoàn Dệt May Việt Nam có trụ sở đóng trên con đường mang tên đồng chí - Minh Khai. Mỗi cán bộ đoàn viên NLĐ khi về mái nhà chung trên con đường này, đều thấy yêu quý và tự hào hơn về một tấm gương phụ nữ kiên trung bất khuất của dân tộc.

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website