Truy cập nội dung luôn

Góc nhìn & chia sẻ Góc nhìn & chia sẻ

« Quay lại

Anh Hồ Thanh Đạt: “Cây sáng kiến” của ngành Dệt May Việt Nam

Phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo luôn được các cấp Công đoàn Dệt May Việt Nam quan tâm tổ chức và được đông đảo đoàn viên, người lao động hưởng ứng tham gia. Điều này đã góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho CNLĐ. Năm 2019, trong hệ thống đã có trên 1.600 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi gần 40 tỉ đồng, nhiều cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng "Bằng lao động sáng tạo".

 

Trong một lần đến thăm Công đoàn cơ sở Tổng công ty Cổ phần Phong Phú để tìm hiểu về phong trào sáng kiến, sáng tạo, chúng tôi được chứng kiến tinh thần làm việc hăng say trong môi trường sản xuất xanh, sạch, đẹp. Nhìn danh sách tuyên dương những cá nhân có sáng kiến được áp dụng, nổi bật nhất là anh Hồ Thanh Đạt, sinh năm 1988, hiện đang làm việc tại Nhà máy nhuộm, Công ty Dệt gia dụng thuộc Tổng Công ty cổ phần Phong Phú, không năm nào là không có sáng kiến được áp dụng.

 

 

Anh Hồ Thanh Đạt

 

Chỉ sau 4 năm công tác, anh Hồ Thanh Đạt đã được bổ nhiệm chức vụ Trưởng ngành thiết bị động lực nhà máy nhuộm, phụ trách toàn bộ quá trình hoạt động, bảo trì, bảo dưỡng, quy hoạch, lắp đặt, nghiên cứu cải tiến, chế tạo của toàn bộ hệ thống nhà máy nhuộm trong Công ty.

 

Sinh ra trong gia đình có cha là bộ đội, mẹ là thanh niên xung phong tham gia kháng chiến chống Mỹ. Cuộc sống không mấy dư dả ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh, cùng với những lời động viên của cha mẹ càng khiến anh hun đúc quyết tâm học tập để vượt khó. Năm 2011, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, anh vào làm việc tại Nhà máy nhuộm, Công ty Dệt gia dụng Phong Phú, với nhiệt huyết, ham học hỏi và đam mê khoa học của tuổi trẻ, lại được sự khuyến khích động viên của lãnh đạo, cũng như hưởng ứng các phong trào thi đua của đơn vị, anh nhanh chóng tiếp cận với quy trình sản xuất, nắm chắc quy trình hoạt động của máy móc thiết bị để  lập quy trình vận hành, bảo trì thiết bị; anh cùng đồng nghiệp nghiên cứu đề xuất giải pháp phục hồi, cải tiến nhiều thiết bị đã hư hỏng hoặc công nghệ lạc hậu.

 

Năm 2013, anh xây dựng quy trình mài dao xén, tự thực hiện lắp đặt mài dao, không cần thuê chuyên gia, giúp tiết kiệm 130 triệu đồng/năm.

 

Năm 2014, anh nghiên cứu chế tạo và lắp đặt bộ dẫn khăn của máy Tumbler 02 và thay đổi đường cấp hơi. Giá trị làm lợi 150 triệu đồng.

 

Năm 2015, anh cải tạo bộ lược máy Fong's, giúp tiết kiệm thời gian vệ sinh từ 45 phút xuống còn 15 phút.

 

 

Sau đó một năm, anh tiếp tục cải tạo, di dời lắp đặt lên sàn và vận hành 03 máy nhuộm sợi cũ (Fong's, Tongwoo, Ah choi), giúp giảm thời gian ngưng máy đột xuất do cháy động cơ trên 750 giờ, tiết kiệm 150 triệu đồng.

 

Năm 2017, anh nghiên cứu thành công hệ thống thu hồi nước giải nhiệt và cấp lại tự động cho vùng máy Nhuộm sợi. Giá trị làm lợi 220 triệu đồng/năm và nghiên cứu hệ thống cấp hóa chất tự động cho máy nấu tẩy liên tục. Giá trị làm lợi 300 triệu đồng/năm, giảm công sức vận hành.

 

Năm 2018,  anh Hồ Thanh Đạt đạt giải nhất Ngày Hội lao động sáng tạo ngành Dệt May 2018 bởi đề tài Nghiên cứu hệ thống cấp hóa chất tự động cho máy Nấu tẩy liên tục. Đồng thời nghiên cứu bộ hâm nước gia nhiệt gián tiếp tận dụng nhiệt nước ngưng tụ nhà máy, giá trị làm lợi 330 triệuđồng/năm; Nghiên cứu hệ thống bơm điều áp cấp nước nóng tự động cho các máy Nhuộm, giá trị làm lợi 340 triệu đồng/năm.

 

Năm 2019, anh đạt giải nhì Ngày Hội lao động sáng tạo ngành Dệt May với đề tài Cải tạo họng phun máy Nhuộm thí nghiệm Theis 5 kg, tiết kiệm 1 tỉ đồng tiền mua máy mới.

 

Nở nụ cười hiền lành khi trả lời động cơ nào anh lại có nhiều sáng kiến như vậy, anh Đạt bộc bạch: "Khi mới vào nhà máy thấy một số thiết bị cũ hư hỏng, công nhân thiếu thiết bị, quy trình sản xuất cũ chưa đáp ứng kịp nhu cầu mặt hàng, máy móc nhiều thế hệ chưa liên kết với nhau, với sự đam mê nghiên cứu và cả một chút tự ái vì sao người Việt Nam luôn bị cho là trình độ kém, đã thúc đẩy bản thân nghiên cứu, tìm giải pháp cải tiến làm sao thao tác đơn giản nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất". Anh cảm thấy hạnh phúc khi những sáng kiến của mình được chấp thuận, góp phần cho ra những sản phẩm chất lượng, doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí và cải thiện môi trường làm việc, đời sống của công nhân ngày càng tốt hơn.

 

Với những đóng góp của mình, anh Đạt không chỉ là hạt nhân trong phong trào thi đua sáng kiến của  đơn vị mà còn là niềm tự hào của đội ngũ công nhân lao động ngành Dệt May Việt Nam. Với những sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm, anh Hồ Thanh Đạt vinh dự là một trong những cá nhân điển hình tiêu biểu xuất sắc của Phong trào thi đua yêu nước ngành Dệt May Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

 

Trần Cử

 

Bạn đọc nhấn vào đây để gửi ý kiến bình luận

Tin khác

Trung bình (0 Bình chọn)
Tỷ lệ trung bình là 0.0 ngôi sao trên mức cao nhất 5 sao.
  
Chưa có lời bình nào. Hãy là người đầu tiên.

Thông báo Thông báo

Video hoạt động Video hoạt động

Liên kết website Liên kết website